Lời giải cho xu thế chuyển đổi số

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á về lao động-việc làm do chuyển đổi số, với 70% số người lao động ở các ngành nghề cơ bản bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh ấy, việc hoạch định chính sách cần tập trung vào nâng cao năng lực số, đón đầu xu hướng nổi bật về lao động.

Đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm công nghệ tại Internet Day 2020. Ảnh: Minh Quyết
Đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm công nghệ tại Internet Day 2020. Ảnh: Minh Quyết

Làn sóng tạo nên sự thay đổi sâu sắc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2021, bên cạnh những hệ lụy về đời sống, sức khỏe, làn sóng dịch Covid-19 cũng đã tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, những biến chuyển lớn của toàn bộ nền kinh tế đang khiến cho năng lực số ngày một trở nên quan trọng. Hơn lúc nào hết, kết nối mạng xã hội và công nghệ di dộng không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ lên quá trình vận hành của các tổ chức, doanh nghiệp, mà việc ra quyết định cũng trở nên đặc biệt phụ thuộc vào quá trình quản trị tri thức và năng lực số.

Xu thế chung, các doanh nghiệp sẽ có định hướng rõ ràng về việc tăng cường công nghệ mới, đẩy nhanh kế hoạch số hóa và tự động hóa, khiến việc ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất bùng nổ. Các phương pháp an toàn lao động cũng sẽ được tăng cường để bảo vệ nhân viên, xoay quanh các chiến lược làm việc từ xa và tự động hóa. Nhóm nhân viên là thế hệ lao động trẻ với khả năng nhạy bén hơn về kỹ thuật số sẽ được doanh nghiệp hướng tới.

Dĩ nhiên, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc chuyển các tài sản vật lý hữu hình thành các tài sản số hay tăng tốc các quy trình làm việc sẵn có nhờ các ứng dụng số, mà xa hơn là thay đổi toàn diện cách thức hoạt động của một doanh nghiệp, tạo ra các phương thức kinh doanh và vận hành hoàn toàn mới. Lực lượng lao động, vì thế, sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ dựa trên năng lực sử dụng công nghệ và khả năng thích nghi với môi trường số.

Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên giờ đây không chỉ cần chuẩn bị cho mình hành trang phù hợp với những công việc cụ thể vốn đã được "gọi tên" trên thị trường lao động, mà còn cần sự linh hoạt và khả năng tự xây dựng bộ kỹ năng, nhằm thích ứng với bản chất thường xuyên thay đổi của các công việc trong tương lai. Các vị trí nghề nghiệp giờ đây sẽ liên tục biến đổi, các loại hình công việc có tính chất lặp đi lặp lại, cần độ chính xác cao sẽ dần được tự động hóa, thay thế bởi máy móc từng phần đến toàn bộ, bao gồm cả các nghề như bác sĩ, luật sư, chuyên viên tư vấn tài chính, kế toán viên...

Song song, nhiều loại hình công việc mới sẽ được tạo ra, đó là các ngành kinh doanh mới, các ngành công nghiệp mới và các ngành dịch vụ mới, tiêu biểu là các công việc liên quan đến lập trình, vận hành và bảo dưỡng các hệ thống tự động. Các nền tảng công nghệ tạo ra sự kết nối nhanh chóng và dễ dàng, giúp người lao động có thể làm việc như một nhà thầu độc lập hay một freelancer (người làm việc tự do)-loại hình công việc trước đây chỉ dành cho những người có trình độ chuyên môn cao. Cơ hội để biến những thói quen, sở thích, sở trường vốn có thành nội dung sáng tạo, có khả năng gây ảnh hưởng đối với cộng đồng và tạo ra những công việc mới ngày càng rộng mở.

Tín hiệu tích cực đối với thị trường lao động

Theo Báo cáo Digital 2020, Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á về năng lực số, điều đó thể hiện rõ rệt qua cả số lượng và chất lượng của các tương tác trong môi trường số. Với tỷ lệ thâm nhập internet, thâm nhập mạng xã hội đều ở mức cao (khoảng 70%), thói quen tương tác trên môi trường số bằng điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành một chuẩn mực phổ biến, đồng thời ảnh hưởng đến năng lực số của người Việt Nam.

Nhờ trải nghiệm phong phú trong môi trường số, người Việt Nam cũng thể hiện nhận thức tích cực về quyền riêng tư, khả năng kiểm soát dấu chân số, bảo vệ danh tính số đồng thời sẵn sàng thích ứng với các công nghệ mới như: nhận dạng giọng nói, đăng ký xem nội dung trả phí, các thiết bị smarthome hoặc tiền ảo được người Việt Nam tiếp cận nhanh chóng và có tỷ lệ sử dụng ngày một cao.

Với hơn hai giờ mỗi ngày sử dụng mạng xã hội, việc tham gia tương tác trong các cộng đồng số, tận dụng những ưu thế và tiện ích của mạng xã hội đã trở thành một thói quen và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc. Đồng thời, đại dịch Covid-19 cùng với các giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài tại các thành phố lớn cũng đã góp phần thúc đẩy người Việt Nam làm quen và thực hành mua sắm bằng thương mại điện tử, cũng như thực hiện các hành vi khác trên thiết bị số một cách thường xuyên, hiệu quả hơn. Đây đều là những tín hiệu cho thấy chúng ta hiện có một dân số trẻ, giàu tiềm năng, đã hội tụ nhiều điều kiện phù hợp để tập trung phát triển năng lực số.

Xây dựng nguồn nhân lực số

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP. Vì vậy, vấn đề cấp thiết nhất vào lúc này là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực số phù hợp, có khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ, tham gia tích cực quá trình chuyển đổi số và linh hoạt trước mọi biến đổi của thị trường lao động.

Một cá nhân được xem là có năng lực số tốt cần phải thông thạo và nhanh nhạy trong việc sử dụng các công cụ số như máy tính cá nhân, smartphone, mạng xã hội và các nền tảng ứng dụng, phần mềm đa dạng trong cuộc sống cũng như trong công việc. Bên cạnh đó, họ cũng cần có khả năng tư duy phản biện để đánh giá một khối lượng thông tin khổng lồ và nắm bắt được cách thức phù hợp để sử dụng các công cụ kể trên. Họ còn cần biết cách duy trì những tương tác an toàn và tích cực khi tham gia các cộng đồng số, hướng đến sự cân bằng cho cá nhân và toàn xã hội dựa trên nền tảng của cái nhìn đa chiều và năng lực thấu cảm, tôn trọng sự khác biệt. Quan trọng hơn hết, họ cần có sự sẵn sàng trong việc tự làm quen và nâng cao các kỹ năng số, phục vụ cho việc học tập và phát triển sự nghiệp trọn đời của mình.

Nâng cao năng lực số giờ đây là bài toán chung của toàn xã hội, do đó cần thay đổi nhận thức chung, khẳng định tầm quan trọng của năng lực số đối với các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh. Do đó, cũng cần xem xét tác động của các chính sách ở tầm vĩ mô đối với sự phát triển năng lực số của công dân, nhất là thanh thiếu niên. Cần đưa năng lực số vào chương trình giảng dạy ở các bậc học khác nhau, với nhiều cấp độ tiếp cận khác nhau, cần thường xuyên có các chương trình khảo sát, đánh giá năng lực số của công dân dựa trên các khung năng lực số tương ứng với các nhóm đối tượng cụ thể.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ để xây dựng một cơ chế phù hợp, sự nhập cuộc của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các nhóm nghiên cứu sẽ góp phần giúp cho người Việt Nam có thêm cơ hội để phát triển năng lực số của mình một cách toàn diện nhất.

Sinh ra trong một môi trường bao quanh bởi công nghệ số, những người trẻ sẽ mang những trải nghiệm, thói quen, hành vi liên quan đến các công nghệ từ cuộc sống thường ngày vào công việc. Mỗi người lao động đều sẽ gắn chặt vào một hệ sinh thái được quy định bởi các công cụ chia sẻ công việc của họ.