Chờ để được bay

Đó là ngày thứ ba tôi kẹt lại Panama, sau khi vui chơi ở đất nước này 10 ngày. Sự nhầm lẫn giữa Panamá Pacífico International Airport với Tocuman Airport, sự đủng đỉnh cố hữu phong cách Mỹ latin của nhân viên mặt đất, cùng những quy định giời ơi… khiến tôi ba lần ngậm ngùi nhìn máy bay bay mất, còn mình thì vẫn ở lại với cái sân bay chỉ có năm nhân viên và thứ dịch vụ duy nhất là một máy bán nước tự động

Cầu Las Americanas bắc qua kênh đào Panama nhìn từ đỉnh Ancon.
Cầu Las Americanas bắc qua kênh đào Panama nhìn từ đỉnh Ancon.

Ba ngày, buổi sáng tôi phải ở sân bay, chờ xem người ta có thể xếp một vé cho mình không, buổi chiều tôi lại về trung tâm thành phố, đi nhờ bác lái xe già ế khách. Thẻ visa của tôi đã bị khóa, bởi cây ATM ở Panama chỉ cho nhập mật khẩu bốn số, mà tôi đã nhập quen tay sáu số tới ba lần. Túi tôi chỉ còn 20 USD. Từ chỗ ở một phòng hostel có nhà tắm riêng giá 20 USD/đêm, tôi chuyển xuống "ở dorm" cùng các cô phục vụ và các bác thợ máy, chỉ 2 USD/dorm. Bữa sáng ăn cùng các bác thợ, bánh mì họ mời, bữa trưa ăn cơm cùng bác cảnh sát và bác lái taxi ở sân bay, tôi chỉ cần chi tiền cho bữa tối, cùng một vài chi phí in ấn tài liệu theo yêu cầu hải quan.

"20 USD vẫn đủ để ăn tối và uống hẳn một chai bia", bác thợ máy già nhất an ủi. Đó là một người da đen nghe nói có tổ tiên từng tới Panama xây kênh đào. Bác không có nhà, căn nhà ở Casco Vieja - giống như phố cổ Hà Nội - bác đã bán cho một tay chủ đầu tư khách sạn nào đó, bởi nó chỉ còn cái tường bao ngoài ra vẻ cho mang phong cách phố cổ như tiêu chuẩn của UNESCO, "bên trong đã bị phá hủy gần hết". Họ làm việc chủ yếu vào buổi tối. Ban ngày, họ rảnh rang uống bia và tán chuyện, thậm chí đánh ghen, hò hét.

Ừ thì ăn tối. Tôi vẫn thong dong bước vào một tiệm ăn ở Casco Vieja. Anh chủ quán nghe tôi đọc tên món ăn bằng vốn tiếng Tây Ban Nha nghèo nàn, hờ hững: "Người nước ngoài hả, nước nào đấy?", "Việt Nam", "Mày là người Việt Nam hả? Chúng mày ơi lại đây, có một đứa người Việt Nam!". Rồi anh hoa chân múa tay nói liên hồi, mà tôi loáng thoáng hiểu là anh ấy đang kể về chiến tranh Việt Nam, về Hồ Chí Minh. Anh hào hứng: "Này Hồ Chí Minh rất vĩ đại, ông ấy đánh thắng Pháp, thắng Mỹ, ôi, tận Việt Nam cơ đấy!". Sau đó thì bàn ăn tiết kiệm của tôi bỗng có thêm cốc nước carrot và một cái bánh.

Hôm cuối ở Panama, sau khi nhân viên sân bay nói rằng tôi đã có vé, rằng chắc chắn ngày mai 12 giờ tôi sẽ được bay, bác lái taxi hỏi tôi muốn leo lên đồi Ancon, nơi cao nhất thành phố, không? Tôi gật đầu. Mây rất đẹp. Từ trên đỉnh đồi, tôi nhìn được cả con kênh đào bao quanh thành phố, cùng cây cầu Las Americanas. Bác lái taxi cười: "Này, hay là nhờ mày mà hôm nay cảnh đẹp thế nhỉ? Tao lái xe 30 năm cũng chưa từng được thấy rõ cảnh thế này đâu". Điều đó khiến tôi đỡ áy náy, vì chẳng có xu nào để trả cho bác mấy ngày qua.

Tối đó, tôi còn trở nên giàu có bất ngờ. Một cô bạn gốc Panama tôi từng gặp 12 năm trước đã nhận tin nhắn kể lể của tôi qua WhatsApp. Cô ấy đã rời Panama hơn 10 năm, nhưng đã nhờ được bạn của bạn, của bạn nào đó, mang đến cho tôi 100 USD. Thế là tôi đã rủng rỉnh để trả tiền taxi mấy hôm, mời tất cả những người quen biết một bữa bia, 1 USD/chai. Tôi vẫn còn 15 USD cho tới khi đặt chân tới sân bay tiếp theo. Hai năm sau, khi cô ấy sang Việt Nam, chúng tôi mới gặp lại và tôi mới trả xong nợ.

Nếu có một ai đó, ngày rời đi mà cả sân bay lẫn một góc Casco Vieja vỗ tay tiễn biệt, thì chính là tôi đấy.