Phép thử đối với trái vú sữa Lò Rèn

Những lô hàng xuất khẩu đều đặn đi Mỹ đã mang đến nguồn sinh khí mới cho vú sữa Lò Rèn, một giống cây vốn đang bị mai một và thu hẹp diện tích trồng. Tuy nhiên, nếu không thực hiện nghiêm túc kiểm soát chất lượng, nguy cơ đánh mất thị trường là hoàn toàn có thể!

Cán bộ kỹ thuật của DN xuất khẩu hướng dẫn cho các nhà vườn ứng dụng kỹ thuật bao trái vú sữa theo yêu cầu bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: MINH SÁNG
Cán bộ kỹ thuật của DN xuất khẩu hướng dẫn cho các nhà vườn ứng dụng kỹ thuật bao trái vú sữa theo yêu cầu bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: MINH SÁNG

Khi trái vú sữa Lò Rèn đi Mỹ

Những ngày này, anh Lê Ngọc Bình, nông dân ở ấp Phước Thịnh, xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, đang bận rộn cắt tỉa cành, tưới nước, bón phân, kích hoa cho mùa vụ mới 2019. Anh Bình hồ hởi: “Vừa qua, gia đình tôi xuất khẩu được 20 tấn vú sữa Lò Rèn đi Mỹ với giá bán trung bình 50-70 nghìn đồng/kg, tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng. Trừ hết mọi chi phí, gia đình còn lãi gần 1 tỷ đồng. Tôi cùng nhiều hộ dân trồng vú sữa lân cận phấn khởi lắm vì xuất khẩu được giá cao hơn nhiều so với giá bán trong nước”.

Trong nhiều năm qua, gia đình anh Bình trồng 0,8 ha vú sữa theo quy trình hữu cơ, được cơ quan chức năng cấp mã vùng trồng vú sữa và được Công ty TNHH Đại Lâm Mộc thu mua xuất khẩu đi Mỹ. Tính riêng năm 2018, Công ty TNHH Đại Lâm Mộc đã xuất khẩu hơn 100 tấn vú sữa đi Mỹ. Đây là năm thứ hai, công ty tham gia xuất khẩu. Để duy trì nguồn hàng ổn định, chất lượng bảo đảm ngay từ năm 2017, công ty bao tiêu đầu ra xuất khẩu cho vùng nguyên liệu 10,7 ha, đến năm 2018, diện tích này tăng lên 26 ha. Công ty hỗ trợ miễn phí nông dân chi phí bao trái, thuốc trừ sâu sinh học. Ông Trần Trung Hiếu, đại diện Công ty TNHH Đại Lâm Mộc cho biết: “Công ty muốn đóng góp sức của mình ngay từ ban đầu chứ không chờ nông dân làm xong mới thu mua. Đó cũng là cách quản lý chất lượng tốt nhất ngay từ khâu chăm sóc đến thu hoạch. Hơn nữa, công ty thu mua của nông dân giá tốt và do không phải qua trung gian nên nông dân bán được giá cao”.

Để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nhập khẩu khắt khe của thị trường Mỹ, các công ty xuất khẩu vú sữa đã đầu tư thiết bị xử lý hơi nước nóng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, xây dựng nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn. “Công ty chúng tôi phối hợp với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, định vị tọa độ để đăng ký mã số vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, thống kê sản lượng, bao trái… và ký hợp đồng bao tiêu “khép kín” sản phẩm để giữ ổn định nguồn hàng cũng như chất lượng trái vú sữa xuất khẩu”, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Chế biến nông sản Cát Tường cho biết.

Theo thống kê của Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có 102 ha vú sữa Lò Rèn được cấp chứng nhận vùng trồng có khả năng xuất khẩu đi Mỹ. Mùa vụ này, tỉnh Tiền Giang có ba DN tham gia xuất khẩu vú sữa sang Mỹ với tổng sản lượng 113,5 tấn.

Giữ gìn uy tín cho thương hiệu

Theo thống kê năm 2008, vùng trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có khoảng 3.200 ha. Nhưng chỉ sau 10 năm, diện tích trồng đã giảm đến 2.700 ha, hiện chỉ còn khoảng 500 ha. Nguyên nhân của tình trạng này là do vườn cây vú sữa lâu năm bị suy kiệt, giảm năng suất buộc nông dân phải phá bỏ.

Từ nhiều năm nay, chính quyền tỉnh Tiền Giang rất quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ các chính sách để nông dân đầu tư lại vườn cây vú sữa Lò Rèn, nhưng thực tế, việc khôi phục lại diện tích như trước đây là điều không hề dễ dàng.

Ngay thời điểm cuối năm 2017, khi lô hàng vú sữa đầu tiên được xuất khẩu đi Mỹ, người trồng vú sữa cảm thấy hồ hởi và có động lực đầu tư, chăm sóc vườn trồng chỉn chu hơn để chinh phục khách hàng khó tính. Thế nhưng, vui chưa được lâu thì người nông dân gặp phải tình cảnh, thị trường xuất hiện vú sữa từ các địa phương khác dán mác vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim để trà trộn tiêu thụ.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan phải tiến hành nhiều giải pháp chấn chỉnh, xử lý những DN sai phạm, để không làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu vú sữa xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có công văn nêu rõ những hạn chế của một số DN xuất khẩu trái vú sữa làm ăn thiếu lành mạnh; đề nghị Bộ NN và PTNT chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chuyên ngành có liên quan trực thuộc Bộ phối hợp với các địa phương có xây dựng vùng trồng cây vú sữa kiểm tra, giám sát chặt chẽ về xuất xứ, mẫu mã, chất lượng các lô hàng trái vú sữa xuất khẩu của các DN trong nước trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu.

“Năm nay, các DN xuất khẩu vú sữa lò rèn Vĩnh Kim sang Mỹ phải tuân thủ đúng cam kết chỉ xuất hàng trong số diện tích trồng đã có mã vùng. Nếu DN nào gian dối trộn hàng mua từ tỉnh khác hoặc hàng hóa không sản xuất theo quy trình đã cam kết với phía Mỹ sẽ bị xử lý nghiêm”, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.

Việc bảo vệ thương hiệu vú sữa Lò Rèn đứng vững trên thị trường Mỹ có ý nghĩa rất lớn, tạo tiền đề cho các loại trái cây đặc sản khác của tỉnh như trái sa-pô, thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc... sẽ tiếp cận được thị trường này trong nay mai. Từ thị trường Mỹ, những lô hàng nông sản của Tiền Giang còn tính đến việc chinh phục các thị trường khó tính khác nữa.

Xác định chiến lược phát triển dài hơi, tuân thủ những quy trình chặt chẽ trong sản xuất, tôn trọng chữ tín của thương hiệu… đó là những bước đi giúp cho việc xuất khẩu nông sản được bền vững. Không thể đi xa nếu chỉ tính đến nguồn lợi trước mắt!