Thay đổi một định kiến

Sau giai đoạn gần như "đóng băng" vì đại dịch Covid-19, ngành xuất bản trong nước đang từng bước phục hồi. Đặc biệt, không chỉ nỗ lực vượt qua những khó khăn trước mắt, các đơn vị đang phải thích ứng yêu cầu chuyển đổi số, được xem là cấp thiết hiện nay.

Công ty sách Đông A vừa ra mắt Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật, mang đến những ấn phẩm được đầu tư công phu sau thời gian giãn cách.
Công ty sách Đông A vừa ra mắt Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật, mang đến những ấn phẩm được đầu tư công phu sau thời gian giãn cách.

Nỗ lực và sáng tạo

Sau những khoảng thời gian phải tạm ngừng hoạt động vì đại dịch Covid-19, các không gian đọc, kinh doanh xuất bản phẩm hoạt động trở lại đã góp phần mang lại sự phục hồi đáng kể cho ngành xuất bản. Số liệu từ Đường sách TP Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ sau 10 ngày mở cửa hoạt động trở lại, nơi đây đón gần 4.000 người với tổng doanh thu đạt hơn 500 triệu đồng.

Chỉ sau thời gian ngắn nới lỏng giãn cách, Công ty cổ phần Sbooks đã tung ra thị trường hơn 20 đầu sách mới. Đáng chú ý trong số đó là tuyển tập Covid-19 và cuộc chiến sinh tử của nhiều tác giả và tập bút ký-bình luận Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Để có được số lượng sách mới ấn tượng này, Sbooks đã phải chủ động xoay xở trong điều kiện không mấy thuận lợi. Theo đó, trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách, nhiều công ty in phải đóng cửa, đơn vị này đã "vượt khó" bằng cách chuyển bản thảo ra Hà Nội in rồi chuyển sách vào TP Hồ Chí Minh.

Tại NXB Kim Đồng, sau ba tháng giãn cách, tính cả sách in trong giai đoạn giãn cách mà chưa kịp phát hành hoặc chỉ phát hành được một số ở Hà Nội, số lượng này lên đến hơn 200 tựa sách, chưa kể hơn 100 tựa sách đang trong kế hoạch tái bản. Nhiều đơn vị khác như NXB Phụ nữ Việt Nam, NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Đinh Tị Books, Nhã Nam, Huy Hoàng Books, Thái Hà Books, First News… cũng lần lượt giới thiệu đến độc giả những ấn phẩm mới của đơn vị mình sau thời gian im ắng vì dịch bệnh.

Tăng tốc chuyển đổi số

Trong một chương trình giao lưu mới đây, ông Vũ Trọng Đại, Tổng Giám đốc Alphabooks cho rằng, xã hội ta vẫn có một định kiến sâu, cho rằng xuất bản đồng nghĩa với sách giấy. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, xuất bản không chỉ có sách giấy mà còn có các sản phẩm được ra đời trên các nền tảng công nghệ.

Thật ra, không chỉ đến lúc này, ngành xuất bản Việt Nam mới quan tâm đến câu chuyện chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế từ đại dịch Covid-19 vừa qua đặt ra cho những người làm xuất bản yêu cầu cấp thiết đẩy nhanh tiến trình này. Bởi đây cũng đang là đòi hỏi từ phía người hưởng thụ. Đơn cử, sáu tháng đầu năm 2021, ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos tăng trưởng doanh thu gấp năm lần. Thời điểm gần cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì tốt, số lượng người dùng ứng dụng đã đạt gần 400.000 người.

Nếu như trước đây, các loại hình xuất bản điện tử như ebook (sách điện tử), audiobook (sách nói) thường "đi sau" sách giấy. Nghĩa là khi sách giấy phát hành, đến với độc giả được một thời gian thì ebook, audiobook mới khai thác. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sức mua cũng như việc cập nhật thông tin của người dùng. Tuy nhiên, gần đây vấn đề này đã bắt đầu có sự thay đổi. Khi ấn phẩm "Đại dương đen" của tác giả Đặng Hoàng Giang được ra mắt, ngay lập tức trên Fonos cũng đã có phiên bản sách nói. Hay trường hợp cuốn sách "Không bao giờ là thất bại-Tất cả là thử thách" cũng được ra mắt song song phiên bản sách giấy và sách nói thông qua ứng dụng Voiz FM của WeWe.

Một trở ngại hiện nay đối với công cuộc chuyển đổi số chính là vấn đề bản quyền. Theo bà Trần Nhật Hoàng Phương, Trưởng phòng Marketing Phương Nam Books, nếu như các đơn vị làm sách chân chính đầu tư nhiều cho các công nghệ bảo vệ bản quyền, cho nền tảng kỹ thuật, công nghệ chuyển đổi, sản xuất file, trả phí tác quyền, cũng như đội ngũ…, thì ở trên internet, người dùng dễ dàng tìm ra hàng nghìn ebook cũng như audiobook "lậu". "Thật sự mà nói các ấn bản lậu trôi nổi trên mạng đã gây thiệt hại rất nhiều đối với các đơn vị xuất bản và cả những đơn vị kinh doanh như chúng tôi", bà Phương cảm thán.