Khác thường

Bất khả kháng

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Cuộc so kè giữa đương kim Tổng thống Donald Trump với ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang đến hồi quyết liệt. Nếu tin vào những số liệu từ các cuộc thăm dò thì có thể thấy ông Trump đang hơi thất thế chút ít; tuy nhiên còn cả tháng mười trước mắt và ông Trump hoàn toàn có khả năng đảo ngược được chiều hướng đang diễn ra bất lợi cho mình.

Covid-19 có nguy cơ xóa sạch các thành tựu kinh tế trong nhiệm kỳ qua của Tổng thống D.Trump.
Covid-19 có nguy cơ xóa sạch các thành tựu kinh tế trong nhiệm kỳ qua của Tổng thống D.Trump.

Những kết quả thăm dò trước bầu cử tất nhiên chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Khi xem xét liệu Tổng thống Trump có khả năng tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa hay ông Joe Biden có “đánh chiếm” Nhà Trắng thành công hay không sau ngày 3-11 tới, cần phải cân nhắc hai yếu tố cơ bản: những kết quả của chính sách kinh tế (đối nội) và chính sách ngoại giao (đối ngoại).

Về kinh tế, trong giai đoạn nửa đầu nhiệm kỳ, câu thần chú “Nước Mỹ trước hết” của Tổng thống Trump dường như đã mang lại kết quả hiển hiện: các chỉ số cơ bản về tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp, số việc làm mới được tạo ra... đều rất tích cực. Tổng thống Trump đã có thể hãnh diện mà tuyên bố rằng “chưa có một Tổng thống tiền nhiệm nào làm được cho nước Mỹ” nhiều bằng ông.

Ấy nhưng đó là... trước Covid-19! Cơn sóng thần Covid-19 đã cuốn phăng phần lớn các thành quả do những chính sách của ông Trump tạo ra với nền kinh tế Mỹ. Như trong hầu hết các bản hợp đồng đều có điều khoản “bất khả kháng”, “khế ước” của ông Trump với người dân Mỹ về cải thiện bộ mặt kinh tế Mỹ, qua đó nâng cao đời sống của những người đã ủng hộ mang đến chiến thắng bất ngờ cho ông bốn năm trước đây, cũng có một “điều khoản” như vậy: Covid-19. Đây là sự cố “bất khả kháng” đã giáng những đòn nặng nề vào chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Trump.

Xáo trộn liên tục

Nhưng chính sách đối ngoại là một chuyện khác. Muốn xây dựng một chính sách đối ngoại nhất quán, cần phải có một đội ngũ giúp việc có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm hoạt động đối ngoại và ổn định. Thế nhưng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, đã có bốn người đảm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng Nhà Trắng, năm nhân vật đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng, bốn nhân vật đảm nhận vai trò Trợ lý Tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia, ba nhân vật đảm nhận chức Giám đốc Ủy ban chính sách đối nội.

Một số bộ phận liên quan đến chính sách đối ngoại liên tục diễn ra biến động về nhân sự. Từ ngoại trưởng Rex Tillerson đến Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến Quyền Bộ trưởng Patrick Shahanan, rồi tới Bộ trưởng Mark Esper hiện nay. Riêng ông Tillerson là ngoại trưởng duy nhất bị sa thải kể từ năm 1945 đến nay!

Số lượng các quan chức cấp thứ trưởng, cấp vụ, cục từ nhiệm lại càng nhiều hơn. Theo phát hiện của báo giới Mỹ, trong năm đầu tiên Tổng thống Trump lên cầm quyền, tỷ lệ từ nhiệm của đội A (cốt cán lãnh đạo) ra quyết sách của chính phủ (gồm các quan chức cao cấp của Nhà Trắng trừ các Bộ trưởng, chẳng hạn quan chức Hội đồng an ninh quốc gia và các ủy ban khác) là 34%, năm thứ hai 31%. Tính đến ngày 15-7-2020, tổng tỷ lệ từ nhiệm và thay mới dưới thời ông Trump là 88% trong khi năm đầu tiên ông Obama cầm quyền, tỷ lệ từ nhiệm của quan chức chỉ 9%, năm thứ hai 15%.

Trong hàng ngũ các cố vấn và trợ lý đối ngoại của Tổng thống Trump, phái “Nước Mỹ trước hết” (theo chủ trương của Tổng thống Trump) thắng thế gần như tuyệt đối so với phe “Chủ nghĩa toàn cầu”, chiếm lĩnh hầu hết các vị trí ra quyết sách của Nhà Trắng. Chính những người này đứng đằng sau các động thái cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với Trung Quốc trong thời gian qua.

Với sự khác thường trong chính sách nhân sự hoạt động đối ngoại, các cá nhân thay đổi liên tục như vậy cùng với khuynh hướng “Nước Mỹ trên hết”, có thể thấy chính sách đối ngoại dưới thời ông Trump nghiêng về khía cạnh biệt lập hơn là hội nhập, đơn phương hơn là đa phương.

Một chính sách “làm ngược”

Xuất thân từ một tỷ phú bước vào chính trường, lại ở ngôi cao nhất trong những nấc thang quyền lực của nước Mỹ, nhưng khó có thể nói ông giàu kinh nghiệm làm chính sách đối ngoại. Là một Tổng thống Mỹ, dĩ nhiên ông Trump muốn tạo dựng và để lại di sản đối ngoại đáng kể, mang dấu ấn của riêng ông, theo một cách cũng khác thường. Đó là làm ngược lại hầu như mọi chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Barack Obama.

Ông Obama tích cực tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); vừa vào Nhà Trắng, ông Trump ký lệnh rút Mỹ ra khỏi các cuộc đàm phán TPP. Ông Obama tham gia ký thỏa thuận của nhóm P5+1 với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, coi đó là dấu ấn đối ngoại nổi bật; ông Trump gọi đây là một “thảm họa” và rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Chính quyền ông Obama tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; khi vào Nhà Trắng, ông Trump lập tức khởi động quá trình rút khỏi hiệp định này, sẽ hoàn tất đúng một ngày sau khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3-11 tới. Ông Obama khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với Cuba; ông Trump cho “đóng băng” nỗ lực này, đồng thời kêu gọi tăng cường bao vây cấm vận Cuba.

Ông Trump cũng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây, một sự đảo ngược hoàn toàn chính sách dưới thời ông Obama. Trong khi chính quyền ông Obama tăng cường bao vây cấm vận CHDCND Triều Tiên vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này thì ông Trump lại thiết lập một mối quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un...

Chính quyền ông Obama dường như làm ngơ trước các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, tôn tạo, bồi đắp, quân sự hóa những thực thể nhân tạo ở Biển Đông, thì chính quyền ông Trump có sự chuyển hướng rõ rệt, coi những đòi hỏi và hành vi bắt nạt ở khu vực Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế.

Khác thường -0
 

Cách tiếp cận khác thường

Khi ngày bầu cử đã đến gần, điểm lại những gì mà chính quyền Tổng thống Trump đã làm trong bốn năm qua ở lĩnh vực đối ngoại, cử tri Mỹ có thể thấy gì?

Sau khi rút Mỹ ra khỏi hàng loạt các hiệp định, hiệp ước quốc tế mà trước đây đã ký với lý do những hiệp định đó là “thảm họa”, ông Trump không đưa ra được những hiệp định khác để thay thế. Chỉ duy nhất có Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được Mỹ sửa đổi một số điều khoản có lợi hơn cho Mỹ so với Hiệp định trước đây ký với Canada và Mexico.

Trong các trường hợp như tiến trình hòa bình Palestine-Israel, vấn đề Triều Tiên hay Afghanistan, Tổng thống Trump đã tiến hành hàng loạt các cuộc tiếp xúc, đàm phán ồn ào, nhưng không đạt được bất kỳ một thỏa thuận mới nào. Ở Syria, Ukraine, Libya cũng tương tự.

Trong một số trường hợp khác như đối với Iran, chính quyền Tổng thống Trump đã gây “sức ép tối đa” hy vọng buộc Tehran phải đến bên bàn đàm phán với một thỏa thuận mới. Thực tế, Iran không hành động như Mỹ dự đoán mà trái lại, bác bỏ những gợi ý đàm phán với Mỹ, đồng thời còn khởi động lại chương trình hạt nhân đã bị “đóng băng” trước đó. Ngày 14-8-2020, Mỹ chịu một thất bại ê chề khi chỉ có duy nhất một nước trong số 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ một nghị quyết do Mỹ đề xuất nhằm áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran...

Với Trung Quốc, chính sách đối ngoại của chính quyền Trump cũng có cách tiếp cận khác thường. Từ chỗ tìm cách đạt những mục tiêu đề ra (như giảm thâm hụt, buộc Trung Quốc chấm dứt hành vi bán phá giá, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thao túng tiền tệ...) bằng cách gây sức ép về kinh tế, thương mại, thì giờ đây Mỹ khẳng định rằng trước sức ép, Trung Quốc đã trải qua một năm tồi tệ!

Điểm sáng hiếm hoi trong chính sách đối ngoại của Mỹ là việc gần đây UAE ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Israel. Tiếc thay, những thí dụ như vậy không nhiều cho một nhiệm kỳ bốn năm.

Chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump quả thực mang nhiều đặc điểm khác thường.