Số hóa, "ảo" và "thực"

Nhiều bảo tàng, di tích, làng nghề… đã đầu tư công sức, tiền của cho ra đời những không gian ảo, trưng bày ảo, bản đồ số, tích hợp các giải pháp công nghệ vào thuyết minh, hướng dẫn…, qua đó giúp phổ biến tri thức, quảng bá cho các hoạt động văn hóa, thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, điều này lại tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng số hóa. Bởi, có những vấn đề "ảo" không thể thay thế "thực".

Khách tham quan sử dụng công nghệ thuyết minh tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).
Khách tham quan sử dụng công nghệ thuyết minh tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Trào lưu số hóa

Số hóa các dịch vụ, hoạt động văn hóa vốn là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Dịch Covid-19 khiến xu hướng này ngày càng được đẩy mạnh, xu hướng tham quan, tìm hiểu "từ xa" hoặc "không chạm" lên ngôi. Sự phát triển của công nghệ, nhất là công nghệ thực tại ảo, trí thông minh nhân tạo, công nghệ 3D, ảnh 360 độ… càng hỗ trợ tích cực cho xu hướng này. Bởi thế, vài năm trở lại đây, hàng loạt bảo tàng, di tích… trên cả nước đã trình làng những sản phẩm, dịch vụ, chương trình tham quan dưới dạng số hóa. Ở cấp độ đơn giản nhất là hệ thống thuyết minh tự động. Khi tham quan các di tích, bảo tàng, các địa chỉ văn hóa…, khách tham quan thuê hoặc mượn thiết bị thuyết minh và tai nghe. Đi đến đâu, du khách chỉ cần tự bấm nút, lựa chọn ngôn ngữ, lựa chọn các hạng mục có nhu cầu là có thể tự khám phá với người "trợ lý" này. Tại Hà Nội, hệ thống thuyết minh tự động đã phổ biến ở các địa chỉ như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng nghề Bát Tràng… Một số bảo tàng, di tích triển khai phần mềm hướng dẫn khách tham quan thông qua các ứng dụng, hay cổng thông tin được xây dựng riêng. Khách chỉ cần tải và chạm là có thể thỏa sức khám phá. Điển hình trong số này phải kể đến ứng dụng Hoankiem360 của quận Hoàn Kiếm hay Hoàng thành Thăng Long của di sản Hoàng thành Thăng Long…

Bước đột phá trong thời gian gần đây là các ứng dụng tham quan ảo, trưng bày ảo… của các di tích, bảo tàng dựa trên ứng dụng công nghệ 3D. Với một chiếc kính thực tế ảo, khách tham quan có thể khám phá từng chi tiết nhỏ của các hiện vật trưng bày, hay từng góc của các bảo tàng, di tích trong một không gian ba chiều, với đầy đủ góc cạnh y như thật. Những bảo tàng đã triển khai ứng dụng này có thể kể đến: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ…

Nguy cơ "lệch hướng"

Ứng dụng công nghệ vào các hoạt động bảo tàng, di tích, di sản… để quảng bá, giới thiệu, bảo tồn di sản, thúc đẩy du lịch là điều tất yếu trong lộ trình chuyển đổi số của quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dường như đang có một trào lưu chạy đua xây dựng công nghệ. Phó Cục trưởng Di sản văn hóa Lê Định Phong cho rằng, dường như đang có tình trạng chuyển đổi số "tán loạn" ở nhiều nơi. Ông Phong nhấn mạnh: "Công nghệ dù có tốt đến mấy, cũng chỉ là phương tiện truyền tải. Vấn đề quan trọng trước tiên là phải xây dựng được dữ liệu số, đó là cơ sở để xây dựng các ứng dụng khác. Nhiều sản phẩm hiện nay được đưa lên không gian ảo một cách vội vàng nên còn rất thô, không thể tồn tại lâu dài. Nếu như không nghiên cứu nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn chúng ta sẽ khó thành công". Ủng hộ việc số hóa, song Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh phải làm việc một cách thận trọng, từng bước để cho ra sản phẩm phù hợp. Theo bà, thực tế đã có trường hợp triển khai hệ thống thuyết minh tự động, nhưng bảo tàng, di tích lại không phối hợp với đơn vị công nghệ, dẫn đến sản phẩm không phù hợp. Nếu chuyển đổi số ào ào thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Những băn khoăn không chỉ đến từ các nhà quản lý, mà còn từ phía các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, những ứng dụng công nghệ là cần thiết, nhưng cần coi như yếu tố bổ trợ. Đại diện công ty Vivu Journeys cho biết: "Việc tạo sức hấp dẫn cho một chuyến tham quan không chỉ đến từ kiến thức. Sự hấp dẫn còn đến từ ngữ điệu giọng nói, khuôn mặt, cảm hứng, cảm xúc của người hướng dẫn viên khi dẫn đoàn, khi tương tác với khách tham quan, tạo ra trải nghiệm khác biệt với từng du khách. Nếu triển khai tham quan ảo thì cũng cần nghiên cứu đến yếu tố này, để làm sao việc hướng dẫn ảo chân thực và phù hợp".