Bảo đảm quyền tự do kinh doanh

“Quyền tự do kinh doanh” bắt đầu được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 và được tái khẳng định theo hướng cởi mở hơn trong Hiến pháp năm 2013. Sự chuyển biến về tư duy còn được hiện thực hóa trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, đặc biệt là ở các văn bản gốc tác động lớn đến cộng đồng kinh doanh như Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Tuy vậy, bảo đảm quyền tự do kinh doanh vẫn là cuộc chiến đầy cam go.

Khi gỡ bỏ những rào cản tham gia thị trường, sẽ tạo cơ hội phát triển cả về lượng và chất cho đội ngũ doanh nghiệp Việt.
Khi gỡ bỏ những rào cản tham gia thị trường, sẽ tạo cơ hội phát triển cả về lượng và chất cho đội ngũ doanh nghiệp Việt.

Dọn dẹp “rừng” điều kiện kinh doanh

Trong một thời gian dài kể từ khi có những quy định đầu tiên thừa nhận kinh tế thị trường và cạnh tranh, ở Việt Nam chưa tồn tại một cơ chế kiểm soát việc ban hành và áp dụng các rào cản gia nhập thị trường. Trước năm 2005, trong pháp luật Việt Nam về kinh doanh nói chung, không có định nghĩa về điều kiện kinh doanh, thẩm quyền ban hành các điều kiện kinh doanh không bị giới hạn và mục tiêu ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh cũng không được xác định rõ ràng.

Chính vì vậy, giữa các cơ quan nhà nước với nhau thường có cách hiểu hoặc diễn giải khác nhau về điều kiện kinh doanh cũng như xác định các mục tiêu quản lý nhà nước khi áp đặt điều kiện kinh doanh đối với một ngành, nghề nào đó. Điều này cũng dẫn đến tình trạng là nhiều điều kiện kinh doanh được ban hành không rõ mục tiêu quản lý, hoặc để phục vụ các mục tiêu không phù hợp, có tính cản trở đối với sự phát triển của thị trường hay để bảo vệ cho một nhóm lợi ích nhất định.

Điều đáng quan ngại hơn cả là do không có giới hạn nào về thẩm quyền ban hành các điều kiện kinh doanh nên rất nhiều điều kiện kinh doanh được ban hành ở văn bản cấp Bộ và địa phương- như một dạng hoạt động quản lý hành chính, không được kiểm soát chặt chẽ và vì vậy tạo ra một “rừng” các điều kiện kinh doanh phức tạp về nội dung, nhiều về số lượng, dưới vô số các dạng thức, tên gọi khác nhau (chấp thuận, ý kiến đồng ý, phê chuẩn/duyệt, báo cáo…). Hệ quả là môi trường cạnh tranh trong các lĩnh vực ngành nghề có các điều kiện kinh doanh bất hợp lý này bị bóp méo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các nhóm chủ thể nhất định và gây ra thiệt hại cho các chủ thể cạnh tranh khác cũng như người tiêu dùng.

Cơ chế kiểm soát các rào cản thị trường chỉ chính thức hình thành từ năm 2005, với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2005. Cụ thể, trong Luật này, lần đầu tiên việc ban hành các quy định chứa các rào cản gia nhập thị trường dưới hình thức các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam đã được đưa vào khung khổ, qua đó được kiểm soát. Luật đã loại bỏ thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh của các Bộ, địa phương.

Thiết kế các “nút chặn”

Năm 2014, các quy định về điều kiện kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp 2005 được chuyển sang Luật Đầu tư năm 2014 với một số bổ sung quan trọng, trong đó phải kể đến việc giới hạn các mục tiêu ban hành điều kiện kinh doanh. Như vậy, ngoại trừ các điều kiện nhằm bảo vệ các trật tự công, cơ quan Nhà nước không được ban hành bất kỳ điều kiện ràng buộc nào cho việc gia nhập thị trường của các chủ thể trong mọi ngành nghề đầu tư kinh doanh. Luật Đầu tư năm 2014 quy định, cần xây dựng và công khai một Danh mục về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, qua đó minh bạch hóa chính sách về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Có thể nói Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2014 đã tạo ra khung khổ cơ bản để kiểm soát các rào cản gia nhập thị trường ở Việt Nam. Lần đầu tiên, các mục tiêu của quy định về điều kiện kinh doanh được xác định và Danh mục đầy đủ các ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện được tập hợp trong một văn bản Luật. Đây được xem là một bước đột phá về tính minh bạch trong chính sách và kỳ vọng là “nút chặn” có hiệu quả việc ban hành các điều kiện kinh doanh một cách thiếu kiểm soát, bất hợp lý như trước đây.

Lĩnh vực kinh doanh ngày càng đa dạng, luôn biến đổi, bộ máy nhà nước thì lại hữu hạn. Do vậy, sứ mệnh của Nhà nước phải bảo đảm không gian của quyền tự do kinh doanh rộng mở, chứ không phải từ sự hữu hạn của mình mà níu hẹp không gian này.

Cảnh báo bước lùi trong cải cách

Thế nhưng, dù đã có các cơ sở pháp lý để xác định các quy định về điều kiện kinh doanh như đã đề cập ở trên, thì thực tế vẫn có những bất cập lớn. Trước hết, theo báo cáo của Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (Tổ công tác), hiện có 16 ngành, nghề trong 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng. Như vậy, chưa bảo đảm thực thi quyền cho doanh nghiệp.

Bảo đảm quyền tự do kinh doanh ảnh 1

Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định 8 hành vi bị cấm.

Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, thì có đến 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản pháp luật được ban hành không đúng thẩm quyền, bao gồm cả các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.

Cũng theo Luật Đầu tư, các điều kiện đầu tư kinh doanh đã được ban hành trước ngày 1-7-2015 dưới hình thức thông tư, quyết định sẽ đương nhiên hết hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ công tác, các bộ chưa chú ý rà soát, đánh giá bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết. Nhìn chung, chất lượng của hệ thống các quy định điều kiện kinh doanh chưa có sự cải thiện so với trước.

Đáng lo ngại, điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn tiếp tục được ban hành trái thẩm quyền. Một số bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các Thông tư, trong đó có quy định về điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn như, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13-7-2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 3-12-2015 quy định về hành nghề chứng khoán. Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30/2015/TT-BYT ngày 12-10-2015 quy định về hồ sơ, thủ tục cấp mới, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi đối với giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế; trong đó quy định về các điều kiện kinh doanh… Rõ ràng, có nhiều điều kiện kinh doanh quy định tại cấp thông tư ban hành sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, như vậy là trái luật nhưng vẫn đang được áp dụng. Điều này đã làm suy giảm hiệu lực thi hành các quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.