Minh bạch bản quyền trên không gian mạng

Sự việc nhạc sĩ Giáng Son bị "đánh gậy" bản quyền chính tác phẩm của mình đã khiến không ít người giật mình. Thử cùng nhìn nhận và suy nghĩ về vấn đề này.

Không chỉ nhạc sĩ Giáng Son, còn có rất nhiều nghệ sĩ đã và đang là nạn nhân của việc bị khai thác bản quyền mà không hề hay biết.
Không chỉ nhạc sĩ Giáng Son, còn có rất nhiều nghệ sĩ đã và đang là nạn nhân của việc bị khai thác bản quyền mà không hề hay biết.

Từ một sự việc "hy hữu"…

Việc nhạc sĩ Giáng Son bức xúc đăng tải trên trang cá nhân chuyện mình bị Công ty BH Media đánh gậy bản quyền chính tác phẩm Giấc mơ trưa do chị sáng tác và bản audio do chính chị sản xuất khiến công chúng ngỡ ngàng. Người viết cũng đã chia sẻ nội dung trạng thái của Giáng Son trên trang cá nhân của mình và cũng nhận được nhiều ý kiến bình luận của công chúng và bạn bè đồng nghiệp, nhiều nghệ sĩ trong giới âm nhạc cũng bức xúc chia sẻ họ cũng là nạn nhân của việc bị một đơn vị "trời ơi" nào đó nhận vơ và đánh gậy bản quyền tác phẩm. Trong đó phải kể tới nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc sĩ Lê Tâm, ca sĩ Tuấn Hiệp… Trên thực tế, còn có rất nhiều nghệ sĩ đã và đang là nạn nhân của việc bị khai thác bản quyền mà không hề hay biết như thế này.

Cơ sở mà BH Media đưa ra khi đánh gậy bản quyền với tác phẩm của chính tác giả Giấc mơ trưa là căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa công ty này với Hồ Gươm Audio. Về lý thuyết, BH Media có quyền khai thác bản quyền trên mạng đối với các bản ghi âm nằm trong thỏa thuận giữa hai công ty nói trên với nhau. Tuy nhiên, theo người viết, khái niệm bản quyền ở đây rất "có vấn đề" khi chính chủ sở hữu tác phẩm (là nhạc sĩ Giáng Son) không hề biết có giao dịch này.

Mặt khác, bản Giấc mơ trưa mà Giáng Son đăng trên kênh YouTube cá nhân của chị là một bản khác hoàn toàn, nằm trong album riêng do chính chị đầu tư sản xuất và giữ 100% bản quyền đối với nó. Trong khi bản audio mà BH Media ký kết với Hồ Gươm Audio được thể hiện bởi một nghệ sĩ độc tấu đàn nhị. Chính vì vậy, việc đánh gậy bản quyền với một phiên bản nằm ngoài các thỏa thuận tự ký với nhau trong trường hợp này có thể coi là nhận vơ.

Bản chất của vấn đề dẫn đến sự việc không phải hy hữu nhưng rất được dư luận quan tâm hiện nay, theo người viết, chính là sự ký kết giữa hai bên. Theo đó, để tạo nên một sản phẩm âm nhạc đến được với người nghe có nhiều công đoạn như tác phẩm (tác giả), nhạc sĩ phối khí, người thể hiện, nhà sản xuất (nhà đầu tư)... mỗi khâu đều có quyền riêng của mình trong một sản phẩm đó và phạm vi chỉ nằm ở trong sản phẩm đó mà thôi.

Có nghĩa, với một sản phẩm có thể nhiều người nắm giữ bản quyền, thí dụ bản quyền ghi âm, bản quyền giọng hát... nhưng mọi bản quyền này chỉ có hiệu lực khi đã có sự thỏa thuận trên giấy với tác giả (hoặc người chủ sở hữu tác phẩm trong trường hợp tác giả đã mất hoặc tặng/ủy quyền khai thác cho một cá nhân, tổ chức). Vì thế, giao dịch giữa Hồ Gươm Audio và BH Media chỉ được coi là hợp lệ khi một trong hai bên phải có sự thỏa thuận với tác giả, phải chia sẻ quyền lợi với tác giả, kể cả tác giả cho tặng một trong hai đơn vị này cũng phải được thể hiện bằng văn bản. Trường hợp không có thì đương nhiên là vi phạm quyền tác giả.

"Mảnh đất" còn bỏ ngỏ

Tới đây có lẽ, chúng ta đều nhìn rõ một vấn đề đó là, lợi thế đang thuộc về những người nắm bắt về công nghệ thông tin, thông thạo các chính sách khi tham gia hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Và điều này, đương nhiên, với các nghệ sĩ hoạt động độc lập là một điểm còn yếu. Trong khi thế giới cũng như Việt Nam đang chuyển dịch một cách mạnh mẽ bởi công nghệ số, thế giới ảo đang ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội thì nhiều nhạc sĩ vẫn còn chưa nắm rõ được các vấn đề liên quan việc giới thiệu và khai thác tác phẩm của mình trên không gian mạng, dẫn đến nhiều năm qua bỏ ngỏ "mảnh đất màu mỡ" này hoặc bị người khác khai thác mất sản phẩm mà mình đã tạo ra.

Có một thực tế là, việc bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dù đã được chú trọng cả ở góc độ lập pháp và trong đời sống, nhưng hiểu biết về lĩnh vực này vẫn còn khá hạn chế đối với nhiều người, nhất là những quy định trên không gian mạng, tạo nên lỗ hổng khá lớn cho nhiều kẻ thiếu ý thức nhưng có kỹ năng trục lợi bất chính.

Và để giải quyết dứt điểm tình trạng cố tình nhận nhầm, nhận vơ, vi phạm bản quyền và những tồn tại trong lĩnh vực bản quyền hiện nay, thiết nghĩ, cần có quy định rõ ràng hơn trong hoạt động kinh doanh trên không gian mạng. Cần nghiên cứu để tìm ra giải pháp quản lý hiệu quả nhất cho việc xuất bản các tác phẩm nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng trên không gian mạng theo hướng hài hòa giữa các quy định của Việt Nam với các điều khoản, quy định của nền tảng số (trong đó bao gồm YouTube, Facebook...) chủ yếu thuộc quyền sở hữu của các công ty đa quốc gia.

Tuy nhiên, để những đề xuất trên đây thành hiện thực lại cần có thời gian. Cho nên, trong khi chờ đợi các quy định cụ thể và minh bạch, chặt chẽ hơn, ngay từ thời điểm này, cần một sự minh bạch, tự giác và cùng chia sẻ lợi ích của chính những đơn vị hoạt động kinh doanh có liên quan tới các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm… trong đó, rất cần sự đồng hành tích cực và hiệu quả hơn của các hội nghề nghiệp.