1. Mùa giải 2023/24 đã đi được nửa chặng đường và như bản chất vốn có của bóng đá, luôn có những bất ngờ thú vị diễn ra trên sân cỏ. Năm nay cũng vậy, những hiện tượng xuất hiện và thách thức các đại gia với sự ngạo nghễ đến khó tin. Trong hàng loạt điều thú vị thì Girona trở thành cái tên hot nhất, khi họ bỗng nhiên biến hình từ một đội bóng nhỏ, hạng trung bình thành đối trọng lớn cạnh tranh chức vô địch Tây Ban Nha với cả Real Madrid lẫn Barcelona. Điều gì đang diễn ra? Quyền năng khủng khiếp nào đang biến “tí hon” Girona trở thành gã khổng lồ? Và sự vươn mình ấy liệu tồn tại được bao lâu?
Sự thật là Girona đang “chọc tức” giới quý tộc nhà giàu bằng sức mạnh đáng sợ với những con người gần như vô danh. Họ không chỉ thắng, mà còn thắng đẹp, chơi đẹp, dám mạo hiểm, chấp nhận cống hiến để tạo ra danh tiếng. Nhưng Girona không phải là nhân vật trong chuyện cổ tích, không có số phận kiểu Cô bé lọ lem. Mọi thứ đều có nguyên nhân của nó và Girona chính là sản phẩm của một hệ thống bóng đá được tạo ra cho thì tương lai.
2. Girona đã trở thành một phần trong tập đoàn khổng lồ có tên City Football Group (CFG), bao gồm một dải thiên hà đúng nghĩa với 13 công ty phủ sóng ở toàn thế giới, từ châu Âu đến châu Đại Dương, từ châu Mỹ đến châu Á, gồm các CLB có tiếng tăm như Troyes (Pháp), New York City (Mỹ), Melbourne City (Australia), Yokohama F-Marinos (Nhật Bản), Montevideo City (Uruguay), Mumbai City (Ấn Độ), Palermo (Italia), Tứ Xuyên (Trung Quốc)... Girona là tổ chức quan trọng thứ hai chỉ sau Manchester City. Đến đây, chúng ta có thể hiểu được, cái tên City Football Group từ đâu ra. Điều đó có nghĩa, Girona là đội bóng tập hợp những cá nhân xuất sắc nhất trước khi họ được đẩy lên thành những ngôi sao hàng chục triệu euro, với bước tiến đầy hào nhoáng có thể đổi đời là Manchester City.
Công việc tiếp cận gần nhất với Man City đã bắt đầu cách đây 7 năm, khi Giám đốc thể thao của Girona là Quique Carcel có cuộc đàm phán với Txiki Begiristain, Giám đốc điều hành của Man City. Sau đó vào năm 2017, Pere Guardiola, anh trai của Pep Guardiola - HLV Man City, đã thành lập Tập đoàn bóng đá Girona, một công ty có trụ sở tại Hà Lan và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của Girona Futbol. Cổ phần của Pere trong 2 năm qua đã giảm xuống còn 16%, trong khi CFG sở hữu 48%. Trên thực tế, Pere Guardiola đã bắt đầu làm việc với Girona từ đầu năm 2015, với tư cách là cố vấn, với sự thúc đẩy từ CFG. Chính ông là người lên kế hoạch đưa rất nhiều ngôi sao về đây và hầu hết đều là những cầu thủ trẻ của Man City. Và đó cũng là yếu tố quan trọng để CFG thuyết phục Pep Guardiola đến dẫn dắt Man City vào năm 2016.
Với vai trò và sự hậu thuẫn như vậy, Girona không ngừng phát triển kể từ tháng 8/2017 và kết quả không chỉ mang ý nghĩa thể thao. Girona đã phát triển trong mọi lĩnh vực kinh doanh. Mùa giải năm nay họ phá kỷ lục về vé cả mùa, doanh thu bán áo đấu và hàng hóa tăng 2.400% so với năm 2015. Đổi lại, Girona trở thành một sản phẩm nhờ nguồn tiền từ UAE. Thí dụ, tháng 4/2022, Castellanos trở thành người đầu tiên sau 76 năm ghi được 4 bàn vào lưới Real Madrid, kết thúc mùa giải với 14 bàn thắng, lập tức anh được bán sang Lazio với giá 15,5 triệu euro.
Một mạng lưới toàn cầu lớn giúp việc chuyển nhượng cầu thủ dễ dàng và chủ động. CFG không thể mua CLB thứ 2 tại Premier League, họ tập trung vào các CLB nhỏ ở La Liga, Serie A, nơi các “món hàng” có nhiều cơ hội thử nghiệm ở những giải đấu lớn và đồng thời đó chính là cơ hội kinh doanh. Một cầu thủ có thể mang đi khắp nơi rồi quay ngược về với giá cao, rồi lại bán đi với giá cao hơn. Như trường hợp của Angelino. Man City mua anh này năm 2013 khi mới 16 tuổi, rồi cho New York City mượn, rồi lang bạt mấy nơi trước khi bán cho PSV Eindhoven và cuối cùng được Man City mua lại với giá 12 triệu euro, trước khi bán đứt cho RB Leipzig, một mắt xích khác trong một hệ thống bóng đá khác.
RB Leipzig đóng vai trò đầu tàu trong hệ thống Red Bull. (Ảnh trong bài: Getty) |
Trước Girona, Red Bull cũng từng tổ chức một hệ sinh thái bóng đá kiểu như vậy khi mất 3 năm tìm kiếm, lùng sục khắp nước Đức để mua lại CLB và thành lập đội bóng RB Leipzig. Việc mua một CLB Đức khó khăn gấp bội so với mua một đội bóng ở Anh hay Tây Ban Nha, Italia. Nên Red Bull đã mất nhiều năm và làm nhiều cách để lách luật cấm cá nhân hoặc tổ chức kinh tế sở hữu đội bóng mà bóng đá Đức đặt ra. Nhưng khi hoàn thành, RB Leipzig nhanh chóng trở thành một trong những đội bóng lớn tại Bundesliga khi thăng hạng liên tục. Mùa 2009/10 chơi ở hạng 5 và 7 năm sau họ lên 4 hạng thẳng tiến tới Bundesliga chơi cùng Bayern, Dortmund, Leverkusen... Cách vận hành của RB Leipzig khá giống với CFG, nhưng trong hệ thống Red Bull, RB Leipzig đóng vai trò đầu tàu. Và thực tế, họ phát triển mạnh mẽ như Man City với lợi nhuận khổng lồ từ việc “buôn bán” cầu thủ, đồng thời lấy người từ 6 CLB vệ tinh như Red Bull Salzburg, New York Red Bull, Red Bull Brazil...
3. Ngoài ra, hiện tại còn nhiều tổ chức kiểu vậy, có thể nhắc đến nhóm CLB thuộc Quỹ đầu tư công PIF của Saudi Arabia. Quỹ này có cổ phần, quyền sở hữu 4 CLB lớn nhất Saudi Arabia: Al-Hilal, Al Nassr, Al-Ahli và Al-Ittihad, những CLB đã mua C.Ronaldo, Benzema, Neymar... và rất rất nhiều ngôi sao trong 1 năm vừa qua. Tổng chi phí mà quỹ này bỏ ra để mua ngôi sao trong năm qua khoảng hơn 1 tỷ euro. Nhưng nó chẳng thấm vào đâu khi quỹ này có tới 600 tỷ euro, sẵn sàng mua bất kỳ CLB nào nếu cần. Và trước mắt, họ đã sở hữu Newcastle, một hiện tượng đã chính thức cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn tại Premier League. Để đẩy nhanh sức mạnh cho Newcastle, bất kỳ ngôi sao nào cũng có thể được mang về, với lối đi là Saudi Arabia. Rất đơn giản và nhanh chóng, tránh luôn được quy tắc công bằng tài chính, với những bản hợp đồng giá rẻ hoặc cho mượn.
Bóng đá đang phải đối mặt với những hệ thống khổng lồ như vậy. Kim tiền hơn, hào nhoáng hơn, mạnh mẽ hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng nó sẽ nhấn chìm những CLB nhỏ, thậm chí tính truyền thống cũng sẽ nhạt nhòa, bởi bất kỳ đội bóng nào cũng có thể trở nên vĩ đại trong chớp mắt.