Định vị giá trị gia đình hiện đại

Để “bão” dừng sau cánh cửa

Đã có biết bao gia đình lâm vào cảnh lục đục, sứt mẻ, thậm chí tan vỡ bởi nguyên do từ bạo lực gia đình, tổ ấm bỗng chốc thành “tổ lạnh”. Không chỉ bằng những nỗ lực của “người trong cuộc”, nhiều hình thức hỗ trợ, chia sẻ và can thiệp từ cộng đồng đã góp phần lan tỏa yêu thương dưới những mái nhà.

Mang lại hồn nhiên cho tuổi thơ. Ảnh: BẢO CHINH
Mang lại hồn nhiên cho tuổi thơ. Ảnh: BẢO CHINH

Khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt”?!

Xã Kim Bon, huyện Phù Yên (Sơn La) có địa hình chia cắt bởi đồi núi, còn khá nhiều hộ nghèo. Giàng Thị T. và Giàng A Ch. cưới nhau từ năm 13 tuổi theo phong tục “cướp vợ” của người H’Mông. Cả hai người còn đang ở tuổi ăn, tuổi học đã có con sớm nên kinh tế khó khăn. Càng ngày, Giàng A Ch. càng trở nên cục cằn, thường xuyên đánh vợ đến thâm tím mặt mày. Bố mẹ đôi bên khuyên can không được, nhận thấy nguy cơ tan vỡ của gia đình nhỏ, họ đã nhờ chính quyền can thiệp, tổ hòa giải đến tận nhà gặp gỡ, trò chuyện với đôi vợ chồng trẻ. Nghe mọi người phân tích, hai vợ chồng tóc cháy sém bế con ẵm ngửa đã nghe ra, Ch. hứa không đánh vợ và T. hứa không cãi lại chồng nữa.

Sơn La là địa phương có tỷ lệ tảo hôn khá cao, khoảng 13% số cặp vợ chồng. Theo các cơ quan chức năng của tỉnh, mỗi năm địa phương phát hiện từ 130 đến 150 vụ bạo lực gia đình. Nhiều vụ việc đã được hòa giải thành công từ cơ sở song vẫn còn không ít vụ chưa được phát hiện, do người dân vẫn coi đó là “chuyện của mỗi gia đình”.

Ngay ở Thủ đô Hà Nội, bạo lực gia đình cũng không phải là điều hiếm thấy, với hàng trăm vụ mỗi năm, nhiều vụ gây xôn xao dư luận như chuyện anh chồng là võ sư đánh vợ ở quận Long Biên, bé gái ba tuổi (ở quận Đống Đa, Hà Nội) tử vong do chính mẹ ruột và bạn trai của mẹ bạo hành,… Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết: Thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã làm tăng số vụ bạo lực gia đình. Số người phụ nữ tìm đến “Ngôi nhà bình yên” nhờ giúp đỡ cũng tăng, trong đó có người phụ nữ hai con bị chồng đánh đập thậm tệ đã phải nhờ Trung tâm hỗ trợ, cứu giúp.

“Giữ lửa” và lan tỏa

Ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội), bà Ngô Thị Hồng Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đặng Xá là một tấm gương về công tác hòa giải, phòng, chống bạo lực gia đình. Bà Huệ cũng là người sáng lập Câu lạc bộ Gia đình “nói không” với bạo lực, kêu gọi cả phái mạnh tham gia. “Lâu nay chúng ta chủ yếu tuyên truyền cho phụ nữ, trong khi phần lớn số họ là đối tượng bị bạo lực, bạo hành. Nếu kêu gọi cả đàn ông tham gia sinh hoạt, họ yêu thương vợ con hơn, cùng giúp tuyên truyền, nâng cao nhận thức thì hiệu quả sẽ rất cao”. Tính đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm đã nhân rộng 12 mô hình Câu lạc bộ Gia đình “nói không” với bạo lực, trong đó hai mô hình làm điểm tại xã Đặng Xá, 10 mô hình nhân rộng trong năm 2020 tại các xã Đình Xuyên, Phù Đổng, Kim Sơn, Kiêu Kỵ. Bà Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hòa giải từ cơ sở nên các vụ việc bạo lực gia đình trên địa bàn đã giảm. Ở nhiều xã, các chị em hội viên có nhiều kinh nghiệm, cách làm mới giúp cải thiện đời sống văn hóa gia đình. 

Tại các xã Đặng Xá, Yên Viên, Lệ Chi, Kim Lan có sáng kiến xây dựng mô hình cho trẻ em, phụ nữ tham gia làm các sản phẩm hoa mỹ thuật, bồn hoa, vườn hoa bằng rác tái chế, tạo không gian xanh, đẹp mắt. Bà Nguyễn Thị Chung, thôn Hoàng Long (xã Đặng Xá) chia sẻ: “Việc giúp đỡ người bị bạo lực không chỉ là xây dựng các nhà tạm lánh, mà phải tạo dựng môi trường thân thiện, trong lành cho mỗi tổ ấm; tích cực tuyên truyền để góp phần giúp con cái hiếu thuận, vợ chồng thương yêu nhau, cùng tạo nền nếp sinh hoạt tích cực thì niềm vui, hạnh phúc của gia đình mới bền vững”.

Còn bà Quàng Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La chia sẻ quan điểm, một trong những cách giữ lửa gia đình là phát triển kinh tế. Theo bà Vân, đời sống kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc. Bởi vậy, cần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo sự bình đẳng xã hội; phối hợp tổ chức các hội nghị truyền thông, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng xây dựng cuộc sống gia đình cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, thành viên các mô hình tại cộng đồng; nâng cao năng lực mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên tại cộng đồng nhằm cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ chị em phát triển chăn nuôi, làm trang trại nhỏ.