Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, nguồn cảm hứng lớn của người nghệ sĩ

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của thi ca, hội họa, điện ảnh, âm nhạc… Những ngày gần đây, hình tượng Người lại tiếp tục tỏa sáng qua hàng loạt tác phẩm sân khấu. Không chỉ góp thêm những hình ảnh đẹp về vị Cha già kính yêu của dân tộc, các vở diễn còn cho thấy tinh thần lao động nghệ thuật hết mình của người nghệ sĩ.

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các nghệ sĩ (cảnh trong vở nhạc kịch "Người cầm lái"). Ảnh: Quang Vinh
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các nghệ sĩ (cảnh trong vở nhạc kịch "Người cầm lái"). Ảnh: Quang Vinh

Xây dựng hình tượng Bác Hồ bằng ngôn ngữ nghệ thuật là nguồn cảm hứng lớn và cũng là thách thức với người sáng tác và người thể hiện. Bởi bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí nghệ thuật đặc trưng của thể loại như tính cách điệu, ước lệ …, việc thể hiện hình tượng Bác còn đòi hỏi phải gần gũi với hình dung của các thế hệ công chúng về một con người vừa vĩ đại, phi thường, vừa khiêm nhường, giản dị. Sự "trình làng" liên tiếp của nhiều tác phẩm sân khấu đặc sắc về Người thời gian qua chính là minh chứng cho tinh thần dấn thân sáng tạo, sẵn sàng chinh phục thách thức của những người làm nghệ thuật.

Bên cạnh kịch nói-loại hình có thế mạnh về đề tài lãnh tụ, còn xuất hiện những vở diễn khai thác ngôn ngữ sân khấu truyền thống như tuồng, kịch hát, cải lương; thậm chí nhạc kịch-chất liệu đầy mới mẻ, hiện đại. Trong đó, có những vở hình tượng Bác là nhân vật trung tâm xuyên suốt, cũng có vở Bác chỉ xuất hiện ở một vài phân cảnh; có vở tập trung khai thác một sự kiện, lát cắt tiêu biểu hay một giai đoạn trong cuộc đời của Bác...

Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, nguồn cảm hứng lớn của người nghệ sĩ -0
Cảnh trong vở "Không còn đường nào khác" (Nhà hát Tuồng Việt Nam). Ảnh: Trang Anh

Theo dõi kịch hát "Nợ nước non", người xem không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến Minh Hải-nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam hóa thân đầy chững chạc trong hình tượng Bác. Chất giọng cải lương ngọt ngào cùng lối diễn giàu nội tâm của anh đã lay động trái tim khán giả qua nhiều cảnh diễn xúc động. Anh cho biết, được vào vai Bác không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với người nghệ sĩ, mà còn là áp lực lớn cần vượt qua, nhất là khi trước đó đã có nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công hình tượng Người trên sân khấu. "Trong gần hai tháng, tôi đã nỗ lực giảm hơn 6kg để có khuôn mặt, vóc dáng thư sinh, thuận lợi cho tạo hình. Tôi cũng cố gắng tiếp cận nhiều phim tư liệu về Bác, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm diễn xuất từ các tiền bối để tìm phong thái diễn gần nhất với Người. Càng nhập vai, tìm hiểu về Bác, tôi càng thêm yêu kính, ngưỡng mộ Người"-Minh Hải chia sẻ.

Với NSƯT Trần Long (Nhà hát Tuồng Việt Nam), người thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh trong vở tuồng "Không còn đường nào khác", dù chỉ xuất hiện trong vài phút ngắn ngủi ở phân cảnh Bác gặp gỡ đồng bào miền nam nhưng vai diễn của anh đã tạo được bất ngờ lớn khi lần đầu nhân vật Bác Hồ hát tuồng, nói lối trên sân khấu. "Lúc nhận vai, tôi lo lắng lắm. Bởi tuy không phải hình tượng trung tâm nhưng vai diễn đòi hỏi phải thể hiện được cả giọng nói, cử chỉ, dáng điệu của Bác, sao cho khi hát tuồng tự nhiên. Chỉ mong sao khi bước ra sân khấu, người xem cảm nhận thấy ở mình một phần phong thái giống Bác thì đã là niềm hạnh phúc lớn"-NSƯT Trần Long bộc bạch.

Để vào vai Bác, người nghệ sĩ không chỉ lao động nghệ thuật bằng trách nhiệm nghề nghiệp mà còn bằng tất cả tình cảm xuất phát từ trái tim. Điều này càng đúng với nghệ sĩ Văn Hải-người đã nhập vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch "Lá đơn thứ 72" của Sân khấu Lệ Ngọc. Ông cho hay, thời điểm Bác mất, đứng dưới loa phát thanh, cậu bé Văn Hải khi ấy mới chỉ hơn mười tuổi đã khóc lặng thương Bác. Sau này, đến với nghề diễn, mỗi khi cần huy động cảm xúc, nhớ đến khoảnh khắc ấy, nước mắt ông lại tuôn rơi. Thể hiện hình tượng Người, ông đã dồn toàn bộ tâm lực để tiếp cận nhiều nguồn tư liệu, học cách trỏ tay, nhả chữ, thói quen dùng những câu ngắn với tốc độ nói nhanh, rành mạch của Bác, cả cách Người hay sải những bước dài, nhanh khi di chuyển… Nghệ sĩ tâm sự, dù đã hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau nhưng chưa có vai nào mà ở từng câu thoại, ông đều trào nước mắt như khi vào vai Bác.

Có một điều thú vị là bên cạnh những gương mặt nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, nhiều vở diễn còn huy động sự vào vai của các diễn viên nhí khi thể hiện hình tượng Bác. Như trong nhạc kịch "Người cầm lái", dù chỉ xuất hiện ở một lớp diễn ngắn đặc tả nỗi đau mất mẹ, mất em của Bác khi còn nhỏ, nhưng chất giọng cao, vang và sáng của bé Song Tùng trong vai Nguyễn Sinh Côn đã chạm được đến cảm xúc người xem, khơi lên sự đồng cảm với tuổi thơ nhiều sóng gió của Bác, đánh thức mối dây gắn kết gia đình thiêng liêng bền chặt.

Những vở diễn sân khấu thời gian vừa qua đã ghi nhận lao động miệt mài của các nghệ sĩ bằng cả tài năng và tâm huyết khi thể hiện nhân vật Bác Hồ. Những sự kiện, câu chuyện gắn liền cuộc đời Người nhiều người đã biết, đã thuộc nhưng khi được chuyển tải qua lăng kính nghệ thuật với cách kể, cách diễn khác nhau vẫn mang đến những xúc cảm, rung động mới. Những câu chuyện ấy vẫn cần tiếp tục kể, bởi đó cũng là cách để mỗi người được thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác, để được bồi đắp thêm niềm tự hào, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.