Thêm một “giọt nước”…

Việc tranh Đông Dương bị làm giả và xuất hiện chính thức trong các cuộc đấu giá công khai không phải là một điều gì đó mới mẻ nữa. Có điều, dù đã đối diện nhiều cơ hội, dường như các cơ quan liên quan vẫn chưa thật sự nhìn nhận đầy đủ về sự nguy hại của thực trạng này, để nỗ lực hành động.

Từ trái qua: Bức “Trà đàm” (1971) được đưa đấu giá ở nhà Sotheby’s năm 2004 và 2020; bức “Trà đàm” (1971) được đưa đấu giá ở nhà Aguttes cuối tháng 9 này.
Từ trái qua: Bức “Trà đàm” (1971) được đưa đấu giá ở nhà Sotheby’s năm 2004 và 2020; bức “Trà đàm” (1971) được đưa đấu giá ở nhà Aguttes cuối tháng 9 này.

Những nguy hại nhãn tiền

Đưa ra các bản khác nhau của tác phẩm “Trà đàm” (1971) của danh họa Mai Trung Thứ - trong đó, một bức sẽ xuất hiện tại phiên đấu giá cuối tháng 9 này của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) - bài đăng của giám tuyển Ace Le (Singapore) đang thu hút sự chú ý của giới mỹ thuật lẫn giới sưu tập tranh quan tâm đến các tác phẩm hội họa của Việt Nam.

Trong những bản “Trà đàm” kia, độ thật - giả ra sao, phải có công cụ để kiểm tra. Có điều, một tác phẩm mà có tới nhiều bản khác nhau là hết sức không bình thường - nhưng lại đang được xem là bình thường trên thị trường mỹ thuật thế giới. Trong chuyện làm ăn, thuận mua thì vừa bán. Quan trọng là có lãi, kể cả đó là tranh giả.

“Chỉ có cánh môi giới, các nhà đấu giá là được hưởng lợi sau mỗi giao dịch bất chính. Còn bao nhiêu tai tiếng, vạ lây, nền mỹ thuật Việt Nam và các họa sĩ nhận về hết”, giám tuyển Ace Le nói.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói thêm, “chính điều đó cũng sẽ “xóa sạch” một thế hệ họa sĩ đang lên (đặc biệt là lứa họa sĩ 7x nhiều tài năng và tư duy đột phá) của Việt Nam. Tác phẩm của họ khó “nhập cuộc” thị trường mỹ thuật thế giới, hoặc nhập cuộc nhưng giá thấp so với giá trị của nó vì những “vết nhơ” không thuộc về mình, không do mình gây ra. Còn một lứa họa sĩ trẻ hơn nữa, sống bằng việc làm giả tranh, chép tranh. Rất nguy hại cho nền mỹ thuật Việt Nam”.

Trong vài thập niên qua, tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương và kháng chiến bị làm giả nhiều nhất. Nhiều người trong giới họa sĩ cho biết, phía sau những giao dịch này, có những đường dây, những “lò” làm tranh giả tồn tại một cách an toàn từ Việt Nam qua nước ngoài, và ngược lại. Những đường dây này hoạt động với quy mô lớn, có sự giúp sức và bảo kê của các cá nhân người nước ngoài trục lợi danh tiếng của họa sĩ Việt Nam.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi từng nói: “Người nước ngoài không làm giả tranh Việt Nam được, ở một mặt nào đó, họ không thể hiện được hồn Việt trong những bức tranh đó. Chỉ có người Việt làm giả tranh, hoặc làm theo đơn đặt hàng từ nước ngoài, rồi đem qua Tây bán; rồi mang ngược về Việt Nam để “hợp thức hóa”.

Cho nên mới có chuyện tranh Bùi Xuân Phái bị mất giá so với một danh họa khác cùng thời là Nguyễn Tư Nghiêm, bức “Mơ về một ngày mai” ký tên danh họa Tô Ngọc Vân nhưng thực chất là tranh chép tác phẩm “The Young Beggar” (Trẻ ăn mày) của họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 17 Bartolome Esteban Murillo một cách trắng trợn… Rất nhiều vụ việc khác nữa, “báo động đỏ” cho tình trạng thật giả bất phân này.

Bịt kẽ hở pháp lý

Vụ việc điển hình, gây xôn xao dư luận là phát hiện 17 bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu trở về” đều là tranh giả, năm 2016. Chủ nhân bộ sưu tập này là nhà sưu tập Vũ Xuân Chung. Nhân vật đứng sau là Jean-Francois Hubert - người được xem là chuyên gia cao cấp về mỹ thuật Việt Nam, từng “dính chàm” trong một số vụ việc tranh giả mà nhiều họa sĩ, chuyên gia mỹ thuật Việt Nam đã “chỉ mặt gọi tên”.

“Đây là lần đầu, một triển lãm tranh giả được đàng hoàng diễn ra ở một bảo tàng công, của Việt Nam”, ông Lương Xuân Đoàn lưu ý. Nói “đàng hoàng” là vì triển lãm lọt qua “cửa kiểm duyệt” và được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cấp giấy phép, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và còn được giới thiệu rầm rộ trên truyền thông đại chúng trước khi bị phanh phui.

“Khi vụ việc xảy ra, những người bạn hiểu chân tướng ở bên Pháp có hỏi tôi, sao Hội Mỹ thuật Việt Nam không giải quyết dứt điểm vụ việc. Họ đề nghị Hội lên tiếng. Nhưng chúng ta không có cơ sở pháp lý để lên tiếng. Hiện, Việt Nam chỉ có Nghị định 113 (từ năm 2013) liên quan đến hoạt động mỹ thuật; nhưng lại là một văn bản chưa có tính pháp lý để xử phạt với người nước ngoài khi phát hiện hành vi vi phạm bản quyền, đặc biệt tiếp sức cho đường dây tranh giả. Đây là một nguy trạng, chưa giải quyết được, Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã lên tiếng nhiều lần nhưng bất lực”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết.

Giám tuyển Ace Le nói, lẽ ra thời điểm đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam nên vào cuộc rốt ráo vì sự việc đang nằm trong tầm tay của họ. Dù báo chí trong nước và quốc tế đều đưa tin, nhưng người đứng sau là Jean-Francois Hubert lại không chịu bất cứ một hình phạt nào, thậm chí, nhà đấu giá Christie’s còn thăng chức cho ông ta. “Chúng ta bỏ qua một “cơ hội vàng” để cảnh tỉnh, góp phần thanh lọc thị trường”, Ace Le nhìn nhận.

Rõ ràng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi văn hóa cũng được xem là một ngành kinh tế không khói, sự chuyên nghiệp, từ quản lý cho tới hành lang pháp lý là yêu cầu bức thiết để tránh những khe hở cho kẻ xấu trục lợi, bảo vệ các giá trị của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.