Bắn súng luôn là môn thể thao thế mạnh của Việt Nam ở đấu trường quốc tế, thế nhưng tại ASIAD, các xạ thủ Việt Nam tỏ ra kém duyên. Chứng kiến khoảng khắc lên ngôi của học trò, HLV Hoàng Xuân Vinh tỏ rõ sự vui mừng khi Phạm Quang Huy thi đấu đầy tự tin và bản lĩnh mang về tấm HCV danh giá ASIAD 19, cũng là HCV đầu tiên của bắn súng Việt Nam tại một kỳ Á vận hội.
Năm 1982, thể thao Việt Nam chính thức tham dự ASIAD và bắn súng chính là đội tuyển giúp đoàn có huy chương đầu tiên nhờ công xạ thủ Quốc Cường (HCĐ). Tới ASIAD 2010 tại Trung Quốc, tấm HCV tưởng chừng như cầm chắc trong tay Hoàng Xuân Vinh nhưng lại tuột mất theo cách khó tin. 13 năm sau, cũng tại đất Trung Quốc, lịch sử sang trang với bắn súng Việt Nam khi học trò của Hoàng Xuân Vinh là Phạm Quang Huy xuất sắc vô địch 10m súng ngắn hơi nam cá nhân, nội dung mà thầy Hoàng Xuân Vinh của anh lên ngôi tại Olympic 2016.
Trước đó, Quang Huy cùng Phan Công Minh và Lại Công Minh giành HCĐ nội dung đồng đội nam 10m súng ngắn hơi. Có thể thấy, bắn súng Việt Nam đang có sự tiếp nối rất ấn tượng ở nội dung này, như HLV Hoàng Xuân Vinh chia sẻ: “Việt Nam vẫn luôn có thế mạnh ở nội dung súng ngắn hơi trong khu vực, quá trình đào tạo và tuyển chọn đối với súng ngắn cũng có nhiều thuận lợi và điều kiện có thể phát triển nhanh hơn bởi đầu tư trang bị không quá lớn so với súng trường”.
Đây là lần đầu tiên tham dự một kỳ ASIAD của xạ thủ 27 tuổi, nhưng anh đã đánh bại lần lượt các đối thủ Hàn Quốc, Uzbekistan, Ấn Độ và chủ nhà Trung Quốc để lên ngôi cao nhất trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Với những thành tích cá nhân không mấy nổi trội ở các giải trong và ngoài nước, Quang Huy không được kỳ vọng nhiều. Và có lẽ chính vì không bị áp lực đè nặng cùng điểm rơi phong độ tốt, anh đã giành HCV ASIAD ở nội dung anh chưa vô địch quốc gia 1 năm qua.
Xạ thủ Phạm Quang Huy giành HCV ASIAD 19 trong sự ngỡ ngàng. (Ảnh: N.T) |
Với 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ, Tuyển bắn súng Việt Nam đã có một kỳ Á vận hội đáng nhớ nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, cũng như nhiều đội tuyển thể thao khác, ASIAD 19 chưa phải điểm khép lại, bởi trước mắt còn nhiệm vụ quan trọng là giành tấm vé đến Olympic Paris 2024. Có một thực tế, ngoài tấm HCV đầy đột biến của Phạm Quang Vinh, có nhiều xạ thủ phải rời cuộc chơi trong tiếc nuối khi thi đấu dưới kỳ vọng.
Tấm HCV của bắn súng tưởng như có thể đến sớm hơn khi Ngô Hữu Vương lọt vào chung kết nội dung 10m súng trường hơi di động nhưng lại giành HCB trong tiếc nuối. Trong khi đó, niềm hy vọng ở một số nội dung khác cũng không thể hoàn thành mục tiêu, như ở nội dung 10m súng ngắn hơi hỗn hợp nam nữ, thành tích của bộ đôi Trịnh Thu Vinh-Lại Công Minh còn thua xa so với khi tập luyện.
Trường hợp của Trịnh Thu Vinh cũng đem đến sự tiếc nuối khi thi đấu dưới sức và phải bật khóc vì thất vọng. Hiện tại, bắn súng Việt Nam mới có một suất chính thức dự Olympic 2024 của xạ thủ 23 tuổi này ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và những giọt nước mắt của Thu Vinh cho thấy phần nào áp lực mỗi VĐV phải gánh trên vai khi bước ra đấu trường quốc tế.
Kể từ năm 2016, bắn súng Việt Nam mới lại có một tuyển thủ vượt qua vòng loại để chính thức có mặt tại Olympic 2024. Ủy ban Olympic quốc tế không công nhận thành tích của VĐV tại ASIAD 19 là cơ sở để trao suất Olympic, do vậy, tất cả các xạ thủ muốn sở hữu tấm vé này đều phải thi đấu các giải vòng loại tiếp theo. Gần nhất là giải Vô địch châu Á diễn ra ngày 20/10 tại Hàn Quốc, tiếp đó là giải Vô địch châu Á vào tháng 2/2024 dành cho súng ngắn và súng trường tổ chức ở Indonesia.
Thể thao Việt Nam có lẽ không hề muốn nhà vô địch bắn súng ASIAD lại tuột cơ hội tham dự Olympic. Vấn đề bây giờ phải làm sao để nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy thích nghi được với áp lực mới mà anh chưa từng trải qua, làm sao để anh có được thành tích ổn định thay vì dừng lại sau thành tích đột biến. Việc vượt qua áp lực để hướng đến mục tiêu tiếp theo là không hề dễ dàng. Thành công của bắn súng Việt Nam ở ASIAD 19 lần này đã khẳng định cho sự tiến bộ từng ngày của các VĐV và hy vọng đây sẽ là bệ phóng tốt để họ tự tin hướng đến tương lai.