Mùi vị ký ức

Cái lạnh lén qua vội vội

Năm nay lạ thế! Vào Hạ cả tháng rồi mà Hà Nội vẫn có những ngày hiu hiu lạnh. Chắc thương nàng Bân cặm cụi đan áo suốt mùa Xuân chẳng kịp xong, trời chuyển gió muộn cho người nhớ nhung hơi ấm.

Cái lạnh lén qua vội vội

Sớm tinh mơ, cuối tuần thư thả, tôi khoác thêm chiếc khăn lụa mỏng, theo thói quen đạp xe về phía hồ Tây. Đường vẫn vắng. Đầm sen ven hồ lá xanh lênh láng. Những đốm sen hồng rực, như lửa ánh lên trong sương mù bảng lảng. Tôi miên man trôi qua hương sen mê hoặc, rồi rẽ vào đường Thanh Niên, ngược lên phố Phan Đình Phùng, thong dong dưới hàng cây sấu cổ thụ. 

Mùi lá sấu, mùi sấu non ngai ngái vấn vương khiến tôi nhớ cây sấu nhà bà ngoại xưa. Vòm lá xanh thắm bốn mùa, dịu dàng tỏa bóng lên tuổi thơ tôi, dỗ dành, an ủi. Đang vẩn vơ nghĩ ngợi, tiếng “bíp bíp” điện thoại làm tôi giật mình. Tin nhắn của Phượng: “Tối sang em nhá! Có quả nem thính. Có bún gà mọc. Bố nó bảo tối xong việc cơ quan tạt qua đón bác kìa!”. 

“Bố nó” tên là Linh, em họ tôi, được các chị gọi “cậu Ti” từ khi đưa cậu ở Nhà Hộ sinh Cây đa Nhà Bò cuối phố Lò Đúc về. Linh là con út của cô Dung, chú Lợi. Cô Dung, em gái mẹ, lẽ ra tôi phải gọi bằng dì, nhưng không hiểu sao bên ngoại ai cũng quen gọi các dì là cô. Sau bà ngoại, cô Dung chính là người thầy ẩm thực thứ hai của tôi. Tôi yêu và gắn bó với cô Dung như mẹ. 

Có lẽ bởi vậy mà mấy chị em tôi: Na, Nu, Ly, Ti rất thân thiết, gần gũi. Số phận đưa cô Dung, chú Lợi tôi ra đi hơi sớm, khi cô chú mới bước vào độ tuổi sáu mươi. Người trước, người sau, lần lượt xa chị em tôi, gần chục năm rồi.

Buổi tối trời mưa, ba chị em chạm ly, chẳng nhân dịp gì. “Mưa, nhậu thật đã, chị ơi!” - Phượng xuýt xoa. Chúng tôi nhấp cơn mưa, nhâm nhi kỷ niệm, nhắc về những người vắng mặt, những người đã khuất, về những món mẹ Dung nấu ngày xưa. 

Cậu Ti bảo: “Có nhiều món thất truyền chị ạ. Phượng làm dâu thì mẹ đã bắt đầu ốm, không thường vào bếp nữa, nên chẳng kịp học hết các chiêu của mẹ”. - Tôi hỏi: “Những món nào? Cậu kể ra, xem chị có biết không. Nếu biết, chị nấu, ăn thử nhé!”. 

Cậu Ti nhíu mày, nghĩ nghĩ, rồi nói: “Ngay lập tức em chưa nhớ tên. Nhưng mùi vị món ăn của mẹ thì khó quên lắm”. Tim tôi chậm lại một nhịp. Tôi nhớ cô Dung tôi. Tôi từng gọi “mẹ Dung, bố Lợi”, ngày cô chú mới cưới. Chưa có con nên cô chú hay đưa cháu gái bé bỏng đi chơi. Mọi người tưởng tôi là con của cô chú. Cô Dung cười tủm tỉm, nhận luôn, vì tôi hồi bé đã có nhiều nét giống cô, môi cong, mũi hin hin, mắt to, trán bướng.

Đêm ấy, tôi mơ thấy cô Dung. Trong giấc mơ, cô tôi trẻ măng, miệng cười răng khểnh xinh xinh, tóc mây tết bím, mà tôi thì vẫn là tôi bây giờ. Cô mặc áo đỏ thắm, đi chợ về, xách làn đầy rau quả, thịt, đậu, và một con cá trắm đen to tướng, mang cá vẫn phập phồng. Nếu phải hôm trong túi cô tôi có kha khá tiền, mà đi chợ, thì chợ như vơi một nửa, vì cô thường mua rất nhiều, mua tất cả những đồ tươi ngon nhất. 

Ngày bé, tôi chỉ thích bám cô Dung để tha hồ ăn quà. Muốn ăn gì cô cũng mua. Bà ngoại trách: “Cứ chiều nó thế, bụng đâu mà cơm!”. Cô cười khanh khách, mách: “Mợ biết cháu gái mợ rồi, nó chén nửa cái bánh dầy giò, xong lại đòi xôi chè. Con lờ đi, nó mè nheo, không xong với nó!”... 

Từ góc sân, cô gọi: “Na ơi, giúp cô một tay!”. Hai cô cháu líu ríu bên bể nước. Cô Dung xắn tay áo, thoăn thoắt làm cá, đánh vẩy. Tôi múc nước đổ đầy chậu thau, rồi nhặt rau, nhưng mắt cứ nghếch lên ngắm cô. Con cá chừng ba cân, loáng một cái đã sạch sẽ, tinh tươm, khúc nào ra khúc ấy, nục nạc. 

Cô vừa làm, vừa nói: “Đây nhé, đầu đuôi nấu dấm, ăn rau sống, đậu rán. Mấy khúc giữa kho tương với thịt ba chỉ và sấu non, để mai ăn cùng rau muống luộc chấm mắm dầm sấu. Na xong, ra lấy sấu cho cô!”. 

Cô Dung cười cười, vẻ bí mật, rồi ngước lên vòm cây, gọi: “Sấu ơiii!”. Thế là tự nhiên sấu non trên cây rụng la liệt xuống giữa sân. Tôi mang cái rá nhỏ ra lượm bằng hết những quả sấu non còn dinh dính nhựa. Kho cá trắm đen với sấu non rất thơm, vị chua dịu. Kho đủ hai lửa, quả sấu mềm ngấm, tan trong miệng lúc nào không hay, còn lại hạt sấu deo dẻo, cũng ăn luôn được. Sấu già trước khi ngả chín vàng thường chua găn gắt, hạt cứng đanh. 

Cô tôi dặn: “Nếu muốn ăn cá kho tương sấu đúng điệu, chỉ nên ăn vào đầu mùa hạ, khi quả sấu còn nhỏ, xanh ngắt từ vỏ đến ruột, chua thanh thanh, hạt mềm, trắng như thế này này”. Nói rồi, cô nhón một quả, đưa lên miệng, cắn đôi, chìa cho tôi xem hạt sấu nõn nà. Cô lấy cái nồi gang bên ngoài ám muội khói đen kịt, trong lòng bóng loáng, xếp lần lượt sấu, thịt ba chỉ thái con chì, từng khúc cá, trên cùng rải thêm một lớp sấu và thịt nữa, đổ vừa đủ tương nếp vào, bắc lên cái kiềng ba chân, xếp mấy gộc củi khô, nhóm lửa. 

Cô hơi cúi đầu, dùng tờ giấy báo châm, thổi cho lửa bén, cháy bùng. Ánh lửa hắt sáng gương mặt cô tôi, má hồng môi thắm, mồ hôi rìn rịn. Chừng mươi phút, khi nồi cá bắt đầu bốc hơi, cô chế thêm nước sôi sâm sấp mặt cá, nêm thìa nước hàng, chút mật mía để cá lên mầu. Sôi bồng thì dụi bớt lửa, cứ thế kho liu riu, cho đến khi nước rút một nửa, tắt bếp, để cá nguội hẳn; chiều tối lại bắc bếp đun lâm râm. Bao giờ nước cạn sánh, bong bóng từ đáy nồi thi nhau nổi lên, quả sấu ngon ngót ngả mầu ô-liu, miếng thịt ba chỉ chín mềm xịu, phần mỡ trong trong, khúc cá săn lại, ánh vàng nâu, thơm nắc nỏm, là lúc tắt bếp được rồi... “Ngon không này, Na ơi!” - Cô tôi gọi, lảnh lót.

“Na ơiii!”. Tôi choàng tỉnh, như vẫn nghe tiếng “ơiii” ngân dài theo mùi khói bếp vương vấn... Hình bóng cô tôi trong giấc mơ vừa tươi rói, đã nhòa tan đâu mất. Ngoài cửa sổ, những tia nắng đầu tiên rạng phía chân trời. Một cụm mây ráng đỏ bồng bềnh trôi, xa lắc. Ôi, cô Dung, mẹ Dung của tôi! Lâu lắm rồi, tôi mới mơ thấy cô tôi rõ ràng sống động đến thế. 

Tôi mở lại những tin cô nhắn cho tôi từ đầu mùa hè năm 2013, còn lưu trong điện thoại, thấy ngay mấy dòng này: “Chiều Na về cô ăn cơm nhé. Nay có cá kho”. Ít lâu sau, cô Dung tôi theo chú Lợi ra đi. Năm 2015, tôi sang Úc, xong việc ở Melbourne, xuống Sydney thăm Nu, con gái thứ hai của cô Dung. Tốt nghiệp phổ thông, Nu qua Úc học, lập gia đình, rồi định cư ở đó. Chị em tôi có một tuần bên nhau. Nu đưa tôi đi chơi khắp nơi, ăn đủ món Tàu, món Tây, nhưng cuối cùng vẫn chỉ nhắc những “món mẹ Dung”. Hai chị em đi chợ Việt, mua đồ về làm miến xào cua và nem cua bể. 

Ở đó, họ bán không thiếu thứ gì. Nu và Ly đều giống y như cô Dung ở cái tính cứ đi chợ là mua vơi cả chợ, luôn chọn đồ tươi ngon nhất. Chị em bánh đa bánh đúc, cùng nhau vào bếp chuẩn bị bữa tối. Đang nói cười rổn rảng, tôi chợt thấy mắt em tôi đỏ hoe. Tôi hỏi: “Nu sao thế?”. Lặng đi một lúc, rồi Nu khẽ nói: “Em nhớ mẹ Dung. Chị Na giống mẹ Dung quá!”. Ôi, cô Dung tôi, mẹ Dung của chị em tôi! Từ khi không còn cô Dung nữa, mỗi lần nhắc hay nghĩ đến cô, tim tôi luôn chậm một nhịp.

Tôi lại bắt đầu ngày mới bằng cuốc xe đạp vòng hồ Tây. Gió hồ se sắt. Đầm sen ven hồ nở bao nhiêu hoa, trổ hương thơm ngát. Tôi rẽ vào chợ sớm, mua đủ thứ, và chọn khúc cá trắm đen to, tươi óng ánh. Về cất vào tủ lạnh, chiều tôi sẽ làm nồi cá kho tương với sấu non. Cái nồi gang Staub men đỏ thẫm, bê nặng trĩu cả tay, tôi kì cạch tha lôi từ tận Paris, chuyên để nướng bánh mì tròn kiểu đồng quê, nấu các món hầm, và cả kho cá nữa. 

Cái lạnh lén qua vội vội -0 

Trước bữa ăn đôi ba tiếng mới kho lửa thứ hai. Thay vì đun trên bếp, tôi bỏ nồi đã đậy kín vào lò, đặt chế độ hai thanh nhiệt mức vừa phải. Làm thế, không khác gì vùi cá trong bếp than, bếp trấu thôn quê, vì toàn bộ nồi từ vung đến đáy nóng âm ỉ, ủ cho cá chín rục mà chắc nịch. Bữa tối hôm sau có cá kho ăn với rau muống luộc đánh dấm sấu. Thả kha khá sấu non vào nước luộc, để còn bớt ra mấy quả, dầm mắm tỏi, chấm rau. Lò tắt từ lâu, nồi cá vẫn ấm nóng. Nhiều người thích ăn cá kho đã nguội. 

Họ bảo như vậy miếng cá chắc, bùi hơn. Nhưng nhà tôi quen ăn nóng. Nóng mà thớ cá vừa dai vừa mềm. Mâm cơm giản dị bày lên: Bát nước rau đánh dấm sấu tuy không trong như vắt chanh nhưng lại có vị chua mơ màng; Đĩa rau muống luộc tơi tới, xanh ngắt, cuộng vẫn giòn mà không ngái; Bát mắm tỏi ớt dầm vài ba quả sấu, bỏ tí xíu đường; Thêm mấy lát cà bát ngâm đủ vị chua, mặn, ngọt, khi nào chan nước rau, ăn một miếng cà, thật đậm đà. Và “nhân vật chính”, đĩa cá kho tương sấu lên mầu nâu nhẹ, mỡ từ thịt ba chỉ ứa ra óng mướt. “Có cá đổ vạ cho cơm”, “nồi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào”, là thế!

Vào Hạ cả tháng rồi mà có lúc Hà Nội cứ hiu hiu lạnh. Cái lạnh cho tôi nhớ nhung hơi ấm. Ngọn lửa bà, mẹ và cô Dung tôi đã nhóm, vẫn cháy trong ký ức tôi, vẫn đượm góc bếp nhà tôi mỗi ngày.