Quy hoạch điện VIII

Chờ giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu

Tại Quy hoạch điện VIII vừa ban hành, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn từ năm 2021-2030 là khoảng 134,7 tỷ USD. Định hướng giai đoạn 2031-2050, vốn đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD và lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD. Những mục tiêu này được kỳ vọng rất lớn sẽ thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, ngoài nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Luật Điện lực có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Nguồn: EVN
Luật Điện lực có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Nguồn: EVN

Thách thức đã được báo trước

Điểm đáng chú ý nhất khi sửa Luật Điện lực năm 2022 chính là việc điều chỉnh chính sách phát triển điện lực nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh, và tuân thủ theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Tuy vậy, dù Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/1/2022 có sửa đổi, bổ sung một số điều của chín luật, trong đó có Luật Điện lực đã có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2022, nhưng cho tới nay, đã gần 15 tháng trôi qua, vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành.

Còn nhớ khi Luật mới có hiệu lực được sáu tháng, chính các chuyên gia của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương thừa nhận: Có rất nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình luật hóa các quy định, để áp dụng chung cho việc đầu tư vào truyền tải giai đoạn sắp tới. Đó là bởi trước khi sửa đổi vào năm 2022, Luật Điện lực có quy định "Nhà nước độc quyền về truyền tải". Vì thế, các hoạt động đầu tư lưới truyền tải chủ yếu vẫn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị thành viên là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thực hiện.

Khác với nhận định của không ít người về việc tư nhân "sẵn sàng" tham gia truyền tải qua các thí dụ trên, dưới góc độ chuyên ngành lại là một sự thật hoàn toàn khác. Đó là: Các đường dây và trạm biến áp do tư nhân đầu tư "thần tốc" này chỉ nhằm phục vụ truyền tải điện từ chính nhà máy của họ tới điểm đấu nối của EVN (vốn không có Quy hoạch điện nên chưa biết bao giờ mới được đầu tư), nhằm đạt được mục tiêu bắt đầu vận hành thương mại trong khoảng thời gian đã định, để hưởng được mức giá bán điện cao. Từ thực tế này, không ít chuyên gia lo ngại: Việc Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch VIII) được phê duyệt sẽ khiến việc triển khai các dự án truyền tải gặp thách thức không hề nhỏ, khi Quy hoạch VIII chỉ đưa ra danh mục các dự án lưới điện cần đầu tư, chứ chưa xác định rõ dự án nào do EVN là chủ đầu tư, dự án nào do nhà đầu tư ngoài EVN thực hiện.

Ông Đặng Huy Cường, Thành viên Hội đồng thành viên EVN chia sẻ: "Tư nhân đầu tư đường dây cùng nhà máy điện của mình để giải tỏa công suất thì thu hồi được chi phí đầu tư truyền tải thông qua hợp đồng bán điện cho EVN, hoặc từ các nhà đầu tư thuê truyền tải điện của mình tới điểm kết nối để lên lưới quốc gia. Tuy nhiên, nếu chỉ là dự án tăng cường ổn định truyền tải lưới điện, thì ai sẽ là bên trả tiền cho nhà đầu tư?". Trong khi đó, Theo PGS, TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực Miền Bắc, giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong chuỗi giá trị của ngành điện, gồm sản xuất - truyền tải - phân phối, khu vực tư nhân chủ yếu tham gia khâu sản xuất điện (chiếm khoảng 70% chi phí cung cấp điện). Năm 2022, giá truyền tải điện ở Việt Nam quy định là 75 đồng/kWh, năm nào cao cũng chỉ là 100 đồng/kWh. Con số này chỉ bằng 25-30% giá truyền tải tại nhiều nước, nên cơ hội thu hút đầu tư là không nhiều. Với Danh mục không dưới 500 dự án đường dây và trạm biến áp nhiều cấp điện áp khác nhau được ghi tên và tiến độ trong Quy hoạch điện VIII mới ban hành hôm 15/5/2023, có thể thấy vẫn khó để hấp dẫn tư nhân vào đầu tư, nếu không gắn với nhu cầu nhà máy của họ.

Rào cản trước các mục tiêu

Trong khi tiến độ được quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, tổ máy 1 (800 MW) phải vận hành và cấp điện lên lưới quốc gia vào năm 2024; đến năm 2027, toàn bộ công suất thiết kế 3.200 MW của dự án phải đưa vào vận hành, thì Dự án điện khí LNG Bạc Liêu tổng công suất 3.200MW do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (tương đương 93.600 tỷ đồng vào thời điểm trao quyết định đầu tư tháng 1/2020) vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư. "Các công việc liên quan chuẩn bị triển khai Dự án vẫn chưa được hoàn tất, nên không thể bước sang giai đoạn xây dựng nhà máy", một báo cáo gần đây của UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ rõ.

Quy hoạch điện VIII vừa được ban hành nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh/năm. Ở Phụ lục II của Quy hoạch điện VIII cũng đưa ra danh mục cụ thể tên 15 dự án điện khí LNG, trong đó có 11 dự án được ghi chú "Đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh", nghĩa là không cần phải chờ tới khi Quy hoạch Điện VIII được ban hành vào ngày 15/5 vừa qua thì các dự án này mới biết mình là ai, làm ở đâu. Trong số này, có Dự án điện khí LNG Bạc Liêu.

Theo tính toán trước đó của đề án Quy hoạch Điện VIII, giá LNG (quy về năm 2020, không tính trượt giá) đến Việt Nam được dự báo là 10,6 USD/mmBTU giai đoạn 2021-2045 và giá đến nhà máy điện trung bình là 11,8 USD/mmBTU. Với mức này, giá điện sản xuất ra vào khoảng 9,2 UScent/kWh - cao hơn khoảng 1,1 UScent/kWh so chi phí sản xuất điện bình quân của hệ thống hiện nay. Giá bán lẻ điện bình quân tại Việt Nam của EVN cho các hộ tiêu thụ mới dừng lại ở mức 8 UScent/kWh, nên càng mua điện EVN sẽ càng lỗ. Chưa kể thực tế năm 2022 EVN đang báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng cùng 15.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá "chưa biết nhìn vào đâu để bù". Trong khi năm 2023, giá điện tăng thêm 3% từ tháng 5 chỉ giúp thu thêm được tổng cộng 8.000 tỷ đồng, hiển nhiên chưa đủ bù lỗ cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện của năm 2023.

Rõ ràng, những trở ngại, vướng mắc tại các dự án truyền tải hay các dự án điện khí LNG nói trên là rào cản đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch điện VIII vừa được ban hành. Nếu không có các giải pháp cụ thể, thiết thực thì mục tiêu thu hút vốn trong giai đoạn 2021-2030 là 134,7 tỷ đồng cho cả nguồn và lưới điện truyền tải, và từ 399,2-523,1 tỷ USD cho giai đoạn 2031-2050 sẽ khó thành hiện thực.