Định vị giá trị gia đình hiện đại

Điều chỉnh chính sách sát thực tế

PGS, TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khuyến nghị: “Cần lấy phụ nữ, các cấp hội phụ nữ làm hạt nhân, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, giúp từng gia đình và hệ thống chính sách có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức của môi trường khách quan, để gia đình thật sự là gia đình văn hóa, nơi an toàn cho mỗi cá nhân tìm về, vợ chồng bình đẳng, sinh con và giáo dục con cái, thành viên gia đình trách nhiệm với nhau và xã hội…”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đề xuất, trình Chính phủ sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, theo hướng bổ sung ba chính sách lớn: Nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm phối hợp liên ngành trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa về phòng, chống bạo lực gia đình. Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm rõ: “Trong từng chính sách lớn đó, chúng tôi sẽ xây dựng cụ thể các vấn đề cho rõ ràng, phù hợp, bao trùm, nhất là quy chế cho hơn 20 cơ quan phối hợp. Ngoài ra, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã có tổng kết, đánh giá và sẽ có điều chỉnh. Các mục tiêu, chỉ tiêu của gia đình cần đặt trong chủ đề Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 của đất nước”.  

Nâng cao quyền năng kinh tế, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình

6_001_2-1625152085806.jpg TRẦN THỊ HƯƠNG (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) 

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quan tâm vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ, kinh tế số và chủ động tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương, đất nước. Hỗ trợ phụ nữ sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thực hiện chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ.

Chú trọng hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối phù hợp nhu cầu của thị trường. Thêm nữa tạo liên kết với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tham gia thương mại điện tử. Hội cũng tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 939), mở rộng kết nối, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ.

Tiêu chí đánh giá sự phát triển xã hội

6_001_1-1625152085666.jpg Ông LÊ KHÁNH LƯƠNG (Phó Vụ trưởng Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên phạm vi toàn quốc, trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực lồng ghép triển khai công tác gia đình trong công tác quản lý nhà nước, đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan quản lý về gia đình cũng như các bộ, ngành, cơ quan liên quan để việc thực hiện công tác gia đình đạt kết quả cao nhất. Nhưng nhìn chung, bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn khá nhiều điều bất cập. Vì thế cần quan tâm hơn nữa tới việc triển khai công tác gia đình và bình đẳng giới, tăng cường phối hợp liên ngành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ công tác xã hội và bố trí nguồn kinh phí hợp lý nhằm bảo đảm việc triển khai công tác gia đình và bình đẳng giới được thông suốt từ cơ sở tới cấp trung ương.

Giáo dục về nhân cách và hạnh phúc

6_0001-1625152086338.jpg

TS PHAN THỊ HÀ (Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, phân hiệu Vĩnh Long

Gia đình là thể chế đầu tiên quyết định sự hình thành nhân cách của trẻ, đòi hỏi gắn với tình thương, tình yêu gần như tuyệt đối và không vụ lợi. Nên gia đình cần chú trọng giáo dục cả thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức. Trong quá trình giáo dục trong gia đình, nhân cách con người không chỉ được xây dựng, vun trồng mà gia đình còn có chức năng điều tiết sự lệch lạc của mỗi thành viên. Với chuẩn hạnh phúc phổ biến là sự hài lòng với cuộc sống, giáo dục hạnh phúc gia đình thường hướng cá nhân tới tình yêu thương, khoan dung và biết chấp nhận khi thất bại hoặc lúc gặp gian nan.

Trong quan niệm của người Việt Nam, gia đình không đơn thuần chỉ có quan hệ cha mẹ và con cái mà còn có ông bà, cháu chắt, họ hàng quê hương. Những sợi nối tình cảm này luôn tồn tại ẩn sâu trong tâm hồn, khi đúng hoàn cảnh tự biết thức dậy và trở thành sức mạnh. Đây là sức mạnh từ cội nguồn giáo dục gia đình. Như vậy, chính nhờ sự yêu thương, quan tâm, giáo dục trong gia đình cho nên đời sống tinh thần của các thành viên được thỏa mãn, giúp mọi người sống vui, khỏe, có ích. Đó là cơ sở cho sự tiến bộ và hạnh phúc gia đình, cũng chính là điều kiện của tiến bộ và hạnh phúc xã hội.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN: Ngô Phương Thảo, Khúc Hồng Thiện, Nguyễn Văn Học, Hoàng Nghĩa Nam.