Phục hồi từ đại dịch

Cần sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu

Đã đến lúc Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014) cần được sửa đổi toàn diện để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy cần phải sửa đổi Luật Đấu thầu để đáp ứng đòi hỏi cấp bách trong việc mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: CTV
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy cần phải sửa đổi Luật Đấu thầu để đáp ứng đòi hỏi cấp bách trong việc mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: CTV

Tiết kiệm hơn, thực thi dễ dàng hơn

Mặc dù việc thực hiện Luật Đấu thầu trong gần tám năm qua đã góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước, song theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự luật sửa đổi, thực tiễn hiện nay đã có nhiều thay đổi. Nhiều đạo luật có liên quan đến Luật Đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung hoặc được ban hành sau khi Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XIII ban hành như Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Kiến trúc, Luật Đầu tư theo đối tác công-tư (PPP). Điều này cũng có nghĩa là nếu muốn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không thể không sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu thầu có liên quan đến các đạo luật này.

Quan trọng không kém, đúng như ý kiến của nhiều đại biểu phát biểu tại nghị trường kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy rõ ràng hơn bao giờ hết yêu cầu phải sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật đấu thầu để đáp ứng đòi hỏi cấp bách trong việc mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Không chỉ cải tiến quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa công trình vào khai thác, kịp thời phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội mà sự minh bạch và dễ thực thi của Luật này rất có thể tránh cho một số bác sĩ giỏi làm nhiệm vụ quản lý bệnh viện công vướng vào vòng lao lý.

Hay như đấu thầu qua mạng, một nội dung rất tiến bộ của Luật Đấu thầu so với giai đoạn trước đó. Chỉ riêng trong năm 2020, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng tăng hơn 2,4 lần so năm 2019; tổng giá trị các gói thầu tăng hơn 2,5 lần (đạt 303.236 tỷ đồng so 120.321 tỷ đồng). Tính ra, năm 2020, đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm khoảng 1.725 tỷ đồng chi phí hành chính trực tiếp, trong đó, số chi phí hành chính mà nhà thầu tiết kiệm được lên tới 1.225 tỷ đồng…

Quy mô các gói thầu được đấu thầu qua mạng tiếp tục tăng, nhiều gói thầu nghìn tỷ đồng đã thực hiện đấu thầu qua mạng như gói thầu thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng có giá trị 3.108 tỷ đồng; gói thầu cung cấp sữa học đường cho các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025 có giá trị 1.357 tỷ đồng... Có những gói thầu có tính cạnh tranh cao với nhiều nhà thầu tham gia như gói thầu thuộc lĩnh vực hàng hóa của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, chi nhánh Tổng công ty Phát điện 1 có 26 nhà thầu tham dự; gói thầu xây lắp của Trường đại học Tài chính có 22 nhà thầu tham dự; gói thầu phi tư vấn của Bệnh viện Hùng Vương có 17 nhà thầu tham dự… cũng được thực hiện qua mạng.

Thế nhưng, Luật Đấu thầu mới chỉ có các quy định mang tính nguyên tắc về việc thực hiện đấu thầu qua mạng; quy trình chi tiết thực hiện đấu thầu qua mạng được giao cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy trình về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho phù hợp phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong đấu thầu; luật hóa các quy định về đấu thầu qua mạng nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này.

Nâng cao hiệu lực xử lý vi phạm

Vẫn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng vi phạm pháp luật về đấu thầu nhìn chung có chiều hướng giảm, nhưng hành vi "thông thầu" vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi ở không ít dự án, gói thầu, trong khi Luật Đấu thầu hiện chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Luật cũng chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư mà chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền (là các bên quan trọng trong việc quyết định đến tính hiệu quả, minh bạch trong đấu thầu)…

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình; quy định cụ thể hơn nữa trách nhiệm của các bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đấu thầu. "Sẽ quy định phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho chủ đầu tư thay cho người có thẩm quyền như hiện nay; bỏ các bước thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu. Thay vào đó, bổ sung trách nhiệm xem xét hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của cơ quan quản lý về đấu thầu ở các bộ, ngành, địa phương trong một khoảng thời gian nhất định trước khi bên mời thầu phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu", ông Phương giải thích.

Về cách thức, việc xem xét nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của cơ quan quản lý về đấu thầu và phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư sẽ thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tiết kiệm thời gian và bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Cũng với mục đích tăng cường trách nhiệm giải trình; thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán… trong đấu thầu, dự kiến sẽ bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình của các bên tham gia trực tiếp vào quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tương ứng với quyền được giao; cụ thể hóa quy trình kiểm tra, giám sát cũng như các quy định về hậu thanh tra, kiểm tra, giám sát, góp phần thực hiện phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chế tài xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu… cũng sẽ được bổ sung.

Nhận diện và xử lý những bất cập này càng sớm, càng toàn diện sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế sớm hồi phục và phát triển bền vững, đồng thời cũng góp phần tạo dựng một xã hội pháp quyền minh bạch và công bằng. Nếu mọi việc suôn sẻ đúng kế hoạch, dự thảo Luật sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).