Bản chất của thuế giá trị gia tăng là gián thu, đánh trên giá trị gia tăng qua mỗi khâu sản xuất và được khấu trừ liên hoàn. Khi phân bón không phải chịu thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ thuế đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng lên do buộc phải cộng chi phí không được khấu trừ vào giá bán, từ đó giá thành cũng tăng cao.
Một chính sách, cả “ba nhà” thua thiệt
Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là một doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước, hằng năm oằn vai “gánh” khoản chi phí thuế lên tới khoảng 250 tỷ đồng. Theo ông Lê Anh Tuấn, Kế toán trưởng của Công ty, điều này đã hạn chế khả năng cạnh tranh của Đạm Hà Bắc, buộc doanh nghiệp phải giữ giá bán thấp để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu nhưng lại không được khấu trừ thuế đầu vào.
Như vậy, có thể nói, chính sách miễn thuế giá trị gia tăng với phân bón đã “vô tình” khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó, còn giá phân bón bán ra lại không giảm như kỳ vọng. Giá phân bón tăng cao khiến nông dân phải tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ hơn để tiết giảm chi phí, tạo cơ hội cho phân bón giả, kém chất lượng ngang nhiên phát triển tràn lan.
Dẫn số liệu về giá trong suốt gần chục năm qua, ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Bắc Hồng cho rằng, từ khi áp dụng Luật Thuế Giá trị gia tăng (Luật số 71/2014/QH13), giá phân bón đã tăng 30%. Cụ thể, năm 2014, chi phí phân bón cho mỗi sào ruộng (360 m2) chỉ vào khoảng 300.000 đồng, hiện đã tăng lên gần 500.000 đồng, chiếm một phần đáng kể trong chi phí sản xuất của nông dân.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm tham gia xây dựng chính sách thuế, theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), sau quá trình thực hiện Luật số 71/2014/QH13 (từ năm 2015 đến nay), thực tiễn vận động của nền kinh tế đã có tác động bất lợi đối với cả ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn tới không đạt được kỳ vọng như mục tiêu định hướng Nhà nước đã đề ra.
Dẫn những phản ánh cụ thể từ thực tiễn, ông Phụng cho rằng, do phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế giá trị gia tăng, cả ba "nhà" của Việt Nam bị thua thiệt: Nhà nước thất thu ngân sách mà vẫn không thể thực hiện được cơ chế hỗ trợ hợp pháp cho nông nghiệp; nhà nông không được hưởng lợi giảm giá, giảm chi phí đầu vào cho dù giá phân bón tăng hay giảm, do doanh nghiệp phải hạch toán thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ đưa vào giá thành, cộng vào giá bán để bảo toàn vốn; nhà sản xuất phân bón trong nước ở vào thế yếu trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Cần xóa bỏ sự bất cập do hai cơ chế giá
Với những phân tích cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C. Nguyễn Văn Thứ thẳng thắn chỉ rõ, một trong những bất cập lớn của chính sách thuế hiện hành là tạo ra hai cơ chế giá cho cùng một mặt hàng. Thực tế, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đang phải chịu thuế khi mua phân bón, trong khi nông dân lại mua với giá không có thuế. Điều này dẫn đến sự không đồng nhất trong chính sách thuế, người nông dân phải chịu thiệt.
Trong khi đó, phân bón nhập khẩu không chỉ không chịu thuế giá trị gia tăng mà còn được các nước xuất khẩu hoàn thuế. Điều này khiến hàng nhập khẩu dễ dàng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường.
Trước thực trạng này, giới chuyên gia đã đề xuất giải pháp đưa phân bón trở lại diện chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5%. Tiến sĩ Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% không chỉ xóa bỏ bất cập về chuyện “hai cơ chế giá” mà còn giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, từ đó, người nông dân cũng được hưởng lợi. Hơn thế, còn tạo sự công bằng trong chính sách thuế giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương (Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế), khi phân bón quay lại chịu thuế giá trị gia tăng 5%, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải căn cứ giá nhập khẩu thực tế; còn doanh nghiệp sản xuất trong nước căn cứ mặt bằng giá của thị trường nội địa để tính toán giá bán với mức lợi nhuận hợp lý, duy trì khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ưu điểm của việc chuyển phân bón sang đối tượng áp dụng thuế suất 5% là vừa thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Phân bón sản xuất trong nước hiện chiếm hơn 73% thị phần.
Chính phủ đã đề nghị sửa đổi, đưa phân bón trở về chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Cả về cơ sở khoa học và những minh chứng thực tế cho thấy, đề xuất này của Chính phủ là hợp lý!”- Đại biểu Quốc hội TRỊNH XUÂN AN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Khẳng định sự đồng tình về việc áp thuế suất giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón như đề xuất của Chính phủ đã trình Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn nhận định, thực tế minh chứng, chính sách thuế giá trị gia tăng đối với phân bón được sửa đổi năm 2014 đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian qua. Vấn đề này cần được giải quyết dứt điểm ngay trong kỳ họp này.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 26/11 tới đây.