Tình trạng kháng kháng sinh: “Ðại dịch” thầm lặng

NDO - Tình trạng kháng kháng sinh (AMR) được mô tả là “một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe, an ninh lương thực và sự phát triển toàn cầu hiện nay”.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng kháng kháng sinh: “Ðại dịch” thầm lặng

Khi thuốc kháng sinh không còn hiệu quả

Cô Melanie Lawrence, bệnh nhân xơ nang 43 tuổi, ở Fairhaven, Massachusetts đã đến Washington D.C, để vận động Thượng viện quan tâm đến tình trạng kháng kháng sinh và cấp thêm kinh phí nghiên cứu các loại kháng sinh mới. Cô mang loại vi khuẩn kháng hầu hết mọi loại kháng sinh, đồng thời bị dị ứng hoặc không dung nạp với những loại còn lại. Mỗi khi bị nhiễm trùng vài tháng một lần, cô chỉ hy vọng hệ thống miễn dịch của mình có thể chống lại bệnh tật mà không cần nhiều sự trợ giúp từ y học hiện đại, USA Today đưa tin.

Bất chấp hơn một thế kỷ nghiên cứu và phát triển kháng sinh, thế giới đang nhanh chóng khan hiếm loại thuốc hữu dụng này do AMR. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, vào năm 2019 (năm cuối cùng có dữ liệu) hơn 2,8 triệu người Mỹ bị nhiễm trùng kháng thuốc và hơn 35.000 người tử vong.

Trên toàn cầu, AMR trực tiếp gây ra 1,27 triệu ca tử vong vào năm 2019 và góp phần gây ra thêm 4,95 triệu ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tác động của nó không chỉ giới hạn ở sức khỏe. Nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí chăm sóc sức khỏe cao hơn, năng suất giảm và gia tăng nghèo đói do tình trạng kháng kháng sinh. Nếu không hành động, WHO cảnh báo, điều này có thể khiến GDP toàn cầu giảm tới 3,4 nghìn tỷ USD và đẩy thêm 24 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.

Giáo sư vi sinh học Brenda Wilson, Đại học Illinois (Mỹ), cho biết: Đại dịch đã đẩy các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe đến đỉnh điểm vào năm 2020, dẫn đến việc gia tăng sử dụng kháng sinh, các rắc rối sau phòng ngừa nhiễm trùng và gia tăng đáng kể các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc ở các bệnh viện tại Mỹ. Ông Brian Ho, đồng tác giả cuốn sách có tên “Sự trả thù của vi khuẩn” với ông Wilson cho biết việc xử lý các bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh tiêu tốn khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.

Ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đánh giá Tác động kinh tế và sức khỏe của tình trạng kháng kháng sinh ở khu vực giai đoạn 2020-2030 do WHO thực hiện, ước tính có khoảng 5,2 triệu người sẽ tử vong do nhiễm vi khuẩn kháng thuốc từ nay đến cuối năm 2030. Đánh giá cho thấy, AMR sẽ tiêu tốn của khu vực này ước tính tổng cộng 148 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2030 do năng suất lao động bị giảm và các chi phí chăm sóc sức khỏe bổ sung liên quan đến việc nằm viện kéo dài. WHO cảnh báo “đại dịch thầm lặng” AMR không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người mà còn đe dọa đến an ninh và sự phát triển y tế ở khu vực trong tương lai.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh, một trong đó chính là lạm dụng thuốc. Bác sĩ Adi Shah, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Phòng khám Mayo ở bang Minnesota (Mỹ), cho biết: “Cho dùng kháng sinh vì những lý do không rõ ràng hoặc không cần thiết cũng giống như đưa vi khuẩn hoặc nấm đến phòng tập thể dục để rèn luyện sức khỏe và hình thành hệ thống phòng vệ mạnh hơn”. Một nguyên do khác là những thập niên gần đây việc sử dụng thuốc kháng sinh với nồng độ thấp trong thời gian dài để ngăn ngừa bệnh tật và thúc đẩy tăng trưởng vật nuôi, ngay cả ở động vật khỏe mạnh, đã trở nên rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Môi trường và biến đổi khí hậu cũng có vai trò trong sự xuất hiện, lây truyền và lây lan của tình trạng kháng kháng sinh. Ô nhiễm từ y tế, dược phẩm, thực phẩm và nông nghiệp - chẳng hạn như nước thải từ bệnh viện hoặc nước thải nông nghiệp - đặc biệt nghiêm trọng vì nó có thể chứa cả thuốc kháng sinh và sinh vật kháng thuốc.

Tiến sĩ Lilian Abbo, Trường Y thuộc Đại học Miami Miller (Mỹ), cho biết bà đã chứng kiến nhiều bệnh nhân kháng lại các loại kháng sinh, cũng như các loại thuốc có tác dụng chống lại vi-rút và nấm. Bà nói: “Ngay cả ở những đứa trẻ khỏe mạnh cũng có tình trạng kháng thuốc, điều trước đây chưa từng xảy ra”. Đôi khi, bà sẽ kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh trong điều trị hoặc yêu cầu bệnh nhân đến viện tiêm thuốc, ngay cả đối với những bệnh đơn giản vì không còn lựa chọn nào khác.

Mối lo ngại từ châu Phi

Theo nghiên cứu toàn cầu về báo cáo kháng kháng sinh, số ca tử vong trực tiếp do AMR gây ra ở đây ước tính là 24 trên 100.000 vào năm 2019, gần gấp đôi tỷ lệ ở các nước có thu nhập cao (13 ca tử vong trên 100.000).

WHO cho biết, AMR có thể giết chết 4,1 triệu người châu Phi vào năm 2050 và khiến các nước đang phát triển trên lục địa đen mất tới 5% GDP. Tiến sĩ Mirfin Mpundu, Giám đốc ReAct Africa, một mạng lưới nhằm nâng cao nhận thức về AMR, cho biết: “Tình hình ở khu vực châu Phi thực sự đáng lo ngại. Số người sắp chết mà chúng tôi không thể điều trị vì không có thuốc kháng sinh để tiêu diệt mầm bệnh lớn hơn nhiều so với số ca tử vong được ghi nhận vì sốt rét, lao và HIV/AIDS cộng lại. Tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất là ở vùng châu Phi cận Sahara”.

Tình trạng kháng kháng sinh: “Ðại dịch” thầm lặng ảnh 1

Vùng châu Phi cận Sahara là nơi có mức độ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới.

Ảnh | Scidev

Bác sĩ Nubwa Medugu làm việc trong một bệnh viện ở Abuja, Nigeria kể lại trường hợp một bé gái sáu tuổi vừa trải qua phẫu thuật tim, bị nhiễm một loại vi khuẩn đa kháng thuốc, chỉ có loại kháng sinh mang tên Tigecycline có thể có tác dụng. Họ phải vận chuyển thuốc này bằng máy bay từ Lagos đến để giúp tình trạng của cô bé cải thiện đôi chút, nhưng sau đó lại xấu đi rất nhanh và ba ngày sau, cô bé qua đời. Bác sĩ Medugu nói với The Guardian rằng đã ông chứng kiến rất nhiều cái chết vì nguyên nhân này, trong khi đáng lẽ có thể ngăn chặn.

Giám đốc điều hành và nghiên cứu của Tổ chức Tiếp cận y học Marijn Verhoef cho biết, các quốc gia nghèo nhất thế giới có tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm cao nhất và mức độ kháng kháng sinh cao nhất, đồng thời cũng có khoảng cách lớn nhất trong việc tiếp cận phương pháp điều trị phù hợp. Ông nói: “Hầu hết các khu vực ở vùng châu Phi cận Sahara, bệnh nhân hoàn toàn không được tiếp cận với thuốc hoặc chỉ tiếp cận được các phương pháp điều trị dưới mức tối ưu, nghĩa là hoặc thuốc kháng sinh cho một loại bệnh nhiễm trùng khác, hoặc thuốc giả, hoặc thuốc dành riêng để điều trị những bệnh nhiễm trùng khó trị nhất”, chưa kể còn không đủ khả năng chi trả.

Nhìn tổng thể, hệ thống chăm sóc sức khỏe trên khắp châu Phi cận Sahara còn yếu kém, bao gồm cả cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm. Quản lý chất thải kém, đặc biệt là chất thải từ bệnh viện tràn ra môi trường cũng như điều kiện vệ sinh chung cũng là yếu tố góp phần vào tình trạng tồi tệ này. Tuy hầu hết các nước châu Phi đều có kế hoạch đối phó với AMR tầm quốc gia, nhưng “mức độ thực hiện không phù hợp với tính nghiêm trọng của vấn đề”, Mpundu nói thêm.

Không thể giải quyết bằng những biện pháp đơn lẻ

Giám đốc Trung tâm Tri thức Thụy Điển về dược phẩm môi trường Stefan Berggren cho rằng: “Bạn phải nghiên cứu toàn bộ vòng đời của dược phẩm. Bạn cần phải nỗ lực phát triển dược phẩm xanh ngay từ đầu, kê các đơn thuốc thân thiện với môi trường hơn. Bạn cũng cần phải làm việc với các nhà máy xử lý nước thải về việc thu gom nước thải”.

Những chế phẩm sinh học nhằm tăng cường vi khuẩn “tốt” sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn “xấu” cũng được chế tạo. Một số loại vắc-xin đang được nghiên cứu có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng mà lẽ ra cần phải được kiểm soát bằng kháng sinh. Ngoài ra, còn có các xét nghiệm giúp bác sĩ nhanh chóng phân biệt giữa nhiễm trùng do vi-rút gây ra (thuốc kháng sinh không có tác dụng) và nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, giúp bác sĩ có sự chẩn đoán và điều trị chuẩn xác.

Chính phủ Anh đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất dược phẩm Pfizer và Shionogi, bảo đảm cho họ một khoản phí cố định hằng năm lên tới 13 triệu USD trong thập niên tới cho việc phát triển hai loại kháng sinh mới. Như vậy các công ty không cần phải dựa trên số lượng thuốc bán ra để nghiên cứu thuốc mới, mô hình này sẽ loại bỏ động cơ khuyến khích sử dụng thuốc quá mức.

Tại châu Âu, có những biện pháp nhằm xử lý tận gốc vấn đề nước có dư lượng kháng sinh như các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, bao gồm các bước lọc bổ sung như lọc than hoạt tính kết hợp với quá trình ozon hóa, có thể loại bỏ hầu hết các hợp chất dược phẩm trong nước một cách hiệu quả. Ủy ban châu Âu đã đề xuất rằng bất kỳ nhà máy xử lý nước thải lớn nào - phục vụ hơn 100.000 người hoặc xả thải vào các khu vực nhạy cảm - cần lắp đặt bước làm sạch thứ tư để làm sạch các chất độc này. Đây được gọi là phương pháp xử lý bậc bốn nhằm vào các chất gây ô nhiễm mới nổi như kháng sinh, thuốc trừ sâu, hormone, thuốc bất hợp pháp và hạt vi nhựa.

Nhưng việc giải quyết ô nhiễm dược phẩm đòi hỏi nhiều hơn những giải pháp đơn lẻ. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cá nhân, công ty dược phẩm và cơ quan quản lý sẽ cần phải hợp tác để thúc đẩy việc sử dụng thuốc có trách nhiệm, cải thiện phương pháp sản xuất, tăng cường xử lý nước thải và thúc đẩy sự phát triển của dược phẩm thân thiện với môi trường.