Tương lai không ổn định của đồng ơ-rô

NDO - Chưa giải quyết xong hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu, Liên hiệp châu Âu (EU) tiếp tục đương đầu cuộc khủng hoảng nợ công, khởi nguồn từ Hy Lạp và Ai-len và đang có nguy cơ lan rộng sang các nước khác trong khu vực đồng ơ-rô (EUROZONE). Cuộc khủng hoảng này đã bộc lộ những yếu kém của EUROZONE và đặt dấu hỏi cho tương lai của đồng ơ-rô.

Kể từ khi ra đời ngày 1-1-1999 và chính thức lưu hành tiền giấy và xu đầu năm 2002, đồng ơ-rô được kỳ vọng trở thành đối trọng của USD. Thực tế, không ít nước ngoài EUROZONE đã sử dụng rộng rãi đồng ơ-rô, khiến đồng tiền chung châu Âu trở thành đồng tiền có mức dự trữ lớn thứ hai, sau USD, chiếm 27,3 dự trữ toàn cầu năm 2009. Từ 20% đến 25% lượng ơ-rô lưu hành bên ngoài lãnh thổ 16 nước thành viên EUROZONE. Dự trữ ngoại tệ của Nga năm 2009 lần đầu có trữ lượng đồng ơ-rô lớn hơn USD.

U-crai-na còn đề nghị Nga trả phí trung chuyển dầu khí bằng ơ-rô thay vì USD. Số liệu thống kê từ năm 1999 cho thấy, vị thế quốc tế của đồng ơ-rô không ngừng tăng và tương đối ổn định so với các đơn vị tiền tệ quốc tế khác. Việc ra đời đồng ơ-rô đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới và các mối quan hệ chính trị, giúp đẩy nhanh tiến trình hội nhập giữa các nước châu Âu cũ và mới. Xét trên khía cạnh mô hình kinh tế-chính trị, đồng ơ-rô góp phần nâng cao vị thế của EU trở thành một trong những tổ chức khu vực có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Khi đưa đồng ơ-rô vào lưu hành, Liên hiệp châu Âu (EU) hy vọng hợp tác thương mại và kinh tế trong EUROZONE được tăng cường vì tránh được rủi ro về tỷ giá hối đoái và bảo hộ tiền tệ, thu hẹp chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ trong khu vực, qua đó tăng sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, sức mua của người tiêu dùng và giảm lạm phát.

Tuy nhiên, những quan ngại về điểm yếu của đồng tiền chung cho một vùng kinh tế rộng lớn và không đồng nhất như EUROZONE, nhất là khi các nền kinh tế phát triển không đồng đều, khác biệt về chính sách thuế, ngân sách, hệ thống ngân hàng... đang dần rõ nét. Năm 2010, tỷ giá hối đoái của đồng ơ-rô đã giảm mạnh so với USD, từ một ơ-rô đổi được 1,31 USD ngày 29-11-2010 xuống còn một ơ-rô 'ăn' 1,29 USD một ngày sau đó. Uy tín của đồng ơ-rô giảm mạnh bắt nguồn từ tâm lý lo ngại của thị trường tiền tệ đối với cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, Ai-len và sự lưỡng lự của các cường quốc thành viên EUROZONE trong việc áp dụng các biện pháp tháo ngòi nổ khủng hoảng. Khoảng cách giàu nghèo giữa các nền kinh tế mạnh và các nền kinh tế nhỏ trong EUROZONE không được thu hẹp, khiến việc áp dụng các quy định chung gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của EU, thâm hụt ngân sách của các nước thành viên không được vượt quá 3% GDP. Nhưng mức thâm hụt năm 2010 của Hy Lạp, Ai-len, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha khoảng 12,5%, 11,7%, 11% và 8,6% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha tháng 11-2009 lên tới 19,4% nhưng ở Hà Lan chỉ là 3,9%, trong khi của cả khu vực EUROZONE là 10,1% tháng 10-2010, mức cao kỷ lục kể từ khi đồng ơ-rô ra đời. Nợ công của Bồ Ðào Nha khoảng 85% GDP năm 2010 và tăng lên 100% GDP vào năm 2014, nếu nước này không quyết liệt thực hiện các biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu, trong khi đó Tây Ban Nha tăng lên 70% GDP. Bức tranh kinh tế không chỉ ảm đạm đối với một số nước trên, mà còn bao phủ toàn bộ EU. Giới phân tích dự báo, nợ công của 27 nước thành viên EU có thể lên tới 100% GDP năm 2014; tăng trưởng kinh tế khu vực chỉ đạt 2% năm 2010 và giảm xuống 1,5% năm 2011.

Hội nghị cấp cao EU diễn ra trung tuần tháng 12-2010, tại Thủ đô Brúc-xen (Bỉ) đã thông qua quyết định sửa đổi điều 136 của Hiệp ước Li-xbon, nhằm thành lập Quỹ cứu trợ thường trực vào năm 2013, để hỗ trợ các nước thành viên EUROZONE bị rơi vào các cuộc khủng hoảng liên quan kinh tế-tài chính. Tuy nhiên, quyết định này và các biện pháp ứng phó khủng hoảng của EU thời gian qua chỉ mang tính chất chữa cháy, chưa đem lại hiệu quả bền vững. Những nỗ lực của EU nói chung và EUROZONE nói riêng trong việc khôi phục hình ảnh và vị thế của đồng ơ-rô được đánh giá là tích cực, nhưng không thể phủ nhận rằng chưa mang lại tác động đủ mạnh. Vì việc sửa đổi Hiệp ước Li-xbon có mục tiêu thu hẹp khoảng giàu nghèo cách giữa các nền kinh tế trong EUROZONE, nhưng vô hình chung lại nới lỏng những quy định vốn chặt chẽ của EU về chính sách kinh tế-xã hội và thuế. Quyết định cho phép các nền kinh tế thành viên cơ cấu lại nợ vào năm 2013 giúp hệ thống tài chính-ngân hàng ở một số nước tránh bị sụp đổ, nhưng lại phạm vào điều cấm kị trong quản lý kinh tế. Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã biến thành cuộc khủng hoảng niềm tin. Do đó, để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng này, cần phải lấy lại niềm tin của thị trường tài chính và các nhà đầu tư.

Trái với dự đoán của giới phân tích Anh và Mỹ về khả năng sụp đổ của đồng ơ-rô, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) G.Tri-sê khẳng định, cỗ máy kinh tế khu vực EUROZONE đang vận hành tốt nhờ quyết tâm của chính phủ các nước thành viên. Những thách thức nảy sinh, từ cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng tại một số nền kinh tế yếu kém nhất khu vực và đồng ơ-rô mất giá, không thể đe dọa tương lai của đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, tuyên bố mới đây của Chính phủ Xlô-va-ki-a, nước mới gia nhập EUROZONE đầu năm 2009, về khả năng rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu và quay lại sử dụng đồng nội tệ cu-ron, là lời cảnh báo đối với ban lãnh đạo EU. Xlô-va-ki-a cho rằng, sự ổn định của đồng ơ-rô còn bấp bênh và sự đoàn kết trong EUROZONE còn lỏng lẻo; các nước lớn trong EU chưa 'toàn tâm, toàn ý' giúp các nước nhỏ gặp khó khăn, mà chỉ khư khư giữ lợi ích về mình.

Các nước thành viên mới của EU như Ba Lan, Séc, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Lít-va, Bun-ga-ri và Ru-ma-ni rồi sẽ nối gót nhau vào EUROZONE, do không có quyền từ chối đồng ơ-rô như Anh và Ðan Mạch, sau khi đáp ứng các điều kiện của khu vực đồng tiền chung. Khi đó, quy mô về diện tích và dân số của EUROZONE sẽ càng lớn, nhưng áp lực cũng đè nặng lên sức mạnh và sự ổn định của đồng ơ-rô.