Eurozone, tồn tại hay không tồn tại?

NDO - Cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước Hy Lạp, Ai-len, Bồ Ðào Nha... chưa có dấu hiệu khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực ngày một giảm sút, trong khi hai đầu tàu kinh tế là Ðức và Pháp lại đang tỏ ra đuối sức đang đặt khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trước câu hỏi "Tồn tại hay không tồn tại?".

Kinh tế tụt dốc

Theo thông báo của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone gồm 17 thành viên đã chậm lại ở mức 0,2% vào quý II, thấp hơn so với dự báo cũng như kém xa tốc độ tăng trưởng 0,8% của quý trước, chủ yếu là do kinh tế của hai đầu tàu Pháp và Ðức sa sút.

Số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Ðức cho thấy sự tụt dốc của nền kinh tế lớn nhất Eurozone khi GDP

quý II chỉ tăng 0,1%, mức thấp nhất trong hơn hai năm qua và bỏ xa tốc độ tăng 1,3% ngay trong quý trước, làm dấy lên những lo âu về nguy cơ kinh tế mất đà tăng trưởng. Thông tin này cùng với số liệu mới đây cho thấy tăng trưởng GDP của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, trì trệ ở mức 0% càng làm gia tăng quan ngại rằng hai nền kinh tế hạt nhân tại Eurozone đang trải qua một thời khó khăn hơn nhiều so với dự kiến.

Một nền kinh tế lớn khác là Hà Lan cũng rơi vào tình trạng ảm đạm khi tốc độ tăng GDP cũng sụt mạnh so với mức 0,8% trong quý trước. I-ta-li-a và Tây Ban Nha, hai nước đã phải nhờ Ngân hàng Trung ương châu Âu can thiệp để bình ổn các thị trường trái phiếu, chỉ đạt tốc độ tăng GDP ở mức tương ứng 0,3% và 0,2%, khơi lại nỗi lo kinh tế rơi trở lại suy thoái. Còn kinh tế nước láng giềng Bồ Ðào Nha, đã được Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế cứu trợ, vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc khi GDP vẫn dậm chân tại chỗ. Bức tranh kinh tế càng trở nên u ám hơn ở các nước đang ngập trong nợ nần như Hy Lạp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Ai-len, nơi kinh tế hầu như không tăng trưởng hoặc chỉ tăng trưởng yếu ớt, khiến các mục tiêu cắt giảm nợ càng trở nên khó khăn hơn do nguồn thu từ thuế giảm trong khi tiền chi trả phúc lợi gia tăng.

Nguy cơ tan vỡ

Ðể ngăn chặn tình trạng lây lan của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu mua vào nợ công của I-ta-

li-a và Tây Ban Nha, sự hồi phục của thị trường nhờ đó cũng đã có chút dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, dư luận lo ngại liệu ECB có đủ 'kiên trì và thực lực' để cứu vớt hai nền kinh tế này hay không, trong khi các quốc gia khác vốn đang ngập sâu trong khủng hoảng cũng cần được hỗ trợ khẩn cấp. Thêm vào đó, sự 'suy nhược' của nền kinh tế Mỹ khiến thị trường cổ phiếu lâm vào thời kỳ sóng gió, tình hình này cũng đang gia tăng thêm áp lực rất lớn đối với Eurozone.

Chính vì các nhân tố trên, việc Eurozone có nguy cơ tan vỡ đã trở thành chủ đề nóng của dư luận quốc tế trong thời gian gần đây. Tờ 'Người bảo vệ' của Anh mới đây đã công bố đăng tải kết quả điều tra dư luận đối với câu hỏi 'sự lao dốc của thị trường cổ phiếu gần đây phải chăng có nghĩa là Eurozone có nguy cơ tan vỡ?'. Kết quả cho thấy đã có 55,2% người được hỏi đồng ý với câu hỏi trên, trong khi 44,8% bác bỏ giả thiết này.

Ông Han, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Mu-nich (IFO), chuyên gia nổi tiếng của Ðức, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu Hy Lạp tạm rút khỏi Eurozone sẽ tốt cho cả các nước láng giềng lẫn bản thân. Nhà phân tích kinh tế hàng đầu của ECB Ô-tô cũng hối thúc Hy Lạp cần chủ động rút khỏi Eurozone, đồng thời cho rằng một nước không tuân thủ các nguyên tắc của Eurozone thì nên có một 'bếp riêng'.

Khó tìm được thuốc đặc trị

Một chuyên gia tài chính Anh từng cảnh báo, nếu Eurozone bị giải thể, hậu quả của nó sẽ mang tính thảm họa, và vào thời khắc nguy hiểm này, Eurozone đang cần một liều trị liệu hữu hiệu.

Tuy nhiên, cần phải bắt đúng bệnh của Eurozone thì từ đó mới có được phương thuốc đặc trị hữu hiệu. Vấn đề lớn nhất của Eurozone nằm ở chỗ, mặc dù các quốc gia trong khu vực sử dụng một đồng tiền đơn nhất, song tài chính của các nước lại độc lập, điều này tạo thành một mâu thuẫn mang tính kết cấu, trong đó đồng tiền thống nhất và tài chính rối ren khó có thể điều hòa. Mâu thuẫn mang tính kết cấu này thể hiện rõ nhất tại các nước Nam Âu như Hy Lạp hay Bồ Ðào Nha. Một là, các nước này có thể nương tựa vào 'cây đại thụ Eurozone' để 'hóng mát', cho người dân nước mình được hưởng phúc lợi công  kiểu nước Ðức và các nước Bắc Âu, từ đó đã tiêu tốn lượng lớn đồng euro một cách vô tội vạ, tạo ra con số khổng lồ nợ công quốc gia. Hai là, các nước này không thể vận dụng chính sách tỷ giá hối đoái để tiến hành cân bằng bởi đồng nội tệ đã không còn. Các nước này, giống như người không có nguồn thu nhập, trong tay chỉ có một tấm thẻ tín dụng có thể bội chi, khi phát hành thẻ tín dụng bừa bãi, tín dụng của bản thân cũng không còn.

Khác với khủng hoảng nợ công của Mỹ, khủng hoảng nợ công của Eurozone là sự tiêu hao bên trong, do đó, từ cuộc khủng hoảng của Hy Lạp, tiếp đó là của Ai-len và Bồ Ðào Nha, đã dẫn đến ảnh hưởng đối với toàn bộ Eurozone. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng của Mỹ lại kéo theo Trung Quốc, Nhật Bản và cả cộng đồng thế giới 'xuống nước', Mỹ lại có thể dựa vào việc in nhiều tiền giấy để chuyển đẩy khủng hoảng cho nước khác. Nói cách khác, khủng hoảng nợ của Mỹ là 'hại người, lợi mình', trong khi khủng hoảng của Eurozone là 'tự sát tập thể'.

Việc gạt bỏ hoặc cách ly Hy Lạp, một thành viên yếu kém, ra khỏi Eurozne có thể là một biện pháp tự cứu mình bắt buộc của Eurozone. Song, vấn đề ở chỗ, khi các thành viên yếu kém ngày một nhiều, hậu quả của biện pháp này là sự tan rã của Eurozone. Cũng còn một biện pháp khác, đó là 'các thành viên khỏe mạnh' như Ðức sẽ mua lại các khoản nợ xấu của các nước đang lâm vào khủng hoảng, bảo toàn tín dụng của đồng euro và duy trì sự đoàn kết của Eurozone. Tuy nhiên, sự điều tiết vĩ vô này có thể chỉ thực hiện được trong một quốc gia đơn nhất, liệu người dân các nước này có đồng ý với hành động mang màu sắc chủ nghĩa quốc tế vô tư này không?