Nhật Bản kiên cường trong thảm họa kép

NDO - Trận động đất mạnh 9,0 độ Rích-te gây sóng thần tàn phá vùng đông bắc Nhật Bản, ngày 11-3 vừa qua, đã để lại hậu quả khủng khiếp: hơn 27.000 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế có thể lên tới hơn 300 tỷ USD. Ðến nay, cuộc "khủng hoảng kép" do thiên tai gây ra - thiệt hại về người và tài sản cùng với các sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1, vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bảo vệ những "mầm sống" của Nhật Bản.
Bảo vệ những "mầm sống" của Nhật Bản.

Tuy nhiên, với ý chí và nghị lực kiên cường, tinh thần dũng cảm đối mặt tai ương, cùng sự kề vai sát cánh của cộng đồng quốc tế, Chính phủ và nhân dân đất nước Mặt trời mọc đang từng bước vượt qua thảm hoạ và bắt đầu công cuộc tái thiết.

Cục Khí tượng Nhật Bản cho biết, trận động đất ngày 11-3 là trận động đất mạnh nhất được ghi nhận trong lịch sử đất nước này, nguyên nhân là do một đường đứt gãy dài 450 km của mảng kiến tạo vỏ trái đất ở vùng bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản đã bị dịch chuyển tới 30 m trong ba phút. Theo Cục Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, tính đến cuối tháng ba, tức là ba tuần sau động đất, đã có hơn 27.000 người chết và mất tích, hàng nghìn người bị thương do thảm họa. Chính phủ Nhật Bản ước tính, thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra có thể lên tới 309 tỷ USD, chưa kể những ảnh hưởng của các sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1. Ba tỉnh Mi-y-a-gi, I-oa-tê và Phư-cư-si-ma bị thiệt hại nặng nhất.

Là quốc gia nằm trong 'vành đai lửa' Thái Bình Dương, từ nhiều năm qua Nhật Bản đã phát triển một hệ thống cảnh báo sớm động đất và sóng thần hiện đại nhất và tốn kém nhất thế giới. Nhà cửa và cơ sở hạ tầng của Nhật Bản cũng được xây dựng với khả năng chống chịu động đất cao. Nhờ vậy đã hạn chế đáng kể thiệt hại do động đất. Sóng thần mới chính là nguyên nhân gây chết người và tàn phá nặng nề nhất trong thảm họa vừa qua. Ðợt sóng cao tới 16 m, với sức nặng tới 40 tấn/m2, tràn sâu trong đất liền tới mười km đã cuốn phăng toàn bộ thị trấn Mi-na-mi-Xan-ri-cư của tỉnh Mi-y-a-gi. Ðộng đất và sóng thần đã phá hủy tổng cộng 17.600 ngôi nhà, làm hư hại 140.000 ngôi nhà khác. Theo Công ty Ðiện lực Tô-ki-ô (TEPCO) sở hữu nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1, nhà máy này đã bị tàn phá bởi đợt sóng thần có chiều cao tới 14 m, gấp đôi con số dự báo về chiều cao tối đa của sóng thần. Do sóng thần phá hủy các cơ sở nằm dọc bờ biển như hệ thống bơm nước biển và các máy phát điện khẩn cấp nên nhà máy đã gặp trục trặc ở hệ thống làm mát các lò phản ứng hạt nhân. Các tòa nhà chứa lò phản ứng và tổ máy phát điện được xây dựng cao hơn 10-13 m so với mặt nước biển cũng bị ngập một phần.

Chính phủ Nhật Bản đã khẩn trương và quyết liệt triển khai nhiều biện pháp cứu trợ nạn nhân và khắc phục hậu quả thảm họa. 120.000 người thuộc các lực lượng phòng vệ, cảnh sát và cứu hỏa đã được huy động làm công tác cứu hộ. Hàng trăm nghìn người đã được sơ tán. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá cao việc các thể chế tài chính của Nhật Bản, đặc biệt là Ngân hàng trung ương (BOJ), đã có phản ứng nhanh chóng và quyết đoán sau thảm họa kép. Vai trò quan trọng của Nhật Bản đối với kinh tế thế giới cũng như trong nhiều vấn đề quốc tế và toàn cầu, mức độ nghiêm trọng của thảm họa kép mà nước này đang phải đối mặt đã khiến cả cộng đồng quốc tế quan tâm và đoàn kết trợ giúp Nhật Bản khắc phục hậu quả thảm họa. Ðã có hơn 130 nước và vùng lãnh thổ cùng khoảng 40 tổ chức quốc tế đề nghị trợ giúp đất nước Mặt trời mọc. Các đội cứu trợ từ 20 nước và vùng lãnh thổ cùng các tổ chức thuộc LHQ đã tới Nhật Bản. Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) đã phối hợp can thiệp, lần đầu trong hơn mười năm qua, nhằm ổn định thị trường tiền tệ Nhật Bản. Chỉ hai tuần sau thảm họa đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi và khởi động công tác tái thiết ở một số vùng bị nạn. Tỉnh I-oa-tê đã bắt tay vào việc xây dựng hàng nghìn ngôi nhà tạm. Ðường cao tốc Tô-hô-cư đã được lưu thông trở lại, tạo điều kiện cho công tác hỗ trợ tái thiết.

Tình hình sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 đã được nâng lên cấp năm trong thang bảy cấp nguy hiểm theo quy định của quốc tế. TEPCO đã khẩn trương tiến hành biện pháp bơm nước vào các lò phản ứng để giữ các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ngập trong nước, ngăn chặn rò rỉ phóng xạ, đồng thời nỗ lực phục hồi nguồn điện cho nhà máy. Hai tuần sau thảm họa, hệ thống điện cung cấp cho nhà máy đã được khôi phục, nhiệt độ và áp suất tại các lò phản ứng của nhà máy cũng được kiềm chế, không để tiếp tục xảy ra cháy, nổ. Tuy nhiên, tình trạng rò rỉ phóng xạ vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành mọi biện pháp có thể nhằm hạn chế tác hại của rò rỉ phóng xạ đối với môi trường và sức khỏe người dân. LHQ cùng nhiều tổ chức quốc tế cũng kêu gọi các nước rút kinh nghiệm từ thảm họa ở Nhật Bản trong công tác phòng chống thiên tai và bảo đảm an toàn hạt nhân.

Từ bàng hoàng xúc động trước cảnh thiên tai tàn phá vùng đông bắc Nhật Bản, người dân trên thế giới chuyển sang khâm phục thái độ và cách hành xử tuyệt vời của người Nhật trong thảm họa. Từ lâu, Nhật Bản vẫn thường được nói đến như một dân tộc có tinh thần tự cường, luôn biết vươn lên từ thảm họa và nghịch cảnh. Nhờ tinh thần đó, người Nhật mới sống được tại một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất trên trái đất (nơi tập trung tới 20% số trận động đất mạnh từ 6,0 độ Rích-te trở lên của toàn thế giới), không những thế còn vươn lên đạt trình độ phát triển kinh tế hàng đầu thế giới. Ngày 24-3, Nghị viện châu Âu đã gửi thông điệp bày tỏ 'ngưỡng mộ trước lòng dũng cảm và quyết tâm của nhân dân và chính quyền Nhật Bản trong xử lý tình hình'. Trong thảm họa kinh hoàng, tại Nhật Bản đã không xảy ra những cảnh hỗn loạn, ... như ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tại các điểm công cộng, người dân vẫn điềm tĩnh, kiên nhẫn và trật tự xếp hàng chờ đến lượt lên xe buýt, gọi điện thoại công cộng, mua nhu yếu phẩm, nhận hàng cứu trợ... Dù mặt đất liên tục chao đảo nhưng lòng người vẫn vững vàng. Luôn ở tâm điểm của truyền thông thế giới mấy tuần qua là những câu chuyện về tình người, đức hy sinh, ý thức vì cộng đồng của con người trong thảm họa ở Nhật Bản: 50 công nhân tình nguyện ở lại cứu nhà máy Phư-cư-si-ma số 1 - những samurai cảm tử thời hiện đại. Và, rất nhiều chuyện cảm động về tình người Nhật Bản giúp nhau trong hoạn nạn. Chín ngày sau thảm hoạ kinh hoàng, điều kỳ diệu đã xảy ra: lực lượng cứu hộ đã cứu được hai người còn sống, trong đó có một cụ bà 80 tuổi, từ trong một đống đổ nát sau động đất. Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF đều nhận định, Nhật Bản có đủ nguồn lực, kỹ năng và sự cố kết xã hội cần thiết để phục hồi nhanh chóng sau thảm họa này. Cộng đồng quốc tế có chung niềm tin rằng, với sự nỗ lực kiên cường, tính kỷ luật và bình tĩnh của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, cùng sự chung tay ủng hộ của cộng đồng quốc tế, 'xứ sở hoa anh đào' sẽ sớm vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển mạnh mẽ.