Từ lâu, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có đội tuyển cầu mây mạnh. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để các tuyển thủ cầu mây Việt Nam có thể sòng phẳng cạnh tranh HCV với Thái Lan, Trung Quốc hay Myanmar. 17 năm trước, các tuyển thủ cầu mây đã đóng vai người hùng giúp thể thao Việt Nam hoàn tất chỉ tiêu ở Á vận hội Doha 2006 với 2 HCV và 1 HCB. Từ đó đến nay, cầu mây Việt Nam vẫn duy trì được lớp kế cận, lọt vào nhiều trận chung kết SEA Games và ASIAD, nhưng đều ngậm ngùi nhìn đối thủ lên ngôi.
SEA Games 31-2022 tổ chức ở Việt Nam đã đánh dấu sự trở lại của cầu mây, đặc biệt là cầu mây nữ giành 3 HCB ở các nội dung: đồng đội, đội tuyển 3 người và đội tuyển 4 người. Chỉ sau đó 1 năm, thành tích của cầu mây nữ có nhiều bước tiến khi vô địch SEA Games 32 ở nội dung đôi nữ. Tiếp theo đó là 2 chiếc HCV (nội dung đội 3 người và đội 4 người) ở giải vô địch châu Á diễn ra vào tháng 6 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Thành công nối tiếp thành công, các cô gái Việt Nam bảo vệ thành công ngôi vương ở nội dung đội 4 người khi vượt qua đối thủ mạnh là Indonesia tại Giải vô địch Cầu mây thế giới World Cup Championship 2023 ở Thái Lan vào trung tuần tháng 7 vừa qua. Đây là những thành tích vang dội, tạo động lực cực lớn để toàn đội hướng tới ASIAD 19.
Chia sẻ về mục tiêu tại Á vận hội lần này, ông Lê Thanh Sơn, Phụ trách Bộ môn cầu mây (Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cầu mây Việt Nam nhận định: “Cầu mây Việt Nam đặt niềm tin vào nội dung đồng đội 4 người nữ. Những đối thủ đáng gờm nhất của chúng ta tại nội dung này là Indonesia, Philippines và Myanmar. Mới đây, nhóm 4 người nữ của cầu mây Việt Nam đã đánh bại Indonesia để bảo vệ thành công chức vô địch thế giới, nhưng không vì thế mà các VĐV được phép chủ quan. Môn cầu mây tại Á vận hội kỳ này có 6 nội dung (3 nam, 3 nữ), mỗi quốc gia chỉ được lựa chọn tham dự 4 nội dung”.
Đội tuyển cầu mây Việt Nam được giao chỉ tiêu giành ít nhất 1 HCV với các nội dung 4 người nữ, 4 người nam, 3 người nữ và 3 người nam. Theo kết quả bốc thăm phân bảng, đội tuyển cầu mây Việt Nam thuộc bảng A nội dung nhóm 4 người nữ với Indonesia, Nhật Bản và Myanmar; bảng B có Philippines, Lào, Ấn Độ và Trung Quốc. Việc đối thủ kị giơ Thái Lan không tham dự nội dung này là lợi thế cho các tuyển thủ nữ cầu mây Việt Nam. Bên cạnh đó, nội dung nam 4 người cũng được kỳ vọng sẽ tạo bất ngờ. Năm 2022, cũng nội dung này tại giải thế giới, cầu mây nam Việt Nam xuất sắc lọt vào trận chung kết, nhưng các tuyển thủ lại để thua đáng tiếc trước Hàn Quốc.
Hiện tại, cầu mây đang sở hữu lứa vận động viên khá trẻ và tiềm năng như Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh... kết hợp với kinh nghiệm của Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng... “VĐV của tuyển cầu mây nữ hiện có tuổi đời còn rất trẻ, em nhiều tuổi nhất sinh năm 1996, ít tuổi nhất sinh năm 2004. Vì thế, để có thể giành HCV tại sân chơi khắc nghiệt như ASIAD, các cầu thủ cần được cải thiện thêm về nền tảng thể lực, bản lĩnh, kinh nghiệm và tâm lý thi đấu. Ngoài ra, ban huấn luyện vẫn đang rèn giũa thêm chuyên môn, chủ yếu tập trung vào các kỹ thuật chính. Trình độ chuyên môn giữa các VĐV khá đồng đều và có phong độ thi đấu ổn định. Bởi, các em đã có thời gian tập luyện với nhau 3 năm nên rất hiểu, ăn ý với nhau. Mỗi VĐV đều biết phát huy điểm mạnh của mình để mang lại kết quả tốt nhất trong thi đấu. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy rõ sự quyết tâm, nghiêm túc trong tập luyện, từ đầu năm tới nay các em không về thăm nhà mà chăm chỉ tập luyện với quyết tâm hoàn thành mục tiêu đặt ra”, HLV Trần Thị Vui chia sẻ.
Với những thành công và dấu ấn gần đây, có thể thấy mục tiêu mà cầu mây Việt Nam đặt ra tại ASIAD 19 là hoàn toàn có cơ sở. Chưa kể, lực lượng đội hình trẻ, tài năng như hiện nay sẽ là yếu tố, nền tảng cơ bản hướng tới chiến lược phát triển dài hạn, nhằm hướng đến chinh phục các đấu trường quốc tế lớn trong tương lai.