Có phải duyên nhau...
Họa sĩ Bùi Hoài Mai cho đến nay, sau hơn 20 năm thành “người làng” thú nhận một cách vui vẻ, tôi bị người làng Na bắt cóc. Vốn là nhà sưu tập gốm, họa sĩ Bùi Hoài Mai cầm trên tay sản phẩm gốm cổ, ngơ ngẩn nghĩ, các cụ đã làm như thế nào để chế tác ra món gốm mà đời đời sau vẫn mê mẩn làm vậy; “những tác phẩm đục chạm tuyệt vời kia, những bàn tay vô danh kia đã tạo tác nên các tác phẩm sẽ không mất, nó vẫn sẽ tồn tại nếu ta đặt chúng đúng chỗ, đúng không gian dành cho chúng”- suy ngẫm đó của người họa sĩ có thể là nguồn cơn của sự thay đổi, xưởng gốm thay thế cho xưởng vẽ, tự nhiên như tình cờ vậy.
Kỹ thuật làm gốm chung quy lại đều từ sự phối trộn, kết tinh của đất, nước và lửa. Mỗi sản phẩm mang đậm những giá trị văn hóa và nghệ thuật, toát lên từ mầu men tới từng kiểu dáng và họa tiết. Chất men ở gốm Hiên Vân là nét độc đáo riêng có, cơ bản từ kỹ thuật làm men gốm cổ tiêu biểu thời Lý, Trần, với đặc trưng men ngọc, men lam, men nâu. Nom nước men tưởng chừng đơn giản, mộc mạc mà để sở hữu bí quyết là cả một thời gian dài dụng công tìm tòi học hỏi khảo cứu để làm ra chất men đẹp thuần khiết của gốm Hiên Vân đang có.
Ngoài ra, mầu men của gốm Mai thay đổi rất đa dạng về sắc độ: men xanh trong vắt, xanh ngọc bích, xanh cobalt, mầu trắng sữa, trắng đục, hay men nâu mầu mật cháy... các mầu sắc hài hòa với hoạ tiết hình dáng, tạo nên tác phẩm gốm hoàn hảo.
Sống cùng, trò chuyện, quan sát, người họa sĩ càng lúc càng thấy khó rời bỏ mảnh đất bình dị mà mê hoặc này. Từ xưởng vẽ thành xưởng gốm, Mai quy tụ cả cộng đồng nhỏ xúm vào chung tay làm gốm, giờ đây, khi thương hiệu gốm Hiên Vân ra thị trường, có khách hàng và tạo được ngôn ngữ riêng, người họa sĩ lại tiếp tục tìm tòi những sân chơi mới, lôi kéo người nông dân vào cuộc...
Người nông dân tạo cho ta những chiêm nghiệm. Và bất ngờ thú vị từ sự hồn nhiên, dân dã của họ. Tư duy, sự sáng tạo của người nghệ sĩ có bay bổng đến mấy cũng không thể có được điều này. Hiểu được điều đó, gốm Hiên Vân luôn đề cao sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Người làm cho xưởng gốm xưa nay vẫn là con em tại địa phương. Họ được khuyến khích sáng tạo, không có giới hạn nào trong các khâu sản xuất ra sản phẩm cuối cùng.
Tìm hiểu kỹ thuật làm gốm, họa sĩ ngẫm ra, gốm cổ truyền Việt vốn dĩ mang màu sắc dân dã, hồn nhiên, mộc mạc. Anh mải mê tìm tòi, phối trộn các loại đất, kết hợp với những sản phẩm gốm tạo hình ngôn ngữ kiểu dáng khác nhau, có thể mềm mại bóng bẩy, hay thô mộc, vụng về. Chất men cũng là yếu tố được anh chọn lựa kỹ càng, là loại men thuần Việt nguyên liệu từ thiên nhiên như đá vôi, sò biển, tro trấu trộn với đất nung lên như hàng trăm năm trước ông bà ta vẫn làm như vậy.
Thừa hưởng giá trị cốt lõi của gốm Việt cổ, họa sĩ Bùi Hoài Mai tiếp tục thổi vào lò gốm những ý tưởng mới, mang hơi hướng của cuộc sống đương đại. Chính vì vậy, nhìn tổng thể gốm Hiên Vân, người ta thấy sự nhuần nhuyễn, vừa xưa cũ, vừa mới mẻ tân thời, nhưng đầy duyên dáng...
Nếu gốm Nhật hợp với sự tinh tế, thanh nhã, gần với những vần thơ Haiku tối giản ngôn từ, thì gốm Việt tái hiện cuộc sống dân dã, mộc mạc hơn. Vẻ đẹp gốm Việt hoạt hơn, động hơn. Bùi Hoài Mai vẫn ao ước tổ chức được những canh quan họ cổ. Các liền anh liền chị của làng mấy chục năm nay tắt tiếng, làn điệu quan họ cổ của làng lại được khơi dậy, cùng với những nghệ sĩ cổ nhạc ít ỏi còn lại, làm nên những canh quan họ nồng đượm không khí, tâm thức làng với những nước vối, nước chè xanh rót vào chén gốm dân làm ra, ngay dưới sân chùa làng Na, nơi Mai cùng dân làng phục dựng từng chút một trong chục năm qua. Mong ước vậy, đích đến vậy, và anh biết, hạnh phúc là con đường mình chọn đi, chứ không phải là đích đến. Niềm vui từ mỗi ngày sống và làm việc luôn là có thật, luôn hiện hữu trong mỗi ngày anh sống.
![]() |
Họa sĩ Bùi Hoài Mai.
Những bước chân liên thế hệ
Nơi trưng bày gốm Hiên Vân tại Hà Nội là một ngôi biệt thự Pháp cổ trên con ngõ nhỏ, số 8 phố Chân Cầm (Hoàn Kiếm). Họa sĩ Bùi Hoài Mai cho gốm hình hài, nhưng người đưa gốm đến gần hơn với cuộc sống như hôm nay là cậu con trai cả của anh, Bùi Hoài Nam Sơn. Cậu đi qua tuổi nổi loạn với dấu ấn, ảnh hưởng của người bố khá đậm nét. Lớp vỏ bụi bặm ở mặt mũi, tóc tai quần áo của một tay từng mê và chơi rock thật trái ngược, mâu thuẫn với tính cách điềm tĩnh, chu đáo tận tụy của một chủ tiệm gốm giao tiếp với đủ các đối tượng khách hàng. Sơn cởi mở, ham học hỏi và dễ gần. Biết bố mình yêu gốm, tâm huyết, công sức của ông đổ vào gốm quá nhiều; và cậu cũng nhận thấy công việc đó ngốn quá nhiều thời gian và năng lượng của ông, trong khi ông còn quá nhiều việc phải làm. Lần đó, anh đang lông bông theo đuổi vài mục tiêu bâng quơ sau khi rời Trường đại học Sân khấu điện ảnh, thấy bố thổ lộ ý định đóng cửa xưởng gốm, Sơn ngỏ ý xin được tiếp quản. Họa sĩ Bùi Hoài Mai rất vui vì cậu con trai của mình đã biết sống có trách nhiệm, có ý thức sẻ chia, rằng đảm nhận trách nhiệm trông coi xưởng gốm, đồng nghĩa với việc chăm lo cuộc sống cho mười mấy công nhân làm gốm. Đó là chuyện của gần ba năm trước. Nhận trách nhiệm, tầm thời gian này năm ngoái, Sơn quyết định tạo dấu ấn Hiên Vân gốm đến thị trường một cách rõ nét bằng cuộc “ra quân” rầm rộ, tổng thanh lý gần hết kho gốm hiện có. Có thể coi đó là dịp ra mắt rầm rộ đầu tiên của gốm Hiên Vân tới người tiêu dùng.
Sơn vẫn hằng ngày đi về từ xưởng gốm đến tiệm gốm. Cậu tận tụy thuyết minh cho từng khách lẻ đến tiệm về kỹ thuật làm gốm, phân biệt các loại men, hoa văn hoạ tiết... Đối với Sơn, việc mỗi ngày đến tiệm gốm để chia sẻ kiến thức, sự hiểu biết, niềm đam mê gốm, thuyết minh từng sản phẩm đến mọi người cũng hạnh phúc không kém gì bán được hàng. Gọi là men tro vì được làm từ vỏ trấu. Loại sản phẩm hoa văn nổi (ám họa) lấy ý tưởng từ các món đồ cổ, các tác phẩm mỹ thuật hay các bức chạm khắc đình chùa, là thế mạnh của sản phẩm gốm Hiên Vân. Dòng sản phẩm này kỹ thuật phức tạp đòi hỏi người thợ phải khéo léo và tay nghề cao khi xử lý. Khâu vẽ hoa văn, họa tiết lên xương gốm có lẽ là khâu mang đến nhiều cảm xúc thăng hoa nhất bởi tính sáng tạo cá nhân được thể hiện rõ nét. Bên cạnh đó, công đoạn xử lý mầu cũng hay đưa đến cảm giác bất ngờ thú vị. Chất men hoàng thổ họa tiết lá đề rồng, men lam, men lục, vàng, nâu, trắng gạo nếp gắn với mỗi chiếc bình, thạp, tượng, phù điêu hay bát đĩa được trau chuốt bởi đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm.
Một kiểu bất ngờ rất Hiên Vân gốm; ở cái phố nhộn nhịp và căn phòng tĩnh lặng, ở sáng rỡ bên ngoài và tối ẩm bên trong, trong ngóc ngách của căn biệt thự chia nhỏ ấy, mở toang cánh cửa là một thế giới rộn rã tươi vui của gốm, tươi vui và an yên, bởi vì chúng ta đều sinh ra từ đất, như slogan của Hiên Vân gốm được viết bằng nét chữ viết tay mộc mạc trên bức tường loang lổ màu thời gian... Hàng hàng lớp lớp đồ gốm xếp sắp chen chúc trong một gian phòng nhỏ, đưa đến cho người ta cảm giác gần gụi mà không chật hẹp, cảm xúc thăng hoa mà không xa lạ. Chiếc thạp mầu nâu sậm có họa tiết hoa văn người ẩn trong mây, rất được khách hàng ưa chuộng, đang cắm cúc họa mi cuối mùa, sáng bừng một góc nhà.
Bùi Hoài Nam Sơn với cách tư duy của người trẻ đã và đang khơi lối riêng cho gốm Hiên Vân. Cậu tiếp cận, giao lưu với thị trường không chỉ ở tiệm gốm mà còn tìm kiếm những kênh gián tiếp không kém hiệu quả: cậu thiết kế, xây dựng và chăm chút trang web của mình, cậu đầu tư cho bộ nhận diện hình ảnh, từ bao bì mẫu mã, từ dây buộc, từ logo nhãn dán... Chăm chút, tận tuỵ với khách hàng, cũng là một cách tự tôn công việc mà họ và cộng sự đang dồn nhiều tâm sức.
![]() |