Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long:

“Tôi muốn giải thiêng một huyền thoại âm nhạc”

26 năm lưu giữ khối di sản liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (10.000 bức ảnh phim và hàng nghìn tư liệu gốc), nhiếp ảnh gia Dương Minh Long (ảnh nhỏ) nói, đã đến lúc, chúng đến được với công chúng. Chia sẻ những câu chuyện đời thường, rất riêng tư của nhạc sĩ mà nhiều người mến mộ, Dương Minh Long nói: “Tôi muốn giải thiêng một huyền thoại âm nhạc của Việt Nam”.

“Tôi muốn giải thiêng một huyền thoại âm nhạc”

Vấn đề bản quyền tại Việt Nam khiến tôi ngại chia sẻ ảnh
 
 - Cơ duyên nào mà anh quen biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?
 
 - Năm 1990, tôi từ Moscow (Nga) về Việt Nam và tổ chức triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh. Ở TP Hồ Chí Minh ngày đó, có một bộ ba chơi rất thân với nhau là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà thơ Nguyễn Duy. Thông qua nhà thơ Nguyễn Duy, mối nhân duyên của chúng tôi bắt đầu từ đó. Người nhà anh Sơn, khi đó, đang bận bịu công việc ở nước ngoài chưa về Việt Nam. Tôi ở trong nhà anh Sơn từ năm 1993 đến 1997. Nhờ vậy, tôi có cơ hội chứng kiến những góc đời thường của anh, từ những cuộc tụ tập với bạn bè, lúc anh một mình, lúc anh yêu đương…

“Tôi muốn giải thiêng một huyền thoại âm nhạc” -0Hàng nghìn tư liệu gốc đã được nhiếp ảnh gia Dương Minh Long trao lại cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để bày trong một không gian bảo tàng mang tên ông ở Huế.
 


 
 Anh luôn sống vì bạn bè. Nhà anh lúc nào cũng đầy bạn bè. Tôi suốt ngày lẽo đẽo đi theo anh từ chỗ này tới chỗ kia và làm công việc của một người em: chụp lại những khoảnh khắc đời thường của anh. Những khi bạn bè về hết, hai anh em rủ nhau đến ăn hoặc ngồi ở góc nào đó, anh lại chia sẻ những câu chuyện riêng tư của anh. Nhiều khi, tôi phải chủ động hỏi, anh không bao giờ nói.
 
 - Hồi đó, anh có nghĩ, sẽ có một ngày, anh là “ông hoàng ảnh tư liệu” về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không?
 
 - Không. Lúc bắt đầu và cả bây giờ, tôi đến với anh bằng tất cả tình yêu hết sức riêng tư của cá nhân tôi: tình yêu đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tình yêu với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Vì thế, khi anh Sơn mất đi, tôi chẳng muốn lưu giữ gì. Ngay cả những bức ảnh phim, tôi chụp anh gần 10.000 kiểu, tôi cũng không muốn giữ nữa. Người anh mà mình yêu thương nhất đã không còn đó nữa, những hình ảnh cũng không còn ý nghĩa. Tôi không phải nhà văn, nhà thơ, tôi không biết diễn tả cảm giác đó như thế nào. Rất khó để nói rành mạch. Tôi định làm một triển lãm ảnh về anh nhân 49 ngày anh mất, đã xin phép cả nơi tổ chức triển lãm rằng triển lãm xong sẽ đốt hết những bức ảnh đó lẫn khối tư liệu mà anh trao. Tôi nói chuyện đó với người thầy của tôi là nhà báo Nguyễn Trọng Chức thì anh nói một câu khiến tôi phải suy nghĩ: “Không được làm như thế, Long. Khi làm thế, Long có tội với những người yêu mến Trịnh Công Sơn”. 26 năm qua tôi đã trải qua tới 27 lần chuyển nhà. Tôi đã bỏ đi nhiều thứ, nhưng vẫn luôn mang theo gần một tấn phim chụp trong 45 năm làm nghề của mình và khối tư liệu mà anh Sơn đưa.
 
 - Giữ trong tay một khối di sản như vậy, hẳn cũng áp lực. Tại sao anh không chia sẻ để chúng đến được với công chúng? Được biết, anh rất “kỹ” khi công bố những bức ảnh Trịnh Công Sơn, đến bây giờ số ảnh được đưa ra rất ít ỏi…
 
 - Ngược lại, tôi sẵn sàng hợp tác để đưa ảnh Trịnh Công Sơn ra công chúng. Tôi mong điều đó hơn bất cứ ai. Nhưng có một điều là, ở Việt Nam, vấn đề bản quyền có quá nhiều thứ khiến tôi ngại ngần. Quan trọng nhất của bức ảnh tư liệu là chú thích ảnh. Với số ít ảnh đã công bố đó, người ta cóp chỗ này, xọ chỗ kia, cắt cúp vô tội vạ, có những câu chuyện theo bức ảnh đã không chính xác rồi. Trịnh Công Sơn trong ảnh thời điểm nào? Tại sao ông lại có tâm trạng như thế? Có câu chuyện gì đặc biệt liên quan sau bức ảnh đó không? Tôi kỹ trong chuyện chia sẻ ảnh là vì vậy.
 
 Trước đây, tôi từng đề xuất với gia đình anh nếu làm một không gian trưng bày hoặc bảo tàng Trịnh Công Sơn gì đó, tôi sẽ trao hết tư liệu và cả những bức ảnh mà tôi đã chụp. Nhưng rồi, vì điều kiện khách quan, các em của anh - người thì ở Canada, người thì ở Mỹ,… nên điều đó đã không làm được. Tôi cũng muốn làm một cuốn sách ảnh chia sẻ những góc rất đời thường của anh nhưng lại không đủ kinh phí. Một cuốn sách nhỏ, đâu nói hết được những góc cạnh trong đời một con người. Rồi bộn bề cuộc sống cuốn tôi đi, 20 năm đã trôi qua, kể từ ngày anh rời bỏ cõi tạm, đến nay, mong muốn đó mới trở thành hiện thực. Trong khối tư liệu, có những tư liệu rất quý chưa bao giờ công bố như văn bản cấm, không cho Trịnh Công Sơn hát từ phía chính quyền miền nam trước năm 1975, nhiều thư tình, thư tín của bạn bè anh, những bức ảnh cố nhạc sĩ chụp cùng nhiều “nàng thơ”, cả giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của một người bạn gái của anh, bản gốc các ca khúc “Nối vòng tay lớn”, “Dựng lại người, dựng lại nhà”…
 
 Bên cạnh việc trao lại gia đình anh Sơn khối tư liệu mà anh đã giao cho tôi vào những năm 1995 - 1997 (khi tôi ngỏ ý muốn làm một phim tài liệu về anh), tôi cũng đang thực hiện một cuốn sách ảnh Trịnh Công Sơn, được chia ra làm nhiều mục: Trịnh Công Sơn và Trịnh Vĩnh Trinh, Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung, đặc biệt là Trịnh Công Sơn và Trịnh Công Sơn… Đó là chân dung tự sự của anh.
 
 - Trong những khoảnh khắc tự sự đó, anh nhớ nhất câu chuyện nào?
 
 - Có một bức ảnh được chụp vào năm 1997, khi ấy anh ấy sắp ra khỏi nhà. Anh nói: “Hôm nay, anh muốn Long chụp cho anh ở chỗ này”. Khi chụp xong, anh vẫn cứ ngồi im như thế. Anh nói: “Sau này anh mất, linh cữu anh ở chỗ này”. Đúng là sau này anh mất, chỗ đó đặt linh cữu của anh.
 
 - Nguyên tắc chụp ảnh tư liệu của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long là gì?
 
 - Tôi là người chụp ảnh tư liệu. Chụp như thế nào, giữ nguyên như thế. Không chỉnh sửa, không cắt cúp. Đó là quan điểm ảnh của cá nhân tôi, mà có lẽ các nhiếp ảnh gia Việt Nam không phải ai cũng tiếp nhận.
 
 Tôi là người chụp ảnh tư liệu, không phải ảnh nghệ thuật, tức là ghi chép chính xác những khoảnh khắc đời sống cá nhân và chân dung nghệ sĩ trong đời sống thường nhật. Tôi không đưa nghệ sĩ vào những tình huống dàn dựng. Đó không phải là phong cách chụp ảnh của tôi.
 
 Bằng tất cả tình yêu
 
 - Trong những khoảnh khắc chớp nhoáng đã đi qua đời ta ấy, khoảnh khắc nào của cố nhạc sĩ khiến anh thích nhất?
 
 - Những lúc anh Sơn ngồi một mình. Những hôm anh đứng bên cửa sổ hoặc ngồi trên ghế da… Không còn âm nhạc, chỉ còn một mình anh và khói thuốc. Đấy là những tâm trạng ăn ảnh của anh Sơn.
 
 - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đón nhận những bức ảnh của anh chụp ông ấy ra sao?
 
 - Lúc nào anh ấy cũng vui. Anh nói: Cái này mình không nhận ra mình. Cái này buồn nhỉ? Có những bức, bẵng một thời gian anh mới xem, anh hỏi chụp ở đâu và tại sao lại có một tâm trạng như thế. Lúc đó, anh hút thuốc, ngồi trên bàn tiệc rất đông. Gương mặt của anh rất khó tả.
 
 - Khi chia sẻ khối tư liệu khổng lồ này, anh muốn công chúng hiểu thêm về những góc riêng tư, đời thường nhất của một nhạc sĩ mà họ mến mộ. Phải chăng điều này sẽ góp phần “giải thiêng” một huyền thoại âm nhạc?
 
 - Câu hỏi hay. Đúng là, khi ai đó đến với thần tượng của mình, ta đều dễ bị cảm giác choáng ngợp; hoặc nghĩ họ có một điều gì đó khó hiểu, bí ẩn. Nhưng tiếp xúc gần gũi, cùng sinh hoạt, nghỉ ngơi tại nhà của anh Sơn, tôi phát hiện anh là một con người rất khác. Anh có một đời sống rất bình thường như tất cả mọi người. Có điều, vì anh là nghệ sĩ nên tư duy, triết lý đời sống khác mọi người mà thôi. Anh Sơn ứng xử với đời sống, với âm nhạc, với con người không có gì chênh nhau cả. Khi bạn nghe nhạc, khi bạn gặp và trò chuyện với anh ấy, gần như bạn gặp con người anh ấy rồi.
 
 - Với nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, Trịnh Công Sơn là một người như thế nào?
 
 - Đây là một câu hỏi khó, và là một câu hỏi tôi không trả lời được. Với tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một người bạn lớn, dạy tôi rất nhiều điều. Vì vậy, tôi cứ yêu anh ấy bằng tất cả tình yêu của mình.
 
 - Cảm ơn nhiếp ảnh gia Dương Minh Long.