Cây đa nhà 71 Hàng Trống ngày ấy

Hà Nội là thành phố có hệ cây xanh phong phú, đa dạng về chủng loại, trồng quanh hồ Gươm, trên các đường phố lớn như sấu, xà cừ, phượng vĩ, bằng lăng… mà trong số đó có nhiều cây đa cổ thụ vài trăm tuổi, như cây đa ở đền Bà Kiệu trên đường Đinh Tiên Hoàng… mà đặc biệt nhất là cây đa trong khuôn viên nhà 71 phố Hàng Trống, nơi đặt trụ sở Báo Nhân Dân từ sau tiếp quản 1954 cho đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cây đa hơn 300 tuổi trong khuôn viên tòa soạn Báo Nhân Dân. Ảnh: KHIẾU MINH
Cây đa hơn 300 tuổi trong khuôn viên tòa soạn Báo Nhân Dân. Ảnh: KHIẾU MINH

1/Tôi còn nhớ, vào khoảng năm đầu 1980 của thế kỷ trước, có lần được hầu chuyện kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật (người tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước 1940, Viện trưởng đầu tiên của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, nay đã mất) ông có kể cho tôi nghe về lịch sử cây đa này mà ông gọi là “Cụ đa”. Theo ông, so với hơn 700 cây đa cổ thụ khác ở nội thành Hà Nội, thì đây là cây đa lâu năm nhất xứ Đông Dương, phải hơn 300 tuổi, cùng thời xây dựng chùa Báo Ân, nằm trên khu đất mà sau này ông nghè yêu nước Vũ Tông Phan mở trường học Hồ Đình vào năm 1826.

Khi người Pháp quy hoạch, làm đường vòng quanh hồ Gươm, dân các làng phải chuyển đi nơi khác. Trường Hồ Đình cũng giải tán. Khu đất bị người Pháp giải tỏa, cây cối bị chặt phá hết để lấy mặt bằng xây dựng công trình. Vậy mà, riêng cây đa vẫn tồn tại. Có lẽ do thấy cây đa lâu niên có dáng đẹp, lại vận câu dân gian của người Việt “Thần cây đa, ma cây gạo” nên người ta không nỡ chặt để mong điều tốt lành cho quá trình xây cất, mở mang khu vực hồ Gươm (?!).

Dù lý do nào chăng nữa, thì trải qua bao biến thiên của thời cuộc, đến giờ cây đa vẫn cứ phát triển xanh tốt, vững chãi như một chứng nhân của lịch sử thành phố. Thân cây đa có chu vi khoảng 20m, cao hơn 30m, nhiều cành to đến 60cm, vòm lá xòe rộng xanh mướt, đan xen nhau tạo thành một tán lá khổng lồ. Cây đa đã tạo nên một môi trường sinh thái trong lành, mát mẻ không chỉ cho những người làm việc tại trụ sở Báo Nhân Dân, mà còn là nơi trú ngụ an toàn cho một số loài chim thú như chồn, sóc, tắc kè… Giữa Hà Nội đông đúc, ồn ào người xe thì vị trí cây đa cổ thụ quả là hiếm lắm.

2/Với tôi, cách đây 40 năm, có một kỷ niệm nhỏ nhưng rất ấn tượng vì đã may mắn được gặp, trò chuyện với Tổng Biên tập báo Đảng và cũng là Trưởng Ban Tuyên huấn T.Ư Hoàng Tùng ngay dưới cây đa này. Đấy là một sáng mùa hè, cuối tháng 7/1982. Khi ấy tôi là cán bộ trẻ của Văn phòng Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, ở 23 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Chiều hôm trước, kiến trúc sư Cao Xuân Hưởng, Chánh Văn phòng Đoàn bảo tôi, trên Ban Tuyên huấn T.Ư vừa điện thoại báo, 9 giờ sáng mai, ông Hoàng Tùng sẽ dành thời gian để nghe ta báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ III tại trụ sở Báo Nhân Dân. Mai cậu đi với mình và nhớ mang theo đầy đủ tài liệu chuẩn bị Đại hội để trình Trưởng ban cho ý kiến. Sáng hôm sau, 8 giờ 30 phút, chúng tôi đến 71 Hàng Trống, trụ sở Báo Nhân Dân, đồng chí thư ký riêng của ông Hoàng Tùng đã đứng đón ở cổng thường trực. Dựng cái xe đạp, ngước nhìn thì đã thấy ông Hoàng Tùng đang đi lại dưới gốc đa rồi, dáng thong thả như suy nghĩ về vấn đề gì đó. Anh thư ký khẽ nhắc chúng tôi, Thủ trưởng bận lắm, chỉ có hơn tiếng thôi, nên các anh báo cáo ngắn gọn nhé.

Nhìn thấy anh Cao Xuân Hưởng, ông niềm nở bắt tay và nói, lần trước tôi đã làm việc với anh Tiềm, anh Quỳnh trong Ban Thường vụ về nhân sự Đại hội ở trên Ban rồi. Lần này ta làm việc ở đây cho tiện đi lại, không khí mát lành hơn là ngồi trong phòng, kiến trúc sư có nhất trí không? Tất cả cùng cười. Rồi ông bảo mọi người ngồi xuống mấy cái ghế đẩu kê ngay dưới gốc đa.

Sau khi nghe kiến trúc sư Cao Xuân Hưởng báo cáo tổng quan công tác chuẩn bị Đại hội, đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị, ông gật đầu hài lòng. Ông bảo, về cơ bản Báo cáo đã đầy đủ, có một vài ý cần làm rõ tôi vừa sửa trực tiếp vào đó rồi. Còn công tác chuẩn bị thế là tốt, văn phòng phải quan tâm đón tiếp chu đáo các đại biểu từ địa phương về dự Đại hội, đặc biệt là anh chị em từ Thành phố Hồ Chí Minh ra. Đại hội lần này Trung ương nhất trí để Đoàn kiến trúc sư đổi tên thành Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho thống nhất với các hội trên cả nước. Ông nhấn mạnh, Đại hội có ý nghĩa đặc biệt vì là đại hội đầu tiên sau khi nước nhà thống nhất, lần đầu tiên các kiến trúc sư miền nam được ra bắc dự đại hội. Vì thế, đại hội phải đề cao vai trò đoàn kết kiến trúc sư ở cả ba miền bắc-trung-nam.

Kết thúc làm việc, khi tiễn chúng tôi ông còn ân cần căn dặn, chúng ta phải làm tốt công tác trí vận, tập hợp kiến trúc sư cả nước dưới mái nhà chung là Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đoàn kết, dân chủ trong hoạt động hội là việc rất quan trọng. Có như thế mới tạo thành một khối thống nhất, phát huy được sáng tạo của kiến trúc sư để đóng góp vào tái thiết đất nước. Bốn tháng sau, tháng 11 năm đó, Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ III đã được tổ chức thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đại hội đã vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng ban Tuyên huấn kiêm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Hoàng Tùng và nhiều vị lãnh đạo ở T.Ư và Hà Nội đến dự. Tại Đại hội này, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã được Đại hội vinh danh bầu làm Chủ tịch Hội. Và Đoàn kiến trúc sư Việt Nam cũng được đổi tên thành Hội Kiến trúc sư Việt Nam từ ngày đó.

Hơn 40 năm đã đi qua. Kỷ niệm nhỏ về buổi gặp nhà cách mạng, nhà báo Hoàng Tùng dưới gốc đa cổ thụ ở trụ sở Báo Nhân Dân cùng những lời dặn dò của ông năm ấy vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Bây giờ, thi thoảng tôi vẫn đến đây vì việc này, việc khác và lần nào cũng vậy tôi cứ ngắm nhìn cái vòm xanh lồng lộng của cây đa cổ thụ hơn 300 tuổi kia xoải bóng râm mát và lảnh lót tiếng chim lại nhớ đến nhà báo lão thành, nhà cách mạng Hoàng Tùng đáng kính.