Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV

Bảo đảm tinh thần "dọc ngang thông suốt"

Tuần đầu của kỳ họp Quốc hội lần này, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề kinh tế-xã hội vĩ mô. Cùng với những đánh giá, phân tích, điều mà không ít ý kiến còn trăn trở là làm sao để những chính sách mới ban hành thật sự đi vào cuộc sống, thông suốt và hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên Khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đăng Khoa
Quang cảnh phiên Khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đăng Khoa

CHO ý kiến tại phiên họp sáng 24/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá: Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã thể hiện rõ bức tranh toàn cảnh, đánh giá rõ những ưu điểm, thành tựu nổi bật, đặc biệt là nhìn nhận được những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu Hà Quốc Trị (đoàn Khánh Hòa) nêu ý kiến thẳng thắn: cần phân tích sâu hơn và làm rõ hơn những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc, nhất là tỷ lệ đầu tư tư nhân sụt giảm chỉ còn bằng một phần sáu so giai đoạn trước đại dịch. Theo ông, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tín dụng tăng trưởng thấp, dù Trung ương đã đề ra những chính sách rất thông thoáng về tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhưng các cấp địa phương lại thực hiện một cách quá chặt chẽ, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, bảo đảm các điều kiện đi kèm.

Đề cập một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nền kinh tế chưa thật sự bứt phá, một số đại biểu Quốc hội lấy dẫn chứng từ lĩnh vực du lịch. Bởi đây là lĩnh vực liên ngành, lại chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Có đại biểu phản ánh, tuy chủ trương từ Trung ương rất thông thoáng, nhưng thực tế tại địa phương, ở một số cửa khẩu, thủ tục nhập cảnh còn rất rườm rà, chậm chạp, gây khó khăn trong việc thu hút khách du lịch.

Chỉ ra những vướng mắc trong chính sách, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Đơn cử, ước cả năm 2023 có 5 trong số 15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm ngoái có 2 trong số 15 chỉ tiêu không đạt), đáng chú ý chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ ba liên tiếp. Mặc dù Trung ương, Quốc hội và Chính phủ luôn yêu cầu và đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; vì thế, các đại biểu đề nghị, đây là vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng, làm rõ nguyên nhân.

Một số đại biểu Quốc hội phân tích, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương còn một số vấn đề chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số khó khăn, thách thức. Nhất là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục triệt để.

ĐẠI biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, thời gian tới, cần chú trọng đầu tư phát triển văn hóa và đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, đồng thời, cần đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn suy thoái về đạo đức lối sống, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cùng với đó, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn, theo đó, phải tính các cơ cấu vốn và đầu tư phù hợp cho các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, có ấn định đúng mức, thỏa đáng đối với những lĩnh vực này.

Đề cập Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Ủy ban Kinh tế kiến nghị, Chính phủ sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam. Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch để tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù ở các địa phương và lĩnh vực đã được Quốc hội ban hành nghị quyết. Tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, bao gồm các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư và có giải pháp để tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Sớm triển khai một cách thực chất, hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng đã được Chính phủ thành lập. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tổng hợp ý kiến của cử tri, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh một trong ba điểm kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ: Bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thảo luận kỹ lưỡng những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân khi nhà nước thu hồi đất.