Đã qua thời chạy đua danh hiệu?

Sau Hà Nội, từ năm 2021, có tám thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương trong cả nước chính thức xác nhận tham gia Đề án "Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO" do Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai. Đến nay, thêm hai thành phố Đà Lạt và Hội An vừa được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
0:00 / 0:00
0:00
Một chương trình hòa nhạc gần đây tại Không gian Phố Bên Đồi.
Một chương trình hòa nhạc gần đây tại Không gian Phố Bên Đồi.

Nhiều mối lo, nếu nhìn từ Hà Nội

Cuối năm 2019, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế, một trong bảy lĩnh vực mà các thành phố mong muốn tham gia có thể lựa chọn: âm nhạc, ẩm thực, văn học, thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, văn học và nghệ thuật truyền thông (dựa trên nền tảng công nghệ số/Media Arts).

Qua hai năm khó khăn vì dịch Covid-19, từ năm 2022, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã tích cực hơn trong việc tiến hành nhiều hoạt động, từ ban hành văn bản kế hoạch hành động đến triển khai những bước đi cụ thể. Hàng loạt các chương trình hội thảo, tập huấn, đề án được tổ chức xây dựng và triển khai. Điểm nhấn là Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, phiên đầu tiên diễn ra trong năm 2022, bao gồm rất nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm, triển lãm, sự kiện nghệ thuật. Lễ hội này được lên kế hoạch tổ chức định kỳ hằng năm. Năm nay, Lễ hội diễn ra vào nửa cuối tháng 11 tới đây với chủ đề Dòng chảy, tại một số điểm nhấn hai bên bờ sông Hồng quanh khu vực cầu Long Biên, từ khu vực hồ Hoàn Kiếm tới nhà máy xe lửa Gia Lâm, khu vực ga Gia Lâm. Bên cạnh đó, tại các quận, huyện cũng đồng loạt triển khai một số hoạt động triển lãm, tọa đàm, trình diễn giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa mang dấu ấn địa phương rõ nét…

Tuy nhiên, bản chất của sự sáng tạo không thể nào ngay lập tức mang tính phổ biến, hay được phổ cập theo kiểu phong trào rộng khắp. Sáng tạo và thiết kế đòi hỏi một quá trình tư duy, đầu tư chất xám và kết nối nhiều bên liên quan để có kết quả là sản phẩm đầu cuối, được đưa vào đời sống, góp phần cải thiện nhận thức chung về sự sáng tạo của người dân - người thụ hưởng và để họ tiếp tục đóng góp vào sự sáng tạo chung của cả xã hội. Nói cách khác, phải từng bước hình thành nên hệ sinh thái của thiết kế sáng tạo, bắt đầu từ gốc rễ của thiết kế trong từng lĩnh vực, chuyên ngành đặc thù. Theo quan sát của nhiều chuyên gia độc lập, Hà Nội vẫn đang vướng mắc vào cách thức tổ chức mang tính phong trào, trải diện rộng mà thiếu đầu tư chiều sâu.

Chỉ cần nhìn lại ngay khu vực lõi của Hà Nội là phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, sẽ thấy nhiều vấn đề trong quá trình triển khai còn bị bỏ ngỏ, để diễn ra tự phát hơn là có sự tổ chức bài bản, mang dấu ấn riêng. Khu vực này còn là "đề bài" cho nhiều cuộc thi sáng tạo về thiết kế và ý tưởng, như Thiết kế Cột mốc Km 0 (năm 2020), Thiết kế nhà vệ sinh công cộng (trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam năm 2023), cuộc thi Không gian công cộng cho mọi người - Cảnh quan & Nhà vệ sinh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Trường đại học Xây dựng Hà Nội, năm 2023)… Tuy nhiên, chưa có kết quả nào được triển khai trong thực tế, đơn giản hơn cả là công trình Cột mốc Km 0 đã chọn ra được giải nhất, đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Cần xây dựng nền tảng vững vàng

Với Đà Lạt, vốn có sẵn lợi thế từ di sản ký ức gắn liền với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sự hình thành các mô hình biểu diễn âm nhạc thời gian gần đây, chủ yếu là nhạc nhẹ và nhạc thính phòng, tạo cơ sở và sự phong phú về trải nghiệm. Tuy nhiên, để phát triển bền vững theo đúng tiêu chí của thành phố sáng tạo trong Mạng lưới thành phố này, việc đầu tư cho nguồn nhân lực tại chỗ phải được xem là điều kiện tiên quyết, để con người trở thành trung tâm của mọi họat động. Hiện nay, Đà Lạt mới chỉ có một vài trung tâm đào tạo tư nhân, các lớp học nhạc tự phát của giáo viên, cá nhân có chuyên môn.

Mô hình quán cà-phê có biểu diễn nhạc nhẹ với ban nhạc, thay vì hát với đĩa nhạc thu âm sẵn, vào buổi chiều hoàng hôn đã xuất hiện cách đầy vài năm và nhanh chóng được một số tổ chức kinh doanh nhân rộng. Song, cũng như việc xuất hiện một vài mô hình đào tạo tư nhân nhỏ khác, đáp ứng hoặc khuyến khích nhu cầu học đàn, học hát ở địa phương này, tất cả vẫn đang là những dịch vụ kinh doanh tự phát của tư nhân, với giá vé vào cửa không hề thấp, từ 650.000 đồng. Phố Bên Đồi là một không gian sáng tạo rất tích cực tham gia tổ chức các chương trình hòa nhạc thính phòng với các chuyên đề về guitare cổ điển, violin, piano… song vẫn đang chỉ dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ với số lượng khán giả quanh ngưỡng 50-70 người.

Theo anh Hiền Nguyễn - người sáng lập Phố Bên Đồi, để duy trì và thúc đẩy phát triển Đà Lạt theo định hướng thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, trước mắt, chính quyền thành phố cần ưu tiên hợp tác công tư, kết nối nguồn lực hiệu quả, tạo điều kiện cho các không gian biểu diễn và hoạt động về âm nhạc. Bên cạnh đó, thành phố cần tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về mảng âm nhạc, nhất là đào tạo. "Đà Lạt vẫn chưa có cơ sở đào tạo chính quy nhằm nuôi dưỡng và phát triển nhân lực. Thành phố cũng cần triển khai hội đồng tư vấn chuyên môn về ngành sáng tạo và âm nhạc nói riêng "- anh Hiền Nguyễn bày tỏ.

Có thể nói, việc được trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo thể hiện nỗ lực của các thành phố của Việt Nam trong việc tái định hình đặc trưng đô thị và thúc đẩy cải thiện không gian sống tương ứng trong hiện tại và tương lai. Nhưng để phát triển thực chất theo cam kết, từng thành phố còn nhiều việc phải làm.