Để kỳ họp "bất thường" trở nên "bình thường"

Tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/11, Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ hai, dự kiến vào tháng 1/2023. Việc tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất một năm trước đã tạo tiền đề để những kỳ họp "bất thường" trở thành hoạt động "bình thường" của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 28/11/2022. Ảnh: Duy Linh
Quang cảnh Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 28/11/2022. Ảnh: Duy Linh

VÀO thời điểm mà cả nước vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19, kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã đưa ra các quyết sách kịp thời để góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách, tiền tệ nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Kỳ họp cũng đã xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền… và nhiều vấn đề hệ trọng khác. Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu, để các Nghị quyết của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đi vào cuộc sống, ngay sau kỳ họp, Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng, các đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua để sớm phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng".

Trải qua hơn hai năm chống chọi với Covid-19, sức chống chịu của nền kinh tế và sức chống chịu của mỗi doanh nghiệp, của từng người dân dường như không còn được như trước. Trước các khó khăn tiềm ẩn, việc đưa ra các chính sách sát-đúng là cần thiết để chèo lái con thuyền đất nước vượt bão giông. Việc Quốc hội quyết định tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ hai cho thấy, tư duy "xuân thu, nhị kỳ" trong hoạt động của Quốc hội đã được thay đổi, thay vào đó là sự sẵn sàng đáp ứng các đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống.

THỜI điểm lựa chọn để tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ hai cũng cho thấy tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong hành động. Giữa hai phương án được Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất gồm tổ chức họp sau Tết Nguyên Đán (trong tháng 2/2023) theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội và tổ chức họp dự kiến trong tháng 1/2023 theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, trong đó họp trực tuyến để thảo luận, cho ý kiến, còn họp tập trung để biểu quyết các nội dung (hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp Tết khó khăn thì có thể họp trực tuyến cả kỳ), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên tổ chức trong tháng 1/2023. Thời điểm sau Tết Nguyên đán sẽ quá trễ, ảnh hưởng đến kỳ họp giữa năm. Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý quyết định sẽ tổ chức kỳ họp vào tháng 1/2023.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm: giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022).

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản với lập luận đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý hỗ trợ/thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.

Về ba dự án luật gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Chính phủ chưa có đề nghị bổ sung các dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023, cho nên Tổng Thư ký đề nghị Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14), theo ông Bùi Văn Cường, Chính phủ đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ hai do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, báo cáo tại phiên họp về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP Hồ Chí Minh ngày 27/11, Thành phố đề nghị trình để Quốc hội xem xét, cho thí điểm chính sách mới thay thế cho Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường sắp tới. Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nếu Chính phủ đề nghị bổ sung thì ủng hộ.

Liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành phải tập trung hết sức để làm chu đáo, bảo đảm mục tiêu Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Để chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ hai, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội sẽ phải làm việc cật lực trong cả tháng 12 để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp bất thường lần thứ hai. Và qua đây nhân dân sẽ có dịp chấm điểm các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội. Quan trọng nhất là kỳ họp bất thường lần hai sẽ là dịp để Quốc hội và Chính phủ bồi đắp thêm kinh nghiệm trong thúc đẩy hoạt động vì nhân dân.