Bình luận

BẤT PHÂN THẮNG BẠI

Những gì diễn ra trên thực tế trong gần hai năm qua cho thấy sự giằng co bất phân thắng bại giữa một bên là Nga và một bên là Ukraine và phương Tây. Mỗi bên đều đạt được phần nào mục tiêu của mình, nhưng cũng phải chịu những tổn thất nhất định, kể cả về địa chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
Tên lửa chống tăng Javelin của Ukraine do Mỹ viện trợ tại Sân bay quốc tế Boryspil ở Kiev, 2/2022. Ảnh | Valentyn Ogirenko/Reuters
Tên lửa chống tăng Javelin của Ukraine do Mỹ viện trợ tại Sân bay quốc tế Boryspil ở Kiev, 2/2022. Ảnh | Valentyn Ogirenko/Reuters

Chiếm giữ hành lang phía Nam

Moscow chưa bao giờ chính thức đặt thời hạn cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” - theo cách nói của người Nga - về cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine, cũng như không đưa ra những đòi hỏi cụ thể nào về lãnh thổ. Vậy nếu cho rằng Nga đã “thất bại” trong việc đạt các mục tiêu của mình là chưa đủ cơ sở bởi sau hơn một năm rưỡi, cuộc chiến vẫn còn đang tiếp tục.

Sau những đòn tiến công trong những ngày đầu ở khu vực phía Bắc trực tiếp đe dọa cả Kiev, vấp phải sự chống trả quyết liệt, Nga nhanh chóng thay đổi chiến lược, chuyển trọng tâm về vùng Donbass, chiếm giữ loạt thành phố ven biển Azov và vùng Kherson, đánh thông một dải liền mạch từ khu vực phía Đông sang phía Nam, chiếm khoảng 20% diện tích Ukraine.

Việc làm chủ được hành lang phía Nam này không chỉ ngăn chặn Ukraine tiếp cận với biển Azov mà quan trọng hơn là Moscow đã tạo ra được một vùng đệm bảo vệ Crimea, vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.

Kể từ khi phát động cuộc phản công từ ngày 4/6 năm nay, hơn ba tháng trôi qua, có thể đi tới một kết luận, ít nhất là trong thời gian ngắn trước mắt, Kiev không có nhiều cơ hội giành lại được toàn bộ những vùng lãnh thổ đã mất như nhiều tuyên bố của các cấp chỉ huy Ukraine. Đấy có thể xem như là một trong những tổn thất lớn của phía Ukraine.

Không đạt được mục tiêu

Nhưng chiếm giữ được một dải hành lang lãnh thổ chạy từ phía Đông sang phía Nam Ukraine trong thời gian dài bất chấp những cuộc phản công của Kiev - vốn được hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây về vũ khí, trang bị, huấn luyện, thông tin tình báo - nếu có thể xem như là thành công của Moscow thì việc đạt được những mục tiêu chiến lược về địa chính trị, trên thực tế lại không như những gì mà phía Nga dự tính.

Những mục tiêu mà Moscow chính thức công bố khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” là phi phát-xít hóa và phi quân sự hóa Ukraine, những gì diễn ra trong thực tế cho thấy các mục tiêu này ngày càng trở nên mơ hồ hơn.

Người Nga đưa ra một thí dụ để khẳng định mục tiêu này chính đáng bằng việc chính quyền Kiev dưới thời Tổng thống Yushenko ra sắc lệnh truy tặng danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc Ukraine” cho Stepan Bandera, một trong những thủ lĩnh của lực lượng phát-xít ở Ukraine trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai. Moscow cũng nhiều lần đề cập đến việc phải bảo vệ người bản địa gốc Nga ở Donbass khỏi chính sách thù địch sắc tộc, một trong những biểu hiện rõ ràng của chủ nghĩa phát-xít.

Trong suốt thời gian qua, Nga đã sử dụng các loại vũ khí chính xác đánh vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, phá hủy số lượng lớn các thiết bị, khí tài quân sự của Kiev. Các trận chiến khốc liệt cũng đã loại khỏi vòng chiến số lượng lớn vũ khí của Ukraine.

Thế nhưng những tổn thất đó nhanh chóng được các khoản viện trợ quân sự hào phóng của Mỹ và phương Tây nhanh chóng bù đắp. Số liệu do Washington Post công bố kể từ khi chiến sự bùng phát hồi tháng 2/2022, đến tháng 8/2023, chỉ riêng Mỹ đã viện trợ 66,2 tỷ USD cho Ukraine, trong đó 43,1 tỷ USD là viện trợ quân sự trực tiếp. Đây có thể là những con số cực lớn nếu so sánh với những khoản hỗ trợ mà Mỹ cung cấp cho các đồng minh khác trong cùng thời gian, như Israel nhận 8,6 tỷ USD, Ai Cập nhận 3,3 tỷ USD, Jordan nhận 2,9 tỷ USD...

Đấy là chưa kể những khoản viện trợ khổng lồ khác về vũ khí, trang thiết bị quân sự mà các đồng minh của Mỹ trong và ngoài NATO dành cho Ukraine, biến quân đội nước này trở thành đội quân có tốc độ quân sự hóa nhanh nhất thế giới kể từ khi nổ ra chiến tranh đến nay!

Mặc dù tuyên bố về hai mục tiêu chính là phi phát-xít hóa và phi quân sự hóa Ukraine bằng “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng mục tiêu chính của Moscow khi mở ra cuộc chiến là nhằm ngăn Ukraine trở thành thành viên NATO.

Phía Nga cũng không hề giấu giếm mục tiêu này. Trong đề xuất an ninh mà phía Nga gửi cho NATO vào thời điểm giữa tháng 12/2021, phía Nga nói rõ là các nước có quyền tự do lựa chọn cách thức để bảo đảm an ninh của chính họ, kể cả việc gia nhập các liên minh mà các nước này cho là cần thiết; tuy nhiên, Moscow nhấn mạnh nguyên tắc “an ninh không tách rời”, nghĩa là “một quốc gia không được phép tăng cường an ninh của mình bằng cách làm tổn hại an ninh của quốc gia khác”.

Dựa trên nguyên tắc này, phía Nga yêu cầu NATO cam kết không tiếp tục mở rộng về phía Đông và không kết nạp Ukraine vào NATO. Việc kết nạp này, nếu diễn ra, sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Moscow.

Hơn hai tháng sau, chiến sự nổ ra. Hẳn nhiên là khi phát động cuộc chiến, kiểm soát một vài vùng lãnh thổ của Ukraine, Moscow đã tính rằng điều đó sẽ chặn đứng tham vọng của NATO muốn kết nạp nước láng giềng Ukraine, ngăn ngừa khả năng đường biên của khối này được đẩy tới sát nước Nga. Lý do vì nếu kết nạp Ukraine, một nước đang tranh chấp lãnh thổ và có chiến tranh nóng với Nga thì cũng có nghĩa là NATO sẽ đụng độ trực tiếp với Nga do Điều 5 Hiến chương NATO về phòng vệ tập thể của khối này sẽ tự động được kích hoạt. Đấy là viễn cảnh mà không một quốc gia thành viên NATO nào muốn.

Nhưng Moscow không tính đến một yếu tố khác, hoàn toàn bất ngờ: chỉ vài tháng sau khi nổ ra chiến tranh, Thụy Điển, quốc gia đã giữ vững chính sách trung lập trong 200 năm và Phần Lan, đã trung lập suốt 80 năm qua, bất ngờ nộp đơn xin gia nhập NATO. Cả hai nước này, dù vấp phải những sự cản trở từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhanh chóng trước sau gia nhập NATO. Đường biên của Nga với NATO đột nhiên dài ra gấp đôi và biển Baltic trở thành “biển NATO” bởi 8 trong số 9 quốc gia (trừ Nga) giờ đây đều là các thành viên của NATO. Đấy thật sự là một cơn ác mộng địa chính trị đối với Moscow.

Sự hụt hơi của công nghiệp quốc phòng phương Tây

Khi hình thành một “liên minh viện trợ” cho Ukraine, cả Mỹ và phương Tây đều tin rằng với tiềm lực kinh tế hùng mạnh, các quốc gia này thừa sức liên thủ để hỗ trợ vũ khí đạn dược giúp Ukraine kháng cự thành công người Nga.

Cuộc chiến tranh ở Ukraine đã khiến phương Tây nhận thức ra một thực tại phũ phàng: các nền công nghiệp quốc phòng của họ không bắt kịp được nhu cầu sử dụng vũ khí đạn dược của Ukraine, trong khi bất chấp các biện pháp trừng phạt nghiệt ngã, nền công nghiệp quốc phòng Nga, một khi đã bật “công tắc thời chiến” có khả năng liên tục duy trì ưu thế của Moscow về mặt vũ khí trên chiến trường.

Chính do thiếu một nền công nghiệp thời chiến nên Mỹ cùng các đồng minh của mình phải chật vật tìm lối thoát để hỗ trợ cho Ukraine, kể cả vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức từng kêu gọi thế giới phải tôn trọng. Do Mỹ đã cạn kiệt loại đạn pháo 155 ly mà Ukraine yêu cầu để sử dụng trên chiến trường nên Washington đi tới quyết định cung cấp đạn chùm cho Ukraine, dù trước đó từng coi việc sử dụng loại đạn này là “tội ác chiến tranh”.

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy rõ nét thực tại hụt hơi của nền công nghiệp quốc phòng phương Tây. Khi xung đột càng kéo dài, khoảng cách giữa yêu cầu viện trợ vũ khí của Ukraine với khả năng đáp ứng của các nền kinh tế phương Tây càng nới rộng. Điều đó chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến hiệu quả cuộc phản công mà Kiev đang tiến hành và xa hơn, ảnh hưởng đến cả tiến trình của cuộc chiến ở Ukraine.

Có thể thấy, những gì được tính toán về lý thuyết và sự thật trên thực địa có một khoảng cách rất xa. Cả hai bên, Nga và Ukraine - với sự hậu thuẫn từ phương Tây - đều có những tính toán sai lầm, mang đến sự đan xen giữa thành công và thất bại, không bên nào chiếm được ưu thế tuyệt đối. Nó lý giải tình thế giằng co bất phân thắng bại của hai bên trên chiến trường hiện nay và chưa biết đến lúc nào mới kết thúc.