"Bom nợ công" ở Mỹ chưa được tháo ngòi nổ

NDO - Sau các sự kiện xảy ra liên tiếp là Quốc hội Mỹ chật vật nâng trần nợ công và xếp hạng tín dụng của nước này bị đánh tụt bậc, giới chuyên gia cảnh báo, kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn nguy hiểm và tiến gần đợt suy thoái mới. "Quả bom nợ công" chưa được tháo ngòi tiếp tục đe dọa nền kinh tế số một thế giới.

Không phải vấn đề nợ công của Mỹ chỉ trở nên nghiêm trọng vào hạn chót ngày 2-8 vừa qua, buộc QH nước này tìm mọi cách đạt thỏa thuận nâng trần nợ, nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế. Thực tế, tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ không ngừng tăng trong nhiều năm gần đây. Mức nợ công vượt con số 10.000 tỷ USD vào tháng 9-2008, đạt 12.000 tỷ USD tháng 9-2009 và hơn 14.000 tỷ USD tháng 12-2010. Sau sáu tháng đầu năm 2011, nợ công của Mỹ đã vượt 100% GDP (vượt qua GDP năm 2010 ở mức 14.526 tỷ USD). Hiện nay, tổng nợ công vẫn dừng ở con số 14.340 tỷ USD. Trong đó nợ nước ngoài tới 9.740 tỷ USD, tính ra cứ một USD người Mỹ tiêu xài, thì 0,4 USD là vay nợ nước ngoài. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách tài khóa 2011 dự kiến tới 830 tỷ USD, bằng 10,7% GDP, vượt xa mức 3% được cảnh báo nguy hiểm.

Dù chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma lạc quan dự báo GDP năm 2011 của Mỹ sẽ cao hơn mức nợ công, nhưng thời điểm hiện tại Mỹ đã gia nhập câu lạc bộ những nước có nợ công cao hơn GDP theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cùng với Nhật Bản (229%), Hy Lạp (152%), Li-băng (134%), I-ta-li-a (120%), Ai-len (114%)... Lần mới nhất nợ công Mỹ cao hơn GDP là năm 1947 và giảm còn 32% GDP năm 1981; đến năm 2007 Mỹ vẫn kiềm chế tỷ lệ này ở mức 64,4%.

Trong 40 năm gần đây, có tới 35 năm ngân sách Mỹ thâm thủng do chính sách giảm thuế và vay nợ kích cầu tiêu dùng. Giai đoạn chính quyền cựu Tổng thống R.Ri-gân, thâm hụt ngân sách Mỹ tới 1.900 tỷ USD. Cựu Tổng thống B.Clin-tơn sau đó xoay chuyển được tình hình, đưa ngân sách từ thâm hụt sang bội thu, nhưng người kế nhiệm G.Bu-sơ lại để ngân sách rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng và kéo dài tới nay. Từ năm 1960, Mỹ đã có 78 lần nâng giới hạn vay nợ. Và kể từ khi thiết chế 'trần nợ' được thiết lập năm 1917, Mỹ đã hai lần vỡ nợ, vào các năm 1933 và 1979. Thỏa thuận nâng giới hạn nợ vào phút chót của QH Mỹ đã giúp Nhà trắng thoát được nguy cơ 'vỡ nợ kỹ thuật'. Tuy nhiên, nợ công và thâm hụt ngân sách chưa có dấu hiệu giảm, trái lại tiếp tục chiều hướng tăng, đặt Mỹ trước nguy cơ 'vỡ nợ lần thứ ba', có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và vì thế, việc nâng trần nợ công vừa qua có thể chưa phải lần cuối cùng.

Vấn đề dư luận Mỹ và thế giới quan tâm vào thời điểm này không phải là một nước Mỹ suy yếu, đánh mất tư cách 'siêu cường duy nhất', mà là cách thức Oa-sinh-tơn giải quyết các vấn đề sống còn của kinh tế Mỹ hiện nay. Bởi, những xáo trộn tại Mỹ chắc chắn gây sóng gió thị trường toàn cầu, ảnh hưởng nhiều nền kinh tế. Theo nhận định của Chủ tịch cơ quan Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Ða-lát, yếu tố kìm hãm kinh tế Mỹ hiện nay không phải là chính sách tiền tệ lỏng lẻo, mà là sự quản lý tài chính sai lầm tại Oa-sinh-tơn. Các cơ quan tài chính Mỹ cần sớm xử lý vấn đề nợ và thâm hụt, tránh để các nhà đầu tư chuyển hướng kinh doanh ra các nước khác. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin hiện nay, các gói kích thích trị giá hàng trăm tỷ USD của Nhà trắng cũng không thể trở thành lực đẩy giúp kinh tế Mỹ đi lên.

Nhà kinh tế Mỹ đoạt giải Nô-ben, giáo sư G.Xti-glít cho rằng, kế hoạch khởi động lại kinh tế Mỹ sau giai đoạn suy thoái vừa qua chưa đủ mạnh, thiếu bền vững và nhất là 'chưa bắt đúng bệnh'. Việc FED duy trì lãi suất cơ bản ở gần mức 0% trong suốt hai năm qua cho thấy sự bế tắc của chính quyền Mỹ trước những khó khăn kinh tế. Dù các biện pháp đưa ra có thể tạm thời ngăn chặn thị trường chứng khoán sụt giảm, song đây không phải là cơ sở để phục hồi kinh tế. Theo ông Xti-glít, lối thoát đưa kinh tế Mỹ ra khỏi tình trạng trì trệ là đầu tư cho các hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðiều này vừa giúp khởi động lại đà tăng trưởng, vừa làm tăng nguồn thu thuế, qua đó có thể giúp làm giảm gánh nặng nợ công và nâng cao khả năng thanh toán nợ của Mỹ.