Đòi hỏi rốt ráo từ cơ sở

Từ góc độ của người xây dựng chính sách, người trực tiếp thực hiện và người thụ hưởng đều có những tâm tư, nguyện vọng về sự phát triển tốt hơn nữa của ngành Y tế lao động xã hội.

Đòi hỏi rốt ráo từ cơ sở

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Đề án Phát triển Y tế lao động xã hội đến năm 2030 là đề án quan trọng, nhằm thay đổi toàn diện hệ thống y tế lao động xã hội. Để đạt được mục tiêu đề ra, rất cần sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, các địa phương, người đứng đầu các trung tâm điều dưỡng, trung tâm bảo trợ xã hội, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế...

Trước đây ở trong ngành, các hoạt động y tế vẫn diễn ra, nhưng chất lượng, phương pháp chăm sóc thương, bệnh binh, các đối tượng bảo trợ có đúng quy trình không thì vẫn phải bàn. Nhiều nhân viên trong ngành không được cập nhật kiến thức thường xuyên nên chất lượng chuyên môn chưa cao. Giờ đây, đề án tập trung rất nhiều vào mảng y tế. Một trong những nhiệm vụ chính là đào tạo cho đội ngũ y, bác sĩ, y tá, điều dưỡng… để họ có thêm kiến thức chuyên môn, làm tốt hơn nữa công việc của mình. Y tế lao động xã hội sẽ không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng mà việc chăm sóc về y tế cũng phải được bảo đảm.

--------------------------------------

16_1-1626969634697.jpg
 

Thương binh Phạm Minh Xuân, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Nam

Trong những năm qua, tôi được biết có những thương, bệnh binh không trông chờ, ỷ lại vào chế độ đối với người có công. Nhiều thương, bệnh binh vượt khó, vươn lên cải thiện cuộc sống, làm giàu. Nhiều người còn tích cực tham gia công tác xã hội, thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn. Tuy nhiên tôi cũng xin chia sẻ, việc hỗ trợ y tế cho thương, bệnh binh cũng cần được thực hiện chuyên nghiệp hơn. Bởi thế việc tăng cường đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ, điều dưỡng ở các trung tâm điều dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh là rất cần thiết.

--------------------------------------

16_2-1626969634775.jpg
 

Bà Phạm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng TP Đà Nẵng

Hiện nay, Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng TP Đà Nẵng đang chăm sóc, phụng dưỡng 55 cụ là người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng. Trong công tác điều trị nâng cao thể trạng đối với các cụ, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm thực hiện đổi mới quy trình chăm sóc, điều trị. Theo đó, chúng tôi kết hợp các biện pháp chăm sóc, điều trị đông, tây y kết hợp, bổ sung chất dinh dưỡng, thuốc bổ, tăng cường các bữa ăn tươi, uống nước yến… Trung tâm kết hợp các y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền TP Đà Nẵng để thăm khám định kỳ, căn cứ trên bệnh nền của mỗi người để kê đơn thuốc phù hợp. Đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Trung tâm huy động mọi nguồn lực từ các bộ phận, quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên, triển khai nhiều hoạt động như phun thuốc khử khuẩn, đo thân nhiệt hằng ngày, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, nâng cao dinh dưỡng bổ sung vitamin, tăng cường công tác vật lý trị liệu, tập thể dục thể thao với lịch cụ thể hằng ngày để tăng sức đề kháng cho các cụ.