Để không bỏ lỡ cơ hội từ ESG

Áp dụng Bộ tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp (ESG) không chỉ giúp doanh nghiệp Việt phát triển bền vững hơn mà còn nhận được "giấy thông hành" để hội nhập sâu rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong quan tâm đến yếu tố phúc lợi động vật. Nguồn: VINAMILK
Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong quan tâm đến yếu tố phúc lợi động vật. Nguồn: VINAMILK

Cân bằng ba tiêu chuẩn chung

Theo định nghĩa chung của chỉ số ESG, yếu tố môi trường (E, viết tắt từ tiếng Anh: Environmental) bao gồm nguồn năng lượng được sử dụng, lượng rác thải hay lượng tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho quá trình vận hành doanh nghiệp; yếu tố xã hội (S: Social) tức là các mối quan hệ và danh tiếng được xây dựng qua những hoạt động đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp; yếu tố quản trị (G: Governance) gồm các vấn đề liên quan quản trị công ty, đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế đãi ngộ, sự đa dạng thành phần trong hội đồng quản trị. Một báo cáo chiến lược ESG tổng quát thường truyền tải thông điệp: Doanh nghiệp đang có những bước đi cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững.

Theo khảo sát của Deloitte năm 2021, 73% số người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Việc nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm thay đổi thói quen mua hàng và sở thích của người tiêu dùng theo hướng tương tác và thể hiện sự ưa thích mạnh mẽ đối với các thương hiệu mang tính bền vững, có đạo đức kinh doanh.

Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp sử dụng chỉ số ESG đang gia tăng và dần tạo thành xu hướng bắt nhịp sự chuyển dịch chung trên toàn cầu. Động lực chính thúc đẩy giới doanh nghiệp quan tâm và áp dụng bộ chỉ số này chính là những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, mở đường cho những bước đột phá đầu tiên trong việc biến cam kết thành hành động từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương cũng như kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp… Câu chuyện ở Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk đang trở thành một thí dụ truyền động lực cho các doanh nghiệp khác đi theo con đường phát triển bền vững. Công ty này luôn đặt cam kết trách nhiệm với người lao động, môi trường làm việc bình đẳng, an toàn lên hàng đầu, nhờ đó hiệu quả kinh doanh không chỉ tốt mà còn lọt top những công ty kinh doanh tốt nhất Việt Nam trên nhiều phương diện: doanh thu, nơi làm việc tốt nhất...

Kế tiếp, không thể không nhắc đến sự tác động từ xu hướng đầu tư xanh khi mà nhà đầu tư lựa chọn chuyển vốn vào các công ty có kế hoạch sản xuất kinh doanh mang tính bền vững. Nhiều ngân hàng cũng có dịch vụ, ưu đãi, duyệt cấp vốn nhanh hơn cho các doanh nghiệp thực hiện ESG.

Tuy vậy, có hiện tượng, khi áp dụng ESG, các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn vào các vấn đề liên quan đến môi trường thay vì cân bằng được cả ba yếu tố trong bộ chỉ số; riêng yếu tố quản trị doanh nghiệp thường ít được doanh nghiệp quan tâm hơn cả. Trong khi đó, thực tế cho thấy, nếu yếu tố quản trị doanh nghiệp được thực hiện tốt sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong bảo đảm thực hiện cả hai yếu tố còn lại: môi trường và xã hội.

Chờ một bộ khung ESG thống nhất

Cuộc khảo sát gần đây của Công ty Kiểm toán PwC Việt Nam và Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VOID) đã chỉ ra rằng: Phần lớn các doanh nghiệp chưa cam kết thực hiện ESG thuộc nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân chính của tình trạng này là thiếu kiến thức (61%), thiếu khả năng tài chính (48%), do quy mô công ty nhỏ (46%), cuối cùng là do dữ liệu thông tin về ESG chưa rõ ràng và minh bạch (28%). Đặc biệt, không chỉ các doanh nghiệp tại Việt Nam gặp phải tình trạng này, các công ty trên toàn cầu cũng gặp khó khăn trong cụ thể hóa các tiêu chuẩn và quy định ESG.

Tại Phiên toàn thể Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2022 hồi đầu tháng 12, với chủ đề Chuyển đổi, tăng tốc, bứt phá: Doanh nghiệp vững bền-Quốc gia thịnh vượng, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành khối Nghiên cứu và Phát triển của Vinamilk, nêu ý kiến: "Chúng ta đang thiếu một quy định chung, nhất quán và công bằng cho tất cả các doanh nghiệp khi thực thi chỉ số phát triển bền vững. Chúng ta cũng chưa có được các chính sách hỗ trợ phát triển xanh kịp thời và đồng bộ từ Chính phủ". Theo đại diện đến từ Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước có hệ thống lãnh đạo rất cởi mở trong việc lắng nghe và hỗ trợ doanh nghiệp và để tận dụng được hết ưu thế này, Chính phủ Việt Nam có thể nhanh chóng đưa ra một bộ khung ESG thống nhất, phù hợp.

Trong thời gian chờ đợi điều đó, cộng đồng doanh nghiệp có thể lập kế hoạch, điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp hướng đến kinh doanh bền vững thông qua Bộ chỉ số CSI-công cụ hỗ trợ doanh nghiệp thực hành quản trị bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp.