Khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cũng cho thấy, tình trạng sụt lún đất nền ở Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra liên tục từ năm 1990, với độ lún tích lũy đến nay ước tính khoảng 100 cm, tốc độ lún khoảng 2-5 cm/năm. Riêng những khu vực tập trung các công trình thương mại có tốc độ lún khoảng 7-8 cm mỗi năm. Hiện tốc độ lún nền đất tại Thành phố cao gấp hai lần so với nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm).
Áp lực sụt lún ngày càng lớn
Thành phố Hồ Chí Minh, xếp thứ hai trong 10 đô thị ven biển trên toàn thế giới về tốc độ “chìm dần” do lún mặt đất. Thực tế này được PGS. TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra trong một nghiên cứu hồi tháng 4/2024. Chính sự kết hợp giữa sụt lún đất với triều cường và mực nước biển dâng đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của Thành phố. Đồng thời, cũng gây nhiều thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Ngoài ra, một nghiên cứu của Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, dựa trên xử lý chuỗi số liệu từ năm 2006 đến nay, đã xác định được những khu vực có tốc độ sụt lún đất cao và bước đầu tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng sụt lún tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, khi tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Thành phố ngày càng nhanh thì áp lực sụt lún lại càng lớn. Nhất là hiện nay, nhiều khu dân cư mới xuất hiện, góp phần ảnh hưởng đến tình trạng sụt lún của các khu dân cư chung quanh có từ trước. Trong đó, nhà xây sau có xu hướng cao hơn nhà xây trước cũng sẽ khiến nguy cơ sụt lún trở nên khó lường và diễn biến phức tạp.
Nhằm góp phần xây dựng kế hoạch dài hạn cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và triều cường, sụt lún nói riêng trên địa bàn, từ năm 2019, Thành phố đã triển khai dự án “Xác định lại cao độ hệ thống mốc độ cao bị sụt lún trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, căn cứ 23 mốc cao độ hạng II do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, để khôi phục, xác định lại giá trị cao độ mới vào hệ thống mốc độ cao hạng IV của Thành phố. Thành phố cũng đã triển khai xây dựng bốn điểm mốc độ cao thế kỷ đặt tại Quận 12, Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh từ năm 2022 và đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.
Lập kế hoạch giảm khai thác nước ngầm
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, có bốn nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún ở Thành phố, gồm: nền địa chất yếu, mật độ xây dựng cao, hoạt động giao thông và khai thác nước ngầm quá mức.
Khi phát triển dự án nhà, khu phức hợp cao tầng, Thành phố cần đánh giá kỹ lưỡng nhằm giảm tác động đến các khu vực chung quanh và những người yếm thế"- PGS, TS Lê Trung Chơn
PGS, TS Lê Trung Chơn, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển bền vững (Thành phố Hồ Chí Minh), dẫn chứng: Các khu dân cư cao tầng dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) không gây sụt lún cho chính khu vực đó mà tác động đến các khu chung quanh. Lý do là công trình xây dựng trên kết cấu cứng, khu vực xây công trình bị bê-tông hóa, nước không thấm xuống được nữa, gây ra áp lực nước lỗ rỗng. Hiện tượng này cùng với việc nước mưa chảy tràn ra khu vực chung quanh gây ra tình trạng sụt lún mặt đất.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, hoạt động giao thông tác động không đáng kể đến tình trạng sụt lún ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngoại trừ việc trên một số tuyến đường, có nhiều xe tải trọng lớn qua lại thường xuyên, như đường Nguyễn Văn Linh. Song trong tương lai, việc vận hành các tuyến metro sẽ tạo rung chấn, tác động lên nền đất chung quanh, góp phần dẫn đến sụt lún giống như thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hiện nay.
PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất: Thành phố cần gia tăng hạ tầng xanh, không gian chứa nước để thích ứng thay vì chỉ tập trung vào hệ thống thoát nước để chống ngập. Trong các phân khu chức năng, cần bổ sung mảng xanh, gắn kết các công viên, coi đây là một khu vực có chức năng chống ngập. Cần quy định rõ trách nhiệm đầu tư mảng xanh trong các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, còn nhà nước chỉnh trang đô thị, các dự án cải tạo kênh rạch.
Nhiều ý kiến khuyến nghị theo hướng, với tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh, thời tiết ngày càng cực đoan và nước triều ngày càng cao, hiện tượng sụt lún tại Thành phố Hồ Chí Minh cần giảm phụ thuộc vào nước dưới đất, tăng cường xây dựng công trình cấp nước sạch từ các nguồn khác. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng những biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm giảm khả năng hạ thấp mực nước, thu gom nước mưa từ hệ thống mái nhà, sân bãi. Đặc biệt, Thành phố cần đầu tư một hệ thống giám sát thường xuyên và dự báo về tình hình sụt lún nền đất trên địa bàn, nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp.
Điều quan trọng, thành phố phải sớm thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cơ chế để nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới, kêu gọi đầu tư các dự án chống sụt lún theo đúng quy hoạch.