Biến tấu dưới “mác” tôn vinh

Áo dài đang trên hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được cộng đồng cũng như giới nghiên cứu hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, di sản này liên tục bị “biến tấu”, trong nhiều trường hợp đã làm méo mó hình ảnh văn hóa dân tộc.

Một thiết kế được giới thiệu là... giao lưu văn hóa và một thiết kế lạm dụng đủ loại cắt, xẻ.
Một thiết kế được giới thiệu là... giao lưu văn hóa và một thiết kế lạm dụng đủ loại cắt, xẻ.

Biến tấu và lai căng

Sự kiện “Áo dài của chúng ta” giới thiệu 600 mẫu áo dài của 15 nhà thiết kế nổi tiếng tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cuối tuần qua được dư luận hết sức quan tâm. Bởi đó là một trong nhiều sự kiện tôn vinh áo dài được tổ chức trong thời gian gần đây. Theo Phó Giáo sư Trần Ðức Ngôn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long - đơn vị tổ chức chương trình, cần thiết phải tôn vinh áo dài hơn nữa, để hướng tới việc đề nghị đưa áo dài vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xa hơn là đề nghị UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Sự kiện còn gây chú ý bởi có nhiều tên tuổi thuộc hàng “gạo cội” của giới thiết kế áo dài như Minh Hạnh, Lan Hương… Ðiều đặc biệt, 15 nhà thiết kế mang đến 15 phong cách khác nhau, nhấn mạnh yếu tố giao lưu văn hóa. Trong đó, chỉ một nhà thiết kế duy nhất trình diễn áo dài “thuần Việt”. 14 nhà thiết kế còn lại mỗi người theo đuổi một xu hướng khác nhau, với những chiếc áo dài lấy cảm hứng từ nét văn hóa của 14 quốc gia từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ.

Với chủ đề “Thế giới trong tà áo dài Việt”, nhiều mẫu thiết kế đã khai thác những hình ảnh kiến trúc nổi tiếng, các họa tiết văn hóa truyền thống của một số quốc gia như Ấn Ðộ, Thái-lan… âm hưởng của bộ hanbok Hàn Quốc, hay nét tinh tế của văn hóa Nhật Bản, nét lãng mạn của văn hóa Italia, Pháp… đưa vào các mẫu áo dài. Một số nhà thiết kế bổ sung các phụ kiện để phục vụ cho chủ đề “giao lưu văn hóa”. Tuy nhiên, dù được nhấn mạnh từ trước là chương trình “Áo dài của chúng ta” nhấn mạnh yếu tố giao lưu văn hóa, nhiều khán giả vẫn cảm thấy “sốc” trước một số thiết kế được dàn người mẫu trình diễn trên sàn catwalk với “phông nền” chính là Khuê Văn Các. Nhiều người đã phải đặt lại câu hỏi: Thế nào là những tiêu chí tạo nên vẻ đẹp áo dài Việt? Khi các mẫu không chỉ phá cách về thiết kế cổ áo - một trong những yếu tố quan trọng để nhận diện áo dài Việt - theo đủ cách khác nhau. Có mẫu hở cả nửa vai. Ngay cả tà áo, một trong những yếu tố then chốt để định danh áo dài Việt, ở nhiều mẫu, cũng bị “băm nát” bằng đủ loại cắt xẻ. Tay áo dài cũng được biến tấu khi lửng, khi bồng, và cả măng-sét nữa… Nhiều mẫu áo dài “phong cách Mỹ” may vải bò, mặc quần bò và đi bốt. Một số mẫu phối với vải xuyên thấu, hở nguyên cả một phần phía trước áo ngực người mẫu. Có mẫu còn “bê nguyên” phần áo như hình ảnh quảng cáo sữa “Cô gái Hà Lan”, với nguyên vẹn phần tạp dề phủ ra ngoài tà áo dài Việt và gọi đó là “giao lưu văn hóa”! 

Chuẩn hóa một số tiêu chí

Áo dài là một di sản trong lĩnh vực văn hóa trang phục của người Việt. Những năm gần đây, cộng đồng đã có nhiều hoạt động để bảo tồn nét đẹp áo dài. Tuy nhiên, xu hướng lai căng, biến tấu cũng phát triển mạnh mẽ không kém. Không ít lần những “thảm họa” áo dài xuất hiện trong những chương trình tôn vinh di sản, những lễ hội áo dài khiến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu phải lên tiếng. Trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế ngày một mạnh mẽ, việc ảnh hưởng qua lại là điều tất yếu. Khai thác những yếu tố văn hóa nước ngoài còn góp phần quảng bá hình ảnh áo dài Việt. Nhưng khai thác đến đâu để vừa có yếu tố hiện đại, vừa giữ được bản sắc lại là một câu chuyện khác.

Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) thừa nhận một thực tế lâu nay là có nhiều trường hợp biến tấu trang phục áo dài thái quá đến mức lai căng, mất gốc. Không ít người sử dụng áo dài một cách lệch lạc, phản cảm. Những cách điệu đó thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa, bản sắc, tập quán sử dụng; đi ngược lại, thậm chí xúc phạm đến vẻ đẹp tinh tế của chiếc áo dài Việt Nam. Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, cần đẩy nhanh việc đưa áo dài vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ phù hợp. Trong bối cảnh cuộc sống luôn vận động, cần “chuẩn hóa” một số tiêu chí nhất định của áo dài. Ðó là giải pháp để hạn chế những lai căng, biến tấu quá đà làm xấu đi hình ảnh áo dài Việt.