Định vị giá trị gia đình hiện đại

Vai trò và thách thức

Mức sống của người dân Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt trong những năm gần đây. Kinh tế khá giả tạo điều kiện cho việc đáp ứng các nhu cầu phong phú của đời sống, tiếp cận các dịch vụ hiện đại, văn minh hơn. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển, xã hội hiện đại cũng tạo nên nhiều bối cảnh khiến cho mô hình gia đình truyền thống phải đối diện vô vàn thách thức…

Bên mẹ mùa “giãn cách”. Ảnh: THANH TRÚC
Bên mẹ mùa “giãn cách”. Ảnh: THANH TRÚC

Sự biến đổi mô hình gia đình 

Đông con nhiều cháu, nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, cùng làm cùng ăn với mối quan hệ “trên kính dưới nhường”, “anh em như thể tay chân” đã từng là đặc trưng có tính hình mẫu của những gia đình hạnh phúc theo quan niệm truyền thống ở Việt Nam trong một thời gian dài. Điểm tựa của những gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống này là các thành viên về cơ bản làm chung một nghề hoặc nhóm nghề có liên quan, địa bàn hoạt động kinh tế gói gọn ở một phạm vi hẹp và hợp tác cùng nhau trong lao động. Họ có thể cùng làm ruộng, cùng làm một nghề thủ công nào đó của gia đình. Với mối quan hệ gắn bó về huyết thống và hôn nhân cùng với hợp tác trong lao động sản xuất, sống chung trong một không gian, sự liên hệ, gắn bó về mặt xã hội giữa các thành viên trong gia đình rất bền chặt. 

Tuy nhiên, khi đất nước phát triển và mở cửa, các khu công nghiệp mọc lên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, sự dịch chuyển dân số cơ học mạnh thì các gia đình truyền thống đã dần dần nhường chỗ cho gia đình hạt nhân (bao gồm bố mẹ và con). Làng quê đã biến đổi sâu sắc với lực lượng lao động trẻ thoát ly nông nghiệp vào làm việc trong các nhà máy, xuất khẩu lao động. Các đô thị mở rộng và nhiều đô thị mới mọc lên. Trẻ con lớn lên trong một cộng đồng cũ bị phá vỡ trong khi cộng đồng mới chưa hình thành. Văn hóa làng xã mất đi trong khi văn hóa thị dân chưa kịp định hình. 

Cùng với sự chuyển đổi mô hình gia đình từ truyền thống sang gia đình hạt nhân và sự thay đổi môi trường sống của trẻ em, một số chức năng của gia đình như chức năng giáo dục cũng bị suy yếu. Trước kia, đặc biệt trước khi có hệ thống giáo dục quốc dân hoàn thiện, việc nuôi dạy trẻ được tiến hành trực tiếp trong gia đình với sự tham gia của ông bà, anh chị đi trước và bố mẹ. Trẻ em thông qua sự chỉ dạy trực tiếp của cha mẹ, trải nghiệm đời sống gia đình và nhìn vào tấm gương của cha mẹ mà có được tri thức, kỹ năng, phẩm chất, giá trị quan của bản thân. 

Tuy nhiên, cùng với sự tiến triển của công nghiệp hóa, hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, do ảnh hưởng của chủ nghĩa bằng cấp, trường học dần dần biến đổi theo hướng “chạy nước rút” trong cuộc đua thi cử và thành tích, cuốn toàn bộ các gia đình có người đi học vào vòng quay khổng lồ của nó. Bên cạnh đó, nền sản xuất lớn với các khu công nghiệp mọc lên cùng các khu cao ốc văn phòng, các khu công nghệ cao đã làm cho nhịp sống trở nên gấp gáp và bận rộn. Hệ quả của nó là chức năng giáo dục con cái vốn là đặc quyền chủ yếu thuộc về gia đình trước đó đã dần dần được cha mẹ đẩy ra bên ngoài. Khi con cái còn nhỏ, công việc nuôi dạy con được không ít gia đình phó thác cho người giúp việc. Khi con lớn một chút thì gửi cho nhà trẻ, trường mầm non và xu hướng gửi thêm giờ, kéo dài thời gian ở trường, gửi thêm cả ngày thứ bảy khá phổ biến. 

Từ khi vào tiểu học trở đi, trẻ dành phần lớn thời gian ở trường hay các trung tâm dạy thêm... Kết quả là đời sống của trẻ xoay quanh trường học. Cùng đó, sự thống trị của ti-vi, điện thoại, iPad, internet và sự phân chia thành các phòng riêng tư trong các căn hộ, ngôi nhà hiện đại làm cho thời gian bên nhau, chia sẻ thông tin và giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình không còn nhiều nữa. Các cá nhân có xu hướng “bị cô lập” ngay chính trong gia đình mình. 

Và, những cảnh báo…

Tất cả các yếu tố đã phân tích ở trên cùng với sự thay đổi lớn lao về giá trị quan, lối sống của xã hội hiện đại đã đặt gia đình hiện đại trước nhiều nguy cơ trong đó có nguy cơ đổ vỡ. 

Kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 ở nước ta cho thấy 2,1% dân số đang trong tình trạng ly thân và ly hôn. Trước đó, TS Nguyễn Minh Hòa (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) trong một nghiên cứu công bố năm 2008 cho biết, tỷ lệ ly hôn tính theo công thức của Nhật Bản là 31 - 40%. Như vậy là cứ 10 cặp kết hôn sẽ có khoảng ba cặp tan vỡ. Một tỷ lệ rất đáng suy nghĩ. Nên nhớ rằng nếu như Nhật Bản đã có lịch sử công nghiệp hóa hơn 100 năm và đã gánh chịu tình trạng dân số già nhiều thập niên qua thì nước ta còn chưa thật sự trở thành nước công nghiệp hóa. Điều gì sẽ xảy ra khi Việt Nam trở thành một nước có lối sống công nghiệp như Nhật Bản? 

Số liệu công bố công khai trên báo chí gần đây (tháng 9/2020) cũng cho biết trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 600 nghìn vụ ly hôn, trong đó 70% số vụ ly hôn là do phụ nữ đệ đơn. Những số liệu trên rất khớp với trải nghiệm của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày khi chứng kiến bạn bè, người thân tan vỡ trong hôn nhân. Trong một cuộc nói chuyện, giao lưu với bạn đọc ở thư viện một tỉnh phía bắc (tháng 8/2020), một cán bộ phụ trách Phòng Công tác chính trị của Sở Giáo dục và Đào tạo đã kể cho tôi biết rằng, một điều tra khảo sát thực tế ở cơ sở đã phát hiện có một lớp ở trường học nọ có tới 16 trong tổng số 40 học sinh có bố mẹ sống ly thân hoặc ly hôn. 

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài. Các hoạt động từ làm việc đến vui chơi, giải trí đều phải rút vào bên trong gia đình. Các chức năng mà trước kia gia đình đã từ bỏ trong vô thức hoặc đẩy ra bên ngoài như chăm sóc, dạy dỗ con cái đã chuyển lại về gia đình một cách đột ngột. Thời gian gia đình bên nhau cũng nhiều lên. Lẽ ra nó phải làm cho gia đình hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, các kết quả công bố cho thấy ở nước Anh yêu cầu tư vấn pháp lý về thủ tục ly hôn tăng 95% kể từ khi đại dịch bùng phát. Số vụ ly hôn cũng gia tăng ở nhiều nước khác như Trung Quốc, Mỹ. 

Khảo sát qua điện thoại để tìm hiểu tác động của đại dịch tới đời sống do Ngân hàng Thế giới tiến hành ở Việt Nam, với các hộ gia đình tại nhiều địa phương, kết quả công bố cho biết thu nhập hộ gia đình tháng 1/2021 thấp hơn khoảng 11 - 22% so với mức thu nhập tháng 6/2020. Mặc dù không có số liệu công bố công khai về tỷ lệ ly hôn tăng cao trong đại dịch, nhưng chắc chắn rằng thất nghiệp, thu nhập giảm, cộng với sự căng thẳng khi cả gia đình phải “cố thủ” trong nhà sẽ gây ra và có thể làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn, dẫn tới rạn nứt các mối quan hệ.

Để vượt qua các thách thức nói trên sẽ cần tới các chính sách vĩ mô như cơ cấu phát triển kinh tế phù hợp đặc trưng vùng miền, nhằm hạn chế dịch chuyển dân số cơ học. Ban hành những chính sách kịp thời, góp phần tạo ra mạng lưới dịch vụ xã hội chuyên nghiệp, hỗ trợ gia đình (chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, đối phó với nạn bạo hành), giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức toàn dân về vai trò của đời sống gia đình. Đối với từng gia đình, từng cha mẹ, việc học hỏi, nhận thức lại vai trò của gia đình trong đời sống hiện đại và nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.