Trông giỏ bỏ thóc

Khi được hỏi "Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không làm được sao tư nhân lại làm được?", ông Trần Hồng Quân, người đang nổi tiếng với Dự án Điện phân nhôm Đác Nông đã không ngại ngần hỏi lại "nếu tư nhân không làm được sao DNNN dám làm?".

Dự án điện phân nhôm Đác Nông của Công ty Trần Hồng Quân công suất 450.000 tấn nhôm kim loại/năm có quy mô đầu tư 665 triệu USD được chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một có công suất 150.000 tấn/năm sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017.

Ở thời điểm đang xử lý mặt bằng sạch như hiện nay, quả thật rất khó để hình dung ra một dây chuyền điện phân nhôm có chiều dài lên tới 1,2 km với 336 bể chứa nối nhau. Nhưng tất cả đang vào guồng để bắt đầu xây dựng nhà máy điện phân nhôm đầu tiên ở Việt Nam vào giữa năm 2015 này.

Tuy nhiên để khẳng định cho câu hỏi ngược của mình ở trên, ông Quân đã lựa chọn công nghệ điện phân nhôm sử dụng dòng điện 500 KVA do Tập đoàn Rio Tinto (AP) của Pháp cung cấp. Đây là tập đoàn có lịch sử phát triển lâu đời và uy tín nhất thế giới trong lĩnh vực điện phân nhôm và hiện cả thế giới mới chỉ có năm dây chuyền sử dụng công nghệ hiện đại này.

Chuyện lựa chọn công nghệ, các nhà tư vấn hay thiết bị đến từ các nước châu Âu hoặc G7 của Dự án điện phân nhôm Đác Nông đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. "Chúng tôi thuê những người chuyên nghiệp nhất để làm việc. Là tập đoàn tư nhân, nên chúng tôi luôn ý thức cái gì cần, đáng mở túi để đem lại hiệu quả cao nhất", ông chủ này tâm sự.

Kết quả của sự lựa chọn khôn ngoan này là số tiền cần vay trong tổng vốn đầu tư 665 triệu USD của dự án đã được các ngân hàng nước ngoài ký thỏa thuận. Điểm đặc biệt nữa là những khoản vay có thời gian 10 năm này không cần bất cứ bảo lãnh của Chính phủ. Nghĩa là không chất thêm gánh nặng cho thế hệ tương lai nếu dự án không thành công như tính toán.

Khi nói tới Dự án điện phân nhôm Đác Nông, có chuyên gia cũng cho biết, báo cáo tiền khả thi của dự án điện phân nhôm công suất 300.000 tấn nhôm/năm do một DNNN thực hiện với sự hợp tác của đối tác đến từ Hàn Quốc và dùng công nghệ loại tiên tiến của Trung Quốc (đã được trình bày với cơ quan hữu trách) yêu cầu vốn đầu tư là 900 triệu USD.

Vài con số cơ bản trong hai dự án điện phân nhôm nói trên có thể chưa nói hết được tất cả nhưng cũng cho thấy vấn đề "tư nhân hóa mạnh, bởi chỉ có tiền của mình bỏ ra mới trăn trở tới hiệu quả, đổi mới được", mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc tới trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp FDI và tư nhân hôm 30-3 ngày càng cần thiết và cấp bách ra sao. Nhất là khi tới cuối năm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN (trong đó có Việt Nam) sẽ đi vào vận hành và dỡ bỏ các rào cản trong lưu thông hàng hóa, sử dụng lao động, khiến sân chơi đầy khốc liệt và thách thức hơn nữa.