Lãng phí một công cụ

Hình thành từ tâm nguyện của người dân trong các cộng đồng làng, xã, hương ước, từ nhiều thế kỷ nay, là công cụ góp phần tích cực vào hoạt động quản lý xã hội. Nhờ hệ thống các quy định rất cụ thể, rạch ròi về nghĩa vụ và quyền lợi của các thành viên trong các cộng đồng, hương ước đã trở thành công cụ quản lý mềm rất hiệu quả, khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện của mỗi người dân. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2018, trong số 106.383 thôn, làng được rà soát, có 99.073 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 93,1%). Đến thời điểm hiện nay, có thể nói, hương ước, quy ước đã được xây dựng, công nhận và tổ chức thực hiện ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Vậy nhưng, dù đạt con số đáng ghi nhận, vai trò của hương ước dường như lại đang càng ngày càng trở nên mờ nhạt, và đang bị ngay chính thành viên các cộng đồng làng, xã xem nhẹ, bỏ qua. Tại cuộc Hội thảo đánh giá việc thực hiện Đề án tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước giai đoạn đến năm 2021, do Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức mới đây, đã ghi nhận một số tồn tại, hạn chế như, một số hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân, nhiều hương ước, quy ước sơ sài về nội dung, sao chép lặp lại chính sách, pháp luật, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục của các địa phương. Nguyên nhân của tình trạng này cũng đã được xác định, là bởi việc thực hiện hương ước, quy ước ở một số địa phương còn hình thức, phong trào, nhiều nơi việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà chủ yếu là để ghi nhận thành tích, khi thực hiện việc công nhận các danh hiệu văn hóa.

Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân cuối tuần, số ra ngày 10/2/2017, PGS, TS Vũ Duy Mền (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã cảnh báo: "Từ năm 1992, chúng ta tái lập hương ước, nhưng thẳng thắn mà nói, hương ước hiện nay hầu như không ăn nhập gì với đời sống làng. Cách thức xây dựng hương ước theo kiểu từ trên xuống hiện nay đang làm cho hương ước mất đi giá trị, vì những quy định đó không gắn liền với quyền lợi và nhận thức trực tiếp của người dân. Thành thử, một công cụ mềm để quản lý làng xã rất hiệu quả đã bị xem nhẹ, bỏ qua".

Nhắc lại câu chuyện này để thấy, sự mờ nhạt vai trò của hương ước trong đời sống là "cái chết đã được báo trước". Chỉ có điều, rất nhiều những lời cảnh báo tâm huyết dường như đã không được lắng nghe một cách cẩn trọng. Để có thể mang lại những điều chỉnh tích cực trong cuộc sống.