Pin, ổ sạc và một thị trường sơ khai

Muốn kích hoạt thị trường ô-tô điện, đòi hỏi phải có hệ quy chuẩn chất lượng sản xuất và quản lý pin thải thống nhất đi đôi với việc quy hoạch điểm đỗ xe tĩnh và bố trí quỹ đất cho trạm sạc xe điện. Những điều này đều đang thiếu ở Việt Nam.

Trạm sạc ô-tô điện đầu tiên ở Ðà Nẵng. Ảnh: Hoàng Sơn
Trạm sạc ô-tô điện đầu tiên ở Ðà Nẵng. Ảnh: Hoàng Sơn

Nói về trở ngại trong phát triển ô-tô điện tại Việt Nam, ông Nguyễn Trung Hiếu, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, các chủ đầu tư cần phải vượt qua được hai trở ngại. Với pin, cần phải tìm được bí kíp công nghệ, làm sao để sạc nhanh và trữ điện được nhiều. Với mạng lưới trạm sạc, phải phủ rộng, song cần thời gian và nguồn lực đầu tư để có độ bao phủ địa lý, từ đó mới thay thế và dần dần loại trừ xe xăng. Ước tính, quá trình này đòi hỏi hàng chục năm chứ không nhanh được!

Chung nhận định về tính sơ khai của thị trường ô-tô điện tại Việt Nam, đại diện Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới, Cục Ðăng kiểm Việt Nam cho biết, trong khi chờ các cơ quan nghiên cứu xây dựng quy chuẩn phù hợp sự phát triển xe ô-tô điện trong tương lai tại Việt Nam, việc thử nghiệm, đánh giá an toàn phương tiện hiện chủ yếu căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô-tô (QVN 09:2015/BGTVT)...

Sản xuất pin và việc quản lý pin thải bỏ của ô-tô điện cũng cần sớm được tính toán với những quy chuẩn bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường. Hiện hầu hết các nước đều có quy định về quản lý sản phẩm thải bỏ như pin, ắc-quy rất nghiêm ngặt. "Việt Nam cũng đã có quy định về việc xử lý các sản phẩm thải bỏ, nhưng việc triển khai gần như chưa có gì bởi thiếu chế tài cụ thể trong việc thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Ðây là vấn đề cần sớm hoàn thiện trước khi thị trường ô-tô điện phát triển tại Việt Nam", ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) kiến nghị. Riêng với yếu tố tối ưu hóa pin về kích thước, khối lượng và dung lượng, đại diện Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới cho rằng, trong thời gian tới cần có sự nghiên cứu để xây dựng các quy định, quy chuẩn liên quan trên phương diện hài hòa theo quốc tế đồng thời phù hợp điều kiện tại Việt Nam.

RÊN thế giới hiện nay các hãng, các quốc gia khác nhau có các quy định về chuẩn sạc điện khác nhau. Như chuẩn sạc nhanh CCS1/Tesla của Mỹ, CCS2 của châu Âu, CHAdeMO của Nhật Bản, GB/T của Trung Quốc... Vì vậy, việc phát triển hệ thống trạm sạc có thể đáp ứng nhu cầu sạc điện cho tất cả các loại xe điện là một thách thức không nhỏ. Ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho biết: Hiện chúng ta chưa có bộ quy chuẩn (bắt buộc áp dụng) về trạm sạc và đầu cắm sạc. Cấu tạo trạm sạc xe điện vẫn còn là vấn đề bí mật công nghệ, cho nên không hãng nào muốn chia sẻ, do vậy chưa thống nhất được để đặt ra cái nào là chuẩn.

Theo chuyên gia ô-tô Nguyễn Minh Ðồng, để tạo thuận lợi cho việc sử dụng ô-tô điện, hệ thống trạm sạc cần được xây dựng, phân bố như các trạm xăng, dầu. Ở các nước trên thế giới, nơi nào có trạm xăng, dầu, có bãi đậu xe... thì có trạm sạc điện. Ngoài ra, để khuyến khích các doanh nghiệp xây trạm sạc, Nhà nước cần có những cơ chế đủ hấp dẫn, ưu đãi như cấp đất, tín dụng hay giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp...