Định vị giá trị gia đình hiện đại

Dự báo từ các xu hướng “phi truyền thống”

Những nghiên cứu, khảo sát gần đây nhất cho thấy, kiểu gia đình độc thân (một thành viên), đơn thân hay “đa văn hóa” đã hình thành và có xu hướng gia tăng, nhất là ở khu vực đô thị… Không chỉ là sự lựa chọn mang tính cá nhân, các mô hình gia đình “phi truyền thống” này đang đặt ra nhiều vấn đề có ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của đời sống xã hội. 

Mô hình gia đình “đa văn hóa” đã không còn lạ lẫm. Ảnh: LINH SAN
Mô hình gia đình “đa văn hóa” đã không còn lạ lẫm. Ảnh: LINH SAN

Nghiên cứu của nhóm tác giả TS Nguyễn Thị Thanh Thủy (Học viện Phụ nữ Việt Nam) và ThS Đinh Thị Nguyệt (Học viện Hành chính quốc gia) cho biết, số liệu khảo sát năm 2020, có 28,4% số người được hỏi muốn sống chung trước khi kết hôn và 13,3% thích sống độc thân và không có ý định kết hôn. Tỷ lệ này là con số đáng lưu tâm về những tác động của xã hội hiện đại đến giá trị hôn nhân và gia đình của một bộ phận thế hệ trẻ Việt Nam.

Mới đây, TS Tống Thùy Linh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trong nghiên cứu của mình cũng đã công bố, tỷ lệ “gia đình một người” ở thành thị có xu hướng cao hơn khu vực nông thôn và tốc độ gia tăng đạt khoảng 3% trong 10 năm qua. Sự tăng trưởng loại hình gia đình như trên chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi trong xu hướng kết hôn, lựa chọn lối sống độc thân và sự gia tăng người cao tuổi sống đơn thân. 

Rõ ràng xu hướng kết hôn muộn của giới trẻ cùng các tác động đa chiều từ kinh tế, xã hội, văn hóa hình thành lối sống “một mình” không những làm lung lay một số giá trị quan trọng như hôn nhân, mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài tới cơ cấu dân số, những giá trị, chức năng căn bản của gia đình Việt Nam trong hiện tại và cả tương lai. Thực tế này đặt ra vấn đề, các chính sách gia đình, bảo hiểm y tế, an sinh xã hội… cần sớm được xây dựng, sửa đổi cho phù hợp, đón bắt xu hướng dân số ngày càng già đi và sự gia tăng lựa chọn lối sống độc thân của nhiều cá nhân trong xã hội.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng lưu tâm là mô hình gia đình “đa văn hóa”. Mô hình này đang chiếm tỷ lệ rõ ràng hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đó là những gia đình có yếu tố hôn nhân quốc tế, tạo nên gia đình đa văn hóa, góp phần cấu thành tính đa văn hóa của xã hội. Về vấn đề này, tuy chỉ là một báo cáo ngắn của ThS Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ trong một hội thảo chuyên đề, song đã nhận được sự quan tâm của cử tọa. Theo đó, thống kê của Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ, từ năm 2005 đến ngày 31/12/2020, thành phố Cần Thơ có gần 13 nghìn trường hợp kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài. Theo thống kê chưa đầy đủ ở báo cáo này, hiện nay số trẻ em lai Trung Quốc, Hàn Quốc,… tại thành phố Cần Thơ là hơn 1.000 trẻ với nhiều lứa tuổi, phần lớn đang độ tuổi vị thành niên. 

Đây mới chỉ là số liệu tại một địa phương, nhìn rộng trên toàn quốc, tỷ lệ người Việt Nam đi xuất khẩu lao động rồi kết hôn với người nước ngoài vẫn đang tiếp tục gia tăng. Và dù những gia đình “đa văn hóa” ấy định cư ở nước ngoài hay hồi hương, thì đây vẫn cứ là một vấn đề xã hội cần sớm được nhìn nhận, với những vấn đề liên quan chính sách, pháp luật cần lưu ý sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. 

Điều đáng mừng, từ các kết quả nghiên cứu về giá trị gia đình Việt Nam, quan điểm của thế hệ trẻ hiện nay cho thấy, tuy có sự dịch chuyển từ các giá trị gia đình truyền thống sang giá trị gia đình hiện đại, song vẫn có sự bền vững tương đối của văn hóa Việt trong quá trình hiện đại hóa. Gia đình vẫn là một giá trị quan trọng không thể thay thế, phần lớn giới trẻ có xu hướng tin tưởng vào gia đình, bố mẹ cũng như nhận định khá rõ ràng về giá trị hôn nhân, độ tuổi kết hôn, tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời và các yếu tố khác tác động đến đời sống hôn nhân hiện đại.

Tuy nhiên, dù đã được ghi nhận, sự nghiên cứu, tìm hiểu về các mô hình “phi truyền thống” này còn rất sơ khai. Trong khi, sự gia tăng các mô hình này sẽ tác động tới sự phát triển của gia đình, xã hội và kinh tế Việt Nam ra sao? Nhân khẩu học hay những vấn đề mới phát sinh, những khó khăn, thách thức đối với các mô hình gia đình mới này là gì? Tất cả đều cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, và có những dự báo, cảnh báo, sớm có giải pháp, đối sách phù hợp để bảo đảm sự phát triển ổn định của xã hội.