BANGKOK là một trong những đô thị lớn trên thế giới đối mặt nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao. Với hệ thống nước sinh hoạt và tưới tiêu chủ yếu được khai thác từ các giếng trong thành phố, lượng nước ngầm giảm dần, đất phía trên lún xuống khiến độ cao Bangkok sụt trung bình một cen-ti-mét mỗi năm. Sau một thập niên nữa, thủ đô được dự báo sẽ thấp hơn so với mực nước biển.
Không những vậy, khi mùa mưa bão tới, Bangkok thường phải hứng chịu những trận mưa dữ dội, gây ngập lụt trên diện rộng, làm tê liệt hệ thống tiêu thoát nước và thậm chí cuốn trôi cả nhà cửa của người dân. Ðô thị phát triển nóng khiến nhiều kênh rạch trong quá khứ bị cải tạo thành các tuyến đường. Mỗi cơn mưa lớn ngay lập tức biến chúng thành những dòng sông nhỏ.
Với diện tích 4,5 héc-ta, công viên Thế kỷ được thiết kế như một ốc đảo xanh trong lòng Thủ đô Bangkok. Hơn thế nữa, nơi đây còn đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế nguy cơ ngập lụt với khả năng lưu giữ và điều hướng nguồn nước mưa, cũng như làm giảm đảo nhiệt đô thị.
Công trình tiêu biểu này bao gồm hệ thống mái nhà xanh được xây nghiêng so với mặt đất một góc 3 độ, giúp nước mưa lưu chuyển qua các khu vườn dốc. Tiếp đó, những đầm lầy nhân tạo sẽ tiếp nhận xử lý các chất độc hại, rồi mới đổ vào ba bể chứa, trước khi kết thúc dòng chảy tại các ao duy trì.
Khi lũ lụt xảy ra, các bể chứa sẽ giữ lượng lớn nước mưa, làm giảm áp lực cho hệ thống thoát nước. Ðặc biệt, công viên có thể tăng gấp đôi khả năng giữ nước lên tới một triệu gallon (gần 3.800 m3) bằng cách tận dụng hết những bãi cỏ chung quanh nhằm bảo vệ các con phố lân cận khỏi ngập lụt.
Dù chưa thể kiểm soát lũ lụt trên toàn thành phố, người dân Thủ đô Bangkok đang vô cùng phấn khởi với những tiện ích vượt trội mà không gian xanh đa chức năng này đem lại. Công viên Thế kỷ được coi như bước đầu nhằm ứng phó sự bất ổn ngày càng tăng do biến đối khí hậu gây ra.