Định vị giá trị gia đình hiện đại

Yêu thương thế nào là đủ?

Gần đây, gia đình tôi có nuôi một “cô miu”. Và chúng tôi được chứng kiến cách yêu thương của mèo mẹ với mèo con. Từ những bước đi đầu tiên của mèo con, mèo mẹ luôn theo sát không rời, âu yếm và cả lo lắng, bất an. Rồi đến lúc mèo mẹ chỉ ngồi một chỗ, nghển cổ dõi theo những hành vi của con hoặc nằm lim dim mắt, đánh giá mức độ nguy hiểm, và chỉ “can thiệp” khi cần thiết. Cứ thế, đến khi mèo mẹ kiên quyết đẩy con ra, “khè” nghiêm khắc khi chúng sán lại gần, là lúc mèo con đã có thể tự lập.

Cha mẹ tích cực tham gia các hoạt động cùng con. Ảnh: MỸ HÀ
Cha mẹ tích cực tham gia các hoạt động cùng con. Ảnh: MỸ HÀ

Câu chuyện của mẹ con nhà mèo khiến tôi giật mình tự hỏi, có phải loài người chúng ta phát triển đến mức cao nhất mà quên đi việc tin vào những điều mang tính bản năng của loài vật, để vẫn cứ luôn phải băn khoăn về việc thể hiện cảm xúc và thái độ của mình với con? Ôm ấp yêu thương thế nào là đủ? Lúc nào cần can thiệp và can thiệp đến đâu để tránh cho con vấp ngã, sai lầm? Lúc nào thì cần buông tay để không áp đặt, cho con được tự đưa ra quyết định của riêng mình? 

Cũng vì mất đi sự nhạy cảm bản năng trong giao tiếp giữa bố mẹ và con cái mà nhiều khi chúng ta không định nghĩa được chính xác khái niệm “giáo dục gia đình”. Với gia đình này, đó là sự đe nẹt, răn dạy hằng ngày của người lớn trong nhà đối với người nhỏ hơn: phải thế này là đúng, làm thế kia là sai - từ đó hình thành các quy tắc ứng xử trong gia đình và từ gia đình hướng ra xã hội để xây dựng “nếp nhà”. Với gia đình khác, giáo dục gia đình đồng nghĩa với việc dạy trẻ học, rèn luyện kỹ năng thật sớm ở tuổi non nớt – bố mẹ trong vai trò nhà sư phạm hướng dẫn, rèn con các thao tác tư duy, tận dụng “thời gian vàng” phát triển sớm để con thông minh hơn theo hướng dẫn của các chuyên gia trực tiếp hoặc qua sách vở, ngõ hầu con có được tương lai tươi sáng về sau. Với nhóm gia đình thứ ba, bố mẹ lại chú trọng đến quá trình đồng hành trải nghiệm cuộc sống của trẻ và gia đình, người thân. Quá trình đó có thể trải nghiệm về cảm xúc, về nhận thức bản thân và thế giới, trải nghiệm những lỗi sai để học làm đúng, và cuối cùng, đó là quá trình trẻ học cách tồn tại và tồn tại một cách hạnh phúc.

Mỗi người, mỗi gia đình có thể lựa chọn một cách ứng xử riêng với con cái của mình. Chỉ có một điều ta nên nhớ rằng, tuổi thơ - quãng thời gian ngắn ngủi của mỗi người sống cùng gia đình lại như kéo dài vô tận vì sau này, khi đã trưởng thành, ta vẫn thường lục tìm trong ký ức tuổi thơ những bài học nho nhỏ, những kỷ niệm êm ấm để nương vào mà đứng dậy khi vấp ngã. Nhớ được thế để có trách nhiệm hơn với mỗi lời ta nói, mỗi việc ta làm trong gia đình, với không khí gia đình ta xây dựng, bao bọc quanh đứa trẻ…

Tôi cho rằng, chúng ta cần lắng nghe và tin vào bản năng nhiều hơn: lúc nào cần bày tỏ yêu thương, không ngại ngần. Lúc nào cần để con được tự làm - không do dự. Hướng dẫn kỹ năng trong mọi hoạt động sống cho con thông qua việc cùng làm. Đồng hành với con trong cuộc sống với những cảm xúc con trải qua, những khó khăn con gặp phải, những vấn đề con đang đối mặt… thông qua việc lắng nghe. Chia sẻ với con nhiều hơn thông qua việc kể lại những câu chuyện kinh nghiệm của chính mình. 

Tuy nhiên, bên cạnh những yêu thương bản năng, giáo dục gia đình cũng có những nguyên tắc dựa trên sự hiểu biết về tâm lý con người. Qua kinh nghiệm nghiên cứu, theo tôi, đó có thể là: Nguyên tắc giao tiếp. Giao tiếp gia đình cần được thực hiện thông qua các hành động chứ không chỉ dừng lại ở những lời giáo huấn lý thuyết, những lời răn dạy suông. Càng cùng tham gia nhiều hoạt động càng có nhiều cơ hội quan sát, phân tích, nhận xét, đánh giá và trao gửi những thông điệp quan trọng cho nhau. 

Nguyên tắc cá thể. Tôn trọng cá nhân, sự khác biệt, quyền lựa chọn và không gian riêng tư của mỗi thành viên gia đình. Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt. Vì thế, tiếp cận mỗi đứa trẻ trong gia đình là một quá trình hoàn toàn độc lập, riêng rẽ, không lặp lại. Từ đó cần tránh sự so sánh các con trong gia đình hoặc so sánh với “con người ta”, đồng thời luôn cho trẻ được quyền lựa chọn trong những hoạt động liên quan đến sở thích, khả năng của mình. 

Nguyên tắc tôn trọng truyền thống gia đình, xây dựng những thói quen, những câu chuyện chung. Giáo dục gia đình diễn ra đôi khi đơn giản chỉ với ý thức giữ gìn những truyền thống đẹp. Những “nghi lễ” quen thuộc trong gia đình như sum họp gia đình nhỏ, gia đình lớn trong những dịp nhất định; một bữa ăn đông đủ các thành viên vào cuối tuần; có một địa điểm yêu thích chung của cả gia đình; một hoạt động chung vào mỗi buổi sáng chủ nhật, một bài hát chung cả nhà thường hát, một bài tập thể dục chung mỗi sáng với những động tác hài hước thú vị… Những điều lặp đi lặp lại không tạo sự nhàm chán mà sẽ tạo cảm giác an toàn, dễ chịu về tâm lý cho trẻ.

Nguyên tắc “quyền và trách nhiệm”. Giáo dục gia đình thành công ngay trong việc cảm nhận mình là một thành viên quan trọng của gia đình. Các con được quyền có những thông tin về những sự kiện đang và sẽ xảy ra - được quyền nêu ý kiến, thảo luận, đưa ra quyết định riêng của mình. Ngược lại, con cũng nhận trách nhiệm vừa sức với những công việc trong nhà. 

Và cuối cùng là, Nguyên tắc lòng tin. Việc luôn khẳng định sự tin tưởng đối với các thành viên trong gia đình sẽ khiến trẻ định hướng được các hành vi của mình: ứng xử sao cho xứng với lòng tin của người thân. Tin vào điều tốt đẹp, vào sự tích cực, vào sự trung thực, vào sự sẵn sàng hỗ trợ, và tình yêu vô điều kiện mà các thành viên gia đình dành cho nhau. Khác với sự kỳ vọng: luôn đặt ra một mục tiêu khiến đôi khi tạo gánh nặng và áp lực tinh thần cho trẻ, sự tin cậy tạo một không khí nhẹ nhõm, bao dung, an toàn cho gia đình. 

NHỮNG nguyên tắc nói trên có thể là “dĩ bất biến” để chúng ta ứng phó với “vạn biến” bởi những phiền toái của dịch bệnh mà mỗi gia đình đang đều phải đối mặt. Giãn cách xã hội khiến chúng ta “phải” ở gần nhau nhiều hơn, ban đầu là bất đắc dĩ, về sau, nếu biết cách điều chỉnh theo những nguyên tắc giáo dục gia đình, có lẽ với nhiều gia đình, thời gian này lại là cơ hội tuyệt vời để chúng ta bày tỏ, chia sẻ, hoạt động cùng nhau nhiều hơn, làm nên nhiều kỷ niệm lung linh cho mỗi người. Cùng nấu ăn theo ca (bố và con, mẹ và con), cùng học một kỹ năng mới qua mạng (vẽ, đàn, đan móc len…), cùng chơi những trò chơi vận động và tư duy, cùng đọc một cuốn sách và tâm tình sâu sắc,… Biết bao điều ta có điều kiện được làm cùng nhau trong thời gian “vô biên” của gia đình thời điểm này!

Việc mà chúng ta cần nhớ chỉ là: lên kế hoạch rõ ràng, lập thời gian biểu cho những hoạt động riêng và hoạt động chung hợp lý và thực hiện chúng nghiêm túc.