Hành trình bồi đắp hy vọng

Một trong những niềm hạnh phúc của người làm báo, đó là những chuyến đi với bao nguồn cảm xúc, thông tin không ngừng được bồi đắp, để từ đó các bài viết nối tiếp nhau ra đời. Sẽ luôn có những đời sống, chân dung, số phận… đang lấp lánh hoặc ưu tư ngay cả khi bài viết đã đến với bạn đọc, thậm chí mở ra những hành trình mới.

Tác giả (giữa) trò chuyện cùng các nhân vật trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Trần Việt
Tác giả (giữa) trò chuyện cùng các nhân vật trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Trần Việt

Đôi khi, giữa phố thị, tôi vẫn chập chờn thương nhớ hơi giá rét căm căm nơi biên ải. Quên sao được hình ảnh anh bộ đội Đồn Biên phòng A Pa Chải chở tôi bằng xe máy xuyên rừng đến điểm hẹn Pắc Ma, chờ bộ đội Đồn Thu Lũm tới đón. Hành trình đầy mỏi mệt với đường dốc quanh co, hiểm trở, thế nhưng những nụ cười chân chất vẫn hồn nhiên bừng sáng, những cái bắt tay nhau trong đêm vẫn bền chặt nghĩa tình. Tôi thấy từng ngôi sao trên quân hàm xanh le lói sáng. Lại nhớ câu nói của đại úy Sùng A Chớ, người dân tộc H’Mông khi thấy tôi ngẩn ngơ nhìn cây đào rực rỡ ở Đồn Thu Lũm bừng nở trong giá rét: "Chị có thích không, chúng tôi tặng chị mang về xuôi đón Tết? Cây thì trồng lại được, người về rồi khó lên đây lắm! Cứ nhìn vào mắt nhau thì biết thôi...". Câu nói ấy khiến tôi giật mình, cay mắt.

Các chiến sĩ biên phòng đưa chúng tôi lên đỉnh núi Pa Thắng để tận mắt chiêm ngưỡng tảng đá trắng huyền thoại được đồng bào nơi đây coi như một vị thần trấn ải nơi địa đầu Tổ quốc. Giữa đỉnh đồi hoang vắng nổi lên khối đá cao chừng mét rưỡi, hình dáng người đàn ông trầm tư, tọa vững chãi trên chân đế rộng hướng về phía dòng suối chảy róc rách dưới chân đồi. Rồi chúng tôi lại cùng nhau băng rừng vượt suối. Ngước lên bỗng gặp tán cây cổ thụ sừng sững đằng đông. Dân bản nói, đó là cây lâu đời nhất rừng thiêng, nơi diễn ra mọi lễ nghi của đồng bào Hà Nhì cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm. Dù là mầm cây vừa nhú, thân cỏ yếu mềm hay gốc cội nghìn năm mục ruỗng cũng bất khả xâm phạm. Chẳng có mệnh lệnh nào, là con người tự nguyện tuân theo. Mây chiều từ lòng thung lũng dâng lên cuồn cuộn. Phút chốc, người hòa vào núi, núi đổ bóng người. Biên cương luôn mang đến cho tôi nguồn cảm hứng dồi dào và bất tận. Ngoài báo chí, còn có những tác phẩm văn chương. Ngoài cá nhân, còn là các đồng nghiệp. Đã có biết bao nhiêu cuộc hành trình trở đi trở lại với từng vùng đất, con người. Nhớ những đêm bập bùng lửa ấm, tôi viết những câu thơ tặng đồng bào, chiến sĩ chốn biên cương: "Người có thể quên nhau/ Nhưng đất là máu xương nước mắt/ Người có thể hận thù hờn trách/ Rừng vẫn đầy bao dung/ Ta hãy mở lòng mình, sẽ thấy/ Cánh hoa bay tự biết lối về".

Hành trình bồi đắp hy vọng -0
Bộ đội Đồn biên phòng Thu Lũm trồng cây dịp xuân về. Ảnh: LỮ MAI 

Đặc thù nghề nghiệp được đặt chân tới nhiều vùng miền, nhưng một điều khác biệt với tôi, đó là ở tất cả các điểm cực của Tổ quốc, mỗi khi có mặt, nơi thẳm sâu luôn dấy lên cảm xúc thiêng liêng. Điểm tựa sau lưng là Tổ quốc, trước mặt thì vời vợi, xa xăm, như không điểm dừng. Dầu vậy, vẫn sắt son một niềm tin bất biến: Rừng dẫu thẳm vẫn ấm bàn chân tới, biển muôn trùng vẫn gọi cánh chim bay.

Trong hành trình đến với quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, tôi nhớ một buổi chiều muộn, chàng thanh niên trẻ ở tổ phục vụ gõ cửa phòng nhè nhẹ. Cậu là sinh viên, bảo lưu kết quả để đi biển, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. "Chị ơi! Lát nữa sẽ có sóng to. Em đã thu gom quần áo, gấp lại gửi các chị đây!" Xấp áo quần đã gọn gàng trong đôi tay gầy guộc thư sinh khiến chúng tôi thầm tự trách mình. Cậu đã quan sát từ bao giờ, làm cách nào phân biệt được đồ phòng này với phòng khác? Sau này mới nhận ra, tất cả nhân sự điều hành, phục vụ trên tàu đều tinh tế, nhạy cảm, trước hết đó là nhiệm vụ, nhằm bảo đảm sự an toàn của chuyến đi, nhưng quan trọng nhất còn là tình cảm dành cho nhau như ruột thịt.

Trước khi gặp đại úy Nguyễn Viết Tưởng đóng quân ở đảo Đá Lớn, người gắn bó với biển đảo gần 20 năm, dịp Tết năm 2016, trong đất liền, vợ anh đã nhẩm tính với chúng tôi: "Nếu Tết này chồng em về phép, cháu thứ hai sẽ được gặp bố lần đầu tiên, cháu đầu gặp bố lần thứ ba. Chúng em yêu nhau hai năm, cũng chỉ gặp... hai lần thôi!". Sinh con đầu lòng không có chồng ở bên, sinh con thứ hai gặp ca sinh khó, vật vã hết ngày này qua ngày khác cũng chỉ nghe được tiếng chồng bập bõm qua điện thoại, sóng gió khơi xa át cả tiếng người. Đến giờ, chị vẫn nhớ như in những vần thơ của chồng: "Đảo nhỏ canh khuya ca gác đã tới rồi/ Xin chào em và mong ngày gặp lại/ Đừng để phong ba có một lần nghi ngại/ Gió đất liền đâu phải gió Trường Sa". Mãi tới lúc tiễn khách thăm đảo trở về tàu, anh Tưởng mới kịp bần thần bày tỏ: "Sau hè này là tới năm học mới, lính đảo ai cũng ước được một lần đưa con đến trường".

Mỗi hành trình là một đặc ân, chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc mà cũng đầy niềm lưu luyến, bâng khuâng. Làm sao để phía sau mỗi hành trình, tình yêu thương, khát vọng chân chính tiếp tục được lan tỏa, để ngày càng có thêm nhiều hành động ý nghĩa hơn tác động vào mỗi số phận, mỗi đời sống con người, xã hội. Từ biên cương, chúng tôi đã đưa về Thủ đô với cành đào rung rinh tâm tình người lính trẻ. Từ hải đảo, chiếc đèn Trung thu được người cha và đồng đội làm thủ công vượt muôn trùng sóng gió đã trở về với những đứa con ngày đêm mong ngóng bố... Hành trình của chúng tôi không ngừng được bồi đắp, cổ vũ bằng nhiều hành trình đẹp đẽ mà bình dị khác. Nhờ đó, có nhiều buổi khai trường ngập tràn sắc màu biên cương, biển đảo giữa Thủ đô, giữa những miền quê còn nhiều khó nhọc. Những địa phương miền trung du như huyện Cẩm Khê của tỉnh Phú Thọ có đến 25 mô hình cột mốc Trường Sa hiện hữu ở các trường học để những người lính đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thêm rưng rưng, khắc khoải tự hào... Hành trình này tiếp nối hành trình khác, tình yêu này soi bóng nhớ thương kia… để tất cả mặc nhiên bừng sáng bởi tinh thần nhân văn sâu nặng. Sẽ không thể có hành trình ý nghĩa nếu con người không chấp nhận sự hy sinh.

Biết ơn nghề nghiệp đã nhen nhóm trong mỗi người làm nghề những cuộc ra đi và trở về đầy ý nghĩa. Biết ơn biết bao con người cụ thể đã âm thầm hy sinh phần hạnh phúc riêng tư cho những cuộc hành trình khác, của những con người khác được ấm áp và trọn vẹn. Mỗi cuộc hành trình đều giúp chúng tôi biết sống, biết nghĩ sâu hơn để không ngừng hy vọng, sẻ chia, đồng cảm với nhiều đời sống khác. Đó cũng là giá trị nhân văn mà người cầm bút luôn nghĩ đến ở khoảnh khắc đầu tiên và mỗi khi tạm kết thúc một hành trình.