Chờ mùa đại hội cổ đông

Trong tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có xu hướng chính là đi ngang, với những dao động trong biên độ 1.000-1.080 điểm. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở tháng 2, ngưỡng tâm lý 1.000 điểm đã hỗ trợ khá tốt trong việc áp lực bán có xu hướng giảm dần đồng thời cầu "bắt đáy" cũng hoạt động tương đối tốt.
0:00 / 0:00
0:00
Vấn đề khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp không còn mới. Ảnh: TTXVN
Vấn đề khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp không còn mới. Ảnh: TTXVN

Hiện nhà đầu tư vẫn cần chú ý rủi ro giảm có thể xuất hiện trong tháng này bởi những thông tin liên quan diễn biến bất lợi hơn kỳ vọng của thị trường trái phiếu bất động sản, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thay đổi bất ngờ về kịch bản nâng lãi suất (dot-plot) trong cuộc họp tháng 3 sau những diễn biến không mấy thuận lợi gần đây của lạm phát, và những kỳ vọng kém khả quan của kết quả kinh doanh quý I/2023. Những thông tin trên, nếu tiêu cực hơn dự kiến, có thể khiến thị trường xuất hiện phiên wash-out (giao dịch giảm điểm mạnh) quanh vùng 1.000 điểm trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Tuy nhiên, đối với kịch bản cơ sở hiện nay, chúng tôi kỳ vọng rằng thị trường sẽ giữ được mức 1.000 điểm khi các thông tin bất lợi là không mới, và nhiều thông tin hỗ trợ đáng chú ý có thể sẽ dần được hé lộ khi mùa công bố kết quả kinh doanh và đại hội cổ đông đang đến gần.

Thêm nữa, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ không còn quá trọng yếu trong tháng 3. Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đang có xu hướng rút ròng kể từ giữa tháng 2 tới nay với tổng giá trị bán ra trong hai tuần gần nhất là khoảng 17 triệu USD, khoảng 400 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, tổng giá trị bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung là khoảng 2.500 tỷ đồng, hàm ý các quỹ chủ động cũng đã đồng thuận trong việc bán ròng với giá trị khoảng hơn 2.100 tỷ đồng.

Diễn biến thị trường tiền tệ trong tháng 2 cho thấy quan điểm điều hành thận trọng của Ngân hàng Nhà nước. Sự thận trọng này là cần thiết và chính sách khó có thể sớm đảo chiều, nhất là đặt trong bối cảnh lãi suất điều hành của Fed chưa phát tín hiệu đạt đỉnh, nhu cầu tín dụng khá thấp trong những tháng đầu năm, và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong những tháng sắp tới vẫn ở mức cao. Với sự hạn chế về dòng tiền từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, chúng tôi giữ quan điểm chỉ số VNIndex khó có thể tăng vượt qua mức đỉnh thiết lập hồi cuối tháng 1. Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, tốc độ mở cửa và phục hồi nhanh hơn của lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc (thông qua chỉ số PMI), sẽ là động lực tăng trưởng/ hồi phục của nhiều ngành nghề kinh doanh mà Việt Nam trực tiếp, gián tiếp chịu ảnh hưởng. Yếu tố này được kỳ vọng giúp các nhịp điều chỉnh của thị trường chưa quá mạnh, ít nhất khi mà mùa công bố kết quả kinh doanh quý I và đại hội đồng cổ đông 2023 đang đến gần.

Trong khi động lực hỗ trợ cho xu hướng tăng bền vững của thị trường chưa rõ ràng, thì rủi ro vỡ nợ, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ phát hành trái phiếu cao, vẫn đang hiện hữu. Vấn đề khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp không còn mới, việc có thêm những tổ chức phát hành không hoàn thành nghĩa vụ với trái chủ là diễn biến có thể lường trước. Ngoài ra, trong thời gian tới khi doanh nghiệp có những giải pháp đàm phán và thu xếp với trái chủ sau khi Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ được sửa đổi, sẽ góp phần giải quyết vấn đề. Cùng với đó, quy mô trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn đã giảm mạnh nhờ hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, rủi ro mất khả năng thanh toán đang được tích lũy và bộc lộ dần nhưng ở mức dự báo được. Khuyến nghị của tháng 3 vẫn là nhà đầu tư cần tiếp tục có chiến lược đầu tư thận trọng.