Tạo bước đột phá thu hút đầu tư FDI

Dù mới chỉ là đề xuất, song việc đồng thời rà soát, nghiên cứu tổng thể các chính sách khuyến khích đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), để cải cách cho phù hợp tình hình mới và ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư mới là bước đi quan trọng và cần thiết của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đã trở thành điểm đến được ưu tiên của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như: Intel, Samsung, LG, Foxconn...Ảnh: Lê Danh Lam
Việt Nam đã trở thành điểm đến được ưu tiên của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như: Intel, Samsung, LG, Foxconn...Ảnh: Lê Danh Lam

Nền tảng phát triển bền vững

Sau hơn 35 năm nỗ lực, Việt Nam đã trở thành điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng loạt tập đoàn toàn cầu đã mạnh tay đầu tư nhiều tỷ USD để biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình, như: Intel, Samsung, LG, Foxconn… Năm 2023, Việt Nam không chỉ thu hút được lượng FDI kỷ lục, mà còn đón hàng loạt tập đoàn công nghệ cao, đặc biệt là những nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu của Mỹ như: Marvell, Boeing, Nvidia, Intel… đến tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2023 đạt hơn 23,18 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Thời gian gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển hướng mạnh từ các lĩnh vực phát triển "nóng" như chế biến hay bất động sản sang lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước… Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nên cần khuyến khích nguồn vốn FDI vào những ngành mà doanh nghiệp nội địa chưa thể làm chủ được công nghệ cao.

Rõ ràng, với sự có mặt của hơn 100 tập đoàn đa quốc gia, trong đó có những tên tuổi hàng đầu thế giới như: Samsung, LG, Toyota, Intel... Việt Nam từng bước tham gia vào mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Đơn cử, Samsung đã và đang giúp Việt Nam mở rộng hoạt động xuất khẩu từ chế biến sang công nghệ cao để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Lý giải về bước chuyển cả về chất và lượng trong thu hút FDI, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, kết quả đó phản ánh phần nào những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như trong nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các tập đoàn hàng đầu trong các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, AI, hydrogen... Từ đó, tạo nền tảng để kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Cần thêm những chính sách chưa có tiền lệ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất hàng loạt biện pháp hỗ trợ đầu tư hấp dẫn trong Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, đang được đưa ra lấy ý kiến công luận. Dự thảo nghị định này được xây dựng đồng thời với Dự thảo Báo cáo rà soát tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Theo GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nếu Dự thảo Nghị định được thông qua, có thể nói, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư "chưa từng có tiền lệ" sẽ được Việt Nam áp dụng, bao gồm cả việc hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động, như hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao…

Thực tế, trong suốt hành trình 35 năm thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam, mới chỉ có Intel nhận được sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này không hoàn toàn bằng tiền, mà thông qua sự hỗ trợ cho kinh phí đầu tư đào tạo nhân lực công nghệ cao.

GS, TSKH Nguyễn Mại đánh giá, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhiều biện pháp hỗ trợ đầu tư mới là mang tính "đột phá" để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng gay gắt, việc áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng từ năm 2024 cũng gây áp lực cho Việt Nam trong việc đón bắt cơ hội của dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng lớn đến các chính sách ưu đãi thuế hiện hữu, đòi hỏi sự thay đổi nhanh chóng, kịp thời nhằm giữ vững vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư. Các quốc gia đang có những toan tính và dự định riêng trong việc ban hành các chính sách để ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu. Thậm chí, một cuộc đua mới "hậu thuế tối thiểu toàn cầu" cũng diễn ra. Trong bối cảnh ấy, việc Việt Nam nghiên cứu và ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư mới là cần thiết.

Chia sẻ với những nỗ lực của Việt Nam, Tổng Giám đốc EY Consulting Việt Nam Hương Vũ cho rằng, Việt Nam nên "mở lòng" để nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ mà nhiều quốc gia đã áp dụng và đạt được một số hiệu quả nhất định. Dù mới chỉ là đề xuất, song việc đồng thời rà soát, nghiên cứu tổng thể các chính sách khuyến khích đầu tư để cải cách cho phù hợp tình hình mới và quyết tâm ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, là bước đi quan trọng và cần thiết của Việt Nam, để có thể đón được các nhà đầu tư chiến lược.