Sáng tác cho thiếu nhi

Cần rút ngắn “khoảng cách thế hệ”

Ngày Quốc tế thiếu nhi, Lễ trao giải thưởng Dế Mèn lần thứ ba. Rồi kỷ niệm 65 năm thành lập NXB Kim Đồng... Muốn hay không, tháng 6 này vẫn là một tháng đậm đặc các sự kiện gắn với những sáng tác cho thiếu nhi. Ở đó, một câu hỏi không mới, nhưng cũng rất khó định lượng lại được nhắc tới: “Chúng ta đã thật sự hiểu thiếu nhi để mang lại đúng những thứ các em cần?”.

Khi độc giả Bảo Châu nhận xét các tác giả còn ít viết về góc khuất và áp lực của tuổi mới lớn, nhà văn Thùy Dương thừa nhận: “Đó là góc mà chúng tôi còn thiếu”.
Khi độc giả Bảo Châu nhận xét các tác giả còn ít viết về góc khuất và áp lực của tuổi mới lớn, nhà văn Thùy Dương thừa nhận: “Đó là góc mà chúng tôi còn thiếu”.

Khi trẻ em “đặt hàng”

Trong khuôn khổ Lễ trao giải thưởng Dế Mèn lần thứ ba vừa diễn ra vào ngày 31/5, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo kể lại câu chuyện vui. Ở một buổi giao lưu, ông được các em học sinh gửi tới câu hỏi rất thật thà: Vì sao các bác hay dùng câu “vì tương lai con em chúng ta” mà không vì chúng cháu ngay từ bây giờ? “Nghĩ lại thì đúng. Tương lai là thứ có thể đến, nhưng cũng có thể không bao giờ, hoặc chỉ đến khi các em đã bước qua lứa tuổi thiếu nhi” - nhà thơ chia sẻ - “Lúc ấy, các em đâu còn có thể tìm thấy những niềm vui mà người viết cần mang lại cho các em ở độ tuổi này?”.

Chuyện vui, nhưng những gì được kể ít nhiều liên quan tới một thực tế đã được các nhà phê bình chỉ ra từ lâu: Những thói quen tư duy của người lớn hiện vẫn có độ “vênh” - và xa hơn là sự áp đặt - so với sự tiếp nhận sáng tác văn học của trẻ em. Và điều ấy lại càng đúng trong bối cảnh hiện tại, khi trẻ em bây giờ cũng khác nhiều so với khi xưa, nhạy bén và năng động hơn, nhưng cũng dễ tổn thương và lạc bước trước những vấn đề mới nảy sinh từ thực tế.

Cần rút ngắn “khoảng cách thế hệ” -0
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trao giải cho tác giả An Băng (9 tuổi) tại lễ trao giải Dế Mèn lần thứ ba. 

Và câu chuyện ấy lại được cụ thể hóa một lần nữa trong buổi giao lưu Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ do NXB Kim Đồng tổ chức vào đầu tháng 6 vừa rồi. Ở đó, khi được đề nghị đưa ra “đặt hàng”, nhiều độc giả nhí đã có dịp bộc bạch nhiều nguyện vọng.

“Em thích có nhiều bộ truyện Việt Nam về thế giới phép thuật giống như Harry Potter”. “Em thích được đọc sách về cuộc sống của những con vật”. “Em thích có sách về tâm lý của chúng em trong đại dịch Covid-19 và cả sau đó”... Đó là những lời tâm sự thẳng thắn tại khán phòng, hoặc qua clip gửi tới buổi giao lưu.

Đặc biệt, ở độ tuổi thiếu niên, chia sẻ của một bạn gái có tên Bảo Châu đã khiến nhiều tác giả có mặt phải suy tư. Như lời em, các tác phẩm viết cho thiếu niên hiện vẫn thiên về những ngây thơ đầu đời, những trong trẻo của tuổi mới lớn mà thiếu vắng một số mảng thực tế khác. “Tuổi mới lớn bây giờ còn có những áp lực về học hành, về khoảng cách với gia đình cha mẹ, về mong muốn được khẳng định mình và cả những vấp ngã đầu đời” - Châu nói - “Chúng em rất ít được đọc tác phẩm về những điều như vậy, để có thêm sự đồng cảm và được an ủi rằng cuộc sống ngoài kia cũng có nhiều bạn như mình, rằng tất cả cần cố gắng để vượt qua những suy nghĩ tiêu cực hay hơi hướng nổi loạn nhất thời...”.

Và trẻ em cầm bút

Trở lại với Dế Mèn - giải thưởng dành cho sáng tác thiếu nhi thường niên do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức từ năm 2020, dù mở rộng tới nhiều lĩnh vực nghệ thuật nhưng sau ba lần diễn ra, tác phẩm văn học vẫn chiếm dung lượng lớn trong số các sáng tác vào chung khảo. Đáng nói hơn, bên cạnh những đầu sách đến từ đội ngũ tác giả chuyên nghiệp viết cho thiếu nhi, ban tổ chức cũng rất chú tâm tìm kiếm tác phẩm của những cây viết nhí.

Nếu mùa giải Dế Mèn đầu tiên năm 2020 có một Cao Khải An (12 tuổi ở Cà Mau) thấm đẫm nhân sinh và già dặn đến không ngờ với truyện dài Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm thì giải năm nay lại tìm được một Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi, ở Hà Nội) với chùm bốn truyện ngắn đồng thoại độc đáo khiến Hội đồng giám khảo “giật mình” vì cả bốn đều có diễn biến rất bất ngờ. Và đó là cái bất ngờ không đến từ sự sắp đặt của người viết nhà nghề mà đến từ sự trong sáng thuần khiết của tư duy trẻ em, khi nhìn ra những sống động có hồn cốt trong một vài sự vật rất đỗi bình thường.

Những gì được chia sẻ khiến nhiều người nhớ tới Nguyễn Khang Thịnh (13 tuổi), từng nhận giải Sách hay năm 2020 với Nhật ký của nhóm Alvin siêu quậy. Rồi, xa hơn, lác đác trong những năm qua, đời sống xuất bản cũng đã xuất hiện những tiểu thuyết giả tưởng như Cuộc chiến với hành tinh Fantom của tác giả Nguyễn Bình (10 tuổi), tập truyện và tản văn Thư gửi người thiên cổ của Nguyễn Hoàng Trâm Anh (12 tuổi), tập truyện Nụ cười của thiên thần của Đan Thi (12 tuổi) hay những tập thơ của Đặng Chân Nhân (14 tuổi), Ngô Gia Thiên An (12 tuổi)... Ở đó, sáng tác của những tác giả nhí vẫn luôn cho thấy một sức hút riêng, khi viết từ góc nhìn và mở ra thế giới của chính mình.

Đáng nói, với sự phát triển theo thời gian, những sáng tác ấy ngày càng có xu hướng chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Điển hình, theo Hội đồng giám khảo, giải Dế Mèn năm nay đã nhận được một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài ba tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em viết truyện dài trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh.

“Đặc biệt, có những tác phẩm được các em nhỏ phối hợp triển khai như một dự án. Từ ý tưởng của người cầm trịch, các em phân nhau lần lượt viết lời, vẽ tranh, dịch sang tiếng Anh” -PGS, TS Văn Giá, thành viên Hội đồng giám khảo, cho biết - “Đây là nét mới và cần được nhân rộng để trẻ em tham gia với tất cả niềm yêu thích, phát huy sở trường của mình”.

Rút ngắn khoảng cách

Không thể thay thế phần sáng tác chuyên nghiệp nhưng rõ ràng những trang viết từ các tác giả nhỏ tuổi là một “kênh” tham khảo hữu hiệu để đội ngũ cầm bút có thể tạm gác bỏ sự tri nhận của mình và đồng hành, bắt nhịp cùng khối óc và những cảm xúc của trẻ em. Tương tự, những phản hồi và chia sẻ từ các em luôn cần được nhân rộng để các tác giả nắm bắt và thu hẹp dần khoảng cách về thế hệ.

“Không phải các tác giả chỉ viết những điều mình muốn chứ không phải thứ các em thích đọc” - nhà văn Trần Đức Tiến, người vừa biên tập bộ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng, phân tích thêm, “nhưng có điều, viết cho thiếu nhi, các cây bút thường chủ yếu khai thác những gì mình trải nghiệm hoặc những ký ức thời trẻ của chính bản thân. Mà rõ ràng, tuổi thơ của những cây bút ấy khác xa so với những gì các em trải qua bây giờ”.

Hoặc như chia sẻ của nữ nhà văn Thùy Dương, những tâm sự của độc giả Bảo Châu phần nào chạm tới phần mà nhiều cây viết cho trẻ em còn thiếu trong sáng tác. “Nhiều lúc tôi nghĩ, trẻ em bây giờ thiệt thòi hơn chúng ta ngày xưa vốn được học ít hơn, có thời gian để hiểu về thiên nhiên, về con người chung quanh, thậm chí tham gia những trò chơi tưởng chừng vô bổ nhưng lại rất ý nghĩa.” - chị nói - “còn các em bây giờ có phần bị bó buộc trong khuôn mẫu với nhiều áp lực, bởi người lớn đặt quá nhiều áp lực lên vai mình. Bởi thế, chắc từ nay, khi cầm bút, tôi sẽ nghĩ nhiều tới những sẻ chia như vậy”.

Còn PGS, TS Văn Giá lại tỏ ra đặc biệt ấn tượng với một chi tiết trong Emma thảm họa, cuốn sách của Quyên Gavoye được vinh danh tại giải Dế Mèn vừa rồi. Đó là tình huống hai học sinh va vào nhau trên sân trường, bị thương và phải nhập viện. Một câu chuyện như thế vẫn xảy ra đây đó trong cuộc sống, và chúng ta thường giải quyết ở những vấn đề của người lớn, thăm hỏi, động viên hay phân định lỗi tại ai. Còn với Emma thảm họa, một vấn đề rất quan trọng nữa được đặt ra: Phải chữa lành những chấn thương tâm lý cho hai nạn nhân và cho cả những học sinh khác vô tình phải chứng kiến cảnh tai nạn ấy.

“Phần quan sát của chúng ta trong ngày hôm nay thường không chú ý, hoặc né tránh những vấn đề như vậy và vô tình bỏ qua việc đánh thức cảm xúc nhân văn trong mỗi đứa trẻ. Đó là điều cần thay đổi” - ông nói.