Định vị giá trị gia đình hiện đại

Mô hình chuẩn và sự phát triển

Nhìn nhận sự biến đổi trong mô hình cũng như những giá trị cơ bản của gia đình Việt, PGS, TS Trần Thị Minh Thi (trong ảnh), Viện trưởng Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định: Đầu tư cho gia đình chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Mô hình chuẩn và sự phát triển

- Không chỉ thay đổi về mô hình gia đình, xã hội hiện đại cũng tác động và tạo nên nhiều thay đổi giữa các mối quan hệ trong mỗi gia đình ngày nay. Bà có thể chia sẻ góc nhìn về vấn đề này?

- Mặc dù đã có sự chia sẻ cân bằng hơn giữa hai giới trong công việc sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình và các công việc gia đình, nhưng trong quan hệ vợ chồng, phân công lao động trên cơ sở giới vẫn còn duy trì. Người vợ vẫn chủ yếu thực hiện các công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, giữ tiền, chăm sóc người già/người ốm. Người chồng đảm nhận chính các công việc sản xuất, kinh doanh, tiếp khách, thay mặt gia đình giao tiếp với chính quyền và là người thực hiện chính các công việc này trên thực tế. Gánh nặng lao động “kép”, với quỹ thời gian hạn hẹp, sức khỏe kém đi,… đang gây trở ngại cho phụ nữ phát triển năng lực, kể cả về thể chất lẫn tinh thần, do đó làm giảm chất lượng mối quan hệ vợ - chồng. 

Quyền quyết định các công việc lớn trong gia đình vẫn thuộc về người chồng và được duy trì khá ổn định trong nhiều năm qua cho dù chính quyền đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm và khuyến khích nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu đáng mừng đánh dấu sự thể hiện vai trò cùng làm chủ gia đình của người phụ nữ, bước đầu khẳng định sự tồn tại của bình đẳng giới trong gia đình, nhưng sự biến đổi này diễn ra chưa mạnh và đồng đều ở tất cả các loại hình công việc và các nhóm xã hội. 

Có thể dự báo rằng, cùng với sự tăng lên về đời sống vật chất và trình độ học vấn cũng như sự hội nhập mạnh mẽ với các giá trị toàn cầu về bình đẳng giới, mối quan hệ giữa vợ và chồng sẽ ngày càng theo xu hướng bình đẳng hơn trong khi vẫn giữ được nét đặc trưng của việc chú trọng gìn giữ sự hòa thuận và các giá trị gia đình Việt Nam. 

Một trong những kết luận quan trọng từ các phân tích nêu trên là để giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình, bên cạnh việc đề ra chính sách thì triển khai thực hiện chính sách trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thông qua hệ thống dịch vụ công và tư về gia đình là có ý nghĩa quyết định. Để có được hệ thống dịch vụ phù hợp với sự phát triển gia đình cần có nghiên cứu sâu về sự vận hành của hệ thống cùng với việc xây dựng các mô hình can thiệp. Những vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ vợ chồng cần được tư vấn bao gồm cả những vấn đề về tâm lý tình cảm, ứng xử vợ chồng, vấn đề về sức khỏe sinh sản và đời sống tình dục vợ chồng, vấn đề nuôi dạy con cái, vấn đề về pháp lý, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, phát triển kinh tế gia đình,… 

- Nhịp sống gấp gáp và sự bận rộn mưu sinh đang khiến cho nhiều bậc cha mẹ không chú tâm dành thời gian cho việc giáo dục con cái, xem nhẹ yếu tố giáo dục gia đình? 

- Tuy vẫn còn nhiều bậc cha mẹ không có thời gian dành cho việc chăm sóc, chưa quan tâm đến việc tham gia những hoạt động cùng với con cái nhằm tăng cường sự gắn kết, giao lưu tình cảm, thúc đẩy sự phát triển, song tỷ lệ các bậc cha mẹ quan tâm, đầu tư đến việc học tập, quan hệ bạn bè, dành thời gian chăm sóc hằng ngày cho con cái đang ngày càng cao. 

Phương pháp dạy dỗ của cha mẹ đã có sự thay đổi nhất định, tỷ lệ cha mẹ dạy con bằng phương pháp áp đặt, cấm đoán giảm đáng kể, thay vào đó là sự nhắc nhở, phân tích cho con hiểu về cái đúng, cái sai. Vai trò giáo dục của cha mẹ cũng có sự thay đổi theo hướng bình đẳng hơn. Vị thế của con cái đã dần tăng lên, tỷ lệ trẻ vị thành niên được tham gia quyết định về những việc liên quan tới bản thân khá cao. Tuy nhiên, mối quan hệ cha mẹ - con cái về cơ bản vẫn tuân thủ tôn ti trật tự truyền thống, cha mẹ vẫn là người quyết định mọi công việc có liên quan đến con cái. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu tôn trọng quyền của con hoặc có những hành vi đối xử vi phạm quyền tự do thân thể của các em.

-  Vai trò của người cao tuổi trong gia đình đang có nhiều thay đổi, cả ở nông thôn và thành thị. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Đây là một vấn đề đáng quan tâm. Phần lớn người cao tuổi vẫn sống với con cháu khi về già. Tuy vậy, người cao tuổi hiện nay phải đối mặt nhiều vấn đề. Đó là bệnh tật, sức khỏe suy giảm, lo toan cuộc sống. Nhiều người cao tuổi được khảo sát chưa hài lòng với việc chăm sóc, trợ giúp và phát huy vai trò của người cao tuổi tại cộng đồng. 

Hệ thống trợ giúp cho người cao tuổi trong tương lai gần sẽ gặp nhiều trở ngại do những biến động của quy mô dân số và xu thế hạt nhân hóa gia đình. Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động xã hội, tình trạng ly hôn, ly thân và nhiều thanh niên di cư tìm kiếm việc làm khiến cho người cao tuổi càng cô đơn và thiếu nơi nương tựa. Vấn đề huy động nguồn lực, làm thế nào để không chỉ những người đóng bảo hiểm xã hội khi về hưu được hưởng mà còn một lực lượng đông đảo người lao động ở nông thôn hay trong khu vực lao động tự do có thể có được mức trợ cấp tốt hơn trong tương lai là điều mà ngay bây giờ, các nhà hoạch định chính sách, nhất là chính sách về an sinh xã hội cho người già cần phải tính đến.

Gia đình hiện vẫn được xem là môi trường quan trọng nhất chăm sóc người cao tuổi. Đại bộ phận con cái có sự thăm nom, chăm sóc thường xuyên về mặt vật chất và tinh thần đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, một bộ phận con cháu mới chỉ quan tâm đến đời sống vật chất của các cụ, còn cuộc sống tinh thần thì chưa được chú ý.

Trong những năm gần đây, luật pháp và chính sách Nhà nước đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách chưa tạo ra được những thay đổi cơ bản về tính chất và hình thức chăm sóc ở Việt Nam. 

Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đầu tư cho gia đình, vì vậy, cũng là đầu tư cho phát triển bền vững. Mô hình gia đình chuẩn không phải là mô hình gia đình hạt nhân hay mở rộng, gia đình đơn thân hay gia đình đầy đủ vợ chồng con cái, mà là gia đình ở nơi đó các cá nhân có hạnh phúc, được an toàn, được bảo vệ trước các thách thức và rủi ro, các thành viên chia sẻ trách nhiệm với nhau, và với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. 

- Xin trân trọng cảm ơn PGS, TS Trần Thị Minh Thi!