Cảnh tiên Bản Giốc

Nhắc đến Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng), hầu như ai cũng biết đó là thác nước mệnh danh hùng vĩ của Việt Nam, không những thế còn ít khi vắng mặt trong các bảng xếp hạng thác nước “thiên đường” của thế giới. Tạp chí địa lý nổi tiếng National Geographic mới đây cũng bầu chọn nơi đây là một trong bảy điểm đến hấp dẫn nhất châu Á năm 2017. Bản Giốc đẹp đến thế nào, chúng tôi đã có câu trả lời trong một chuyến “phượt” cuối mùa thu.

Cảnh tiên Bản Giốc

Từ TP Cao Bằng đến Bản Giốc chừng 80 cây số, đi qua bao nhiêu làng mạc, sông suối xanh tươi. Nhất là đoạn ngang qua đèo Mã Phục, huyện Trà Lĩnh, thật đẹp đến nao lòng, với hai bên đường là màu vàng ươm của gốc rạ cuối mùa gặt nổi bật trên nền xanh xám của những dãy núi đá vôi nhấp nhô mang dáng dấp đàn ngựa đang quỳ phục (con đèo này cũng có hẳn một truyền thuyết riêng, rất ly kỳ). Những vạt tam giác mạch, dã quỳ trổ bông đầy trong thung lũng. Những chiếc “cọn” (guồng nước) đặc trưng của đồng bào vùng cao cần mẫn quay đều, quay đều theo nhịp thời gian…

Người ta nói đi Bản Giốc vào bất kỳ mùa nào trong năm cũng đẹp, tôi tin vậy bởi kể cả vào một ngày mùa khô, thác vẫn khiến du khách phải choáng ngợp trước dòng nước đầy ắp trải rộng cả trăm mét, bọt tung trắng xóa.

Những cột nước khổng lồ đổ xuống từ khoảng cách 60 - 70 m, tạo nên màn sương li ti mát lạnh bao phủ cả một góc núi rừng. Thế nhưng hồ nước dưới chân thác lại cứ xanh ngăn ngắt, không bị đục.

Vào những ngày nắng, làn hơi nước bốc lên gặp ánh sáng còn có thể tạo thành cầu vồng lung linh huyền ảo, được giới nhiếp ảnh say mê săn lùng.

Thác Bản Giốc chia thành hai nhánh: nhánh lớn rộng nhưng thấp hơn, chảy len lỏi qua từng bậc đá vôi; nhánh còn lại nhỏ nhưng lại cao, buông mình xuống ầm ì từ vách núi. Muốn khám phá thác ở nhiều góc nhìn khác nhau, chúng tôi thích vận động, khám phá nên men theo lối mòn cạnh cột mốc biên giới giữa hai dòng thác để leo lên từng bậc cao hơn. Tuy nhiên, trải nghiệm này đòi hỏi thể lực và kinh nghiệm, cũng như phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân để xuất trình lực lượng biên phòng.

Và dĩ nhiên, những kỳ quan tự nhiên thế này luôn gắn với một câu chuyện dân gian truyền qua nhiều đời, hoặc khí thế hào hùng... Quanh khu vực thác, người Tày chiếm đa số, sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, ngô, khai thác thủy sản.

Bản Giốc ngày nay đón nhiều khách du lịch, dần dần một số hộ đã dựng lán làm dịch vụ nghỉ ngơi, trông xe, ăn uống…, song vẫn còn tự phát, sơ khai. Ngoài thác Bản Giốc, Trùng Khánh còn có nhiều điểm tham quan mà du khách có thể kết hợp ghé thăm để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của vùng đất này, như: chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc nằm trên núi Phia Nhằm ngay cạnh thác, động Ngườm Ngao cách thác khoảng ba cây số... Còn gì thú vị hơn được nằm dài trên bãi cỏ xanh mượt, lắng nghe những âm thanh trong trẻo của nước và ngắm nhìn cảnh đẹp núi non thanh bình như chốn bồng lai của thác Bản Giốc. Chia tay Bản Giốc, ra về, ngoài bao nhiêu xúc cảm và những tấm ảnh đẹp, đừng quên mang theo chút hương vị Cao Bằng làm quà cho người thân: xôi trám, vịt quay, hạt dẻ Trùng Khánh…