Baikal mùa đông: Lộng lẫy và kỳ bí

Từ cuối tháng 11, những cơn gió mùa thu dữ dội xáo động mặt hồ. Tuyết dần phủ trắng những ngọn núi. Sương giá Siberia đẩy lui những ấm áp cuối cùng của mùa hè ra khỏi làn nước, mặt hồ Baikal dần dần bị đóng băng.
0:00 / 0:00
0:00
Băng trên hồ Baikal mùa đông.
Băng trên hồ Baikal mùa đông.

Rong ruổi trên mặt băng

Chuyến bay dài gần sáu tiếng từ Moskva đưa chúng tôi đến xứ sở băng giá Irkutsk, rồi từ đây băng qua những cánh rừng taiga bạt ngàn trắng toát, để đến được mũi đất nhìn ra hồ Baikal. Trước mắt chúng tôi, hồ nước ngọt sâu nhất thế giới đóng băng, lặng như tờ trong cái rét Siberia tê tái. Những cơn gió rít xuống từ những rặng núi trắng xóa vờn trên lớp băng già đã cứng cáp. Từng đoàn xe ung dung băng qua con đường trắng toát dài tưởng chừng không có điểm cuối. Sống ở nước Nga mùa đông lạnh giá, không phải lúc nào cũng có cơ hội đi qua một lớp băng dày hơn cả mét, trải dài mấy chục cây số như trên hồ Baikal.

Sợ không? Có. Ngay cả tài xế Kamil, người đã sống hàng chục năm trong cái lạnh thấu xương ở Irkutsk, lớn lên cùng những dòng sông băng trắng muốt, cũng vẫn cảm thấy e ngại. Nhất là thỉnh thoảng chặn đường chúng tôi là những vệt băng nứt rộng cả mét, nước sẫm màu chếnh choáng chờ trực trào lên. Các vết nứt thẳng đứng do băng giãn nở khi nền nhiệt tăng giảm theo ngày, kèm theo những âm thanh lạ. "Bản giao hưởng" mạnh mẽ đó có lúc ầm ầm đầy hù dọa từ những khối băng ở xa, có lúc rên rỉ kéo dài từ những cú va chạm rất gần- những ấn tượng đôi khi khủng khiếp với những người không quen.

Nhưng kỳ lạ là sau một lát, nỗi sợ hãi biến mất. Con người đến Baikal, có thể vì ngưỡng mộ, nên có lúc tự cho mình "bất chấp" trong giới hạn, để mong được chạm sâu nhất vào cái đẹp ở đây. Dọc theo mặt hồ, dưới lớp băng tối tăm trong vắt bí ẩn, là những sọc trắng chạy chằng chéo, trông như một sân trượt băng nghệ thuật khổng lồ ngoài trời. Vẻ đẹp kỳ diệu đó kéo mọi người ra khỏi xe, hạ người, chong mắt xuống đáy hồ, nơi những khối đá tròn đang im lìm trên cát.

Áp tai vào mặt băng, nhắm mắt, tiếng sóng sâu vỗ ầm ào, như có một nguồn năng lượng vô tận phía dưới mê hoặc. Đó là lúc để cảm nhận hồ Baikal nằm ở kẽ hở sâu nhất trên bề mặt hành tinh. Khe nứt này cũng là vùng đứt gãy phức tạp nhất và khó hiểu nhất trong lớp vỏ Trái đất. Độ sâu trung bình của hồ khoảng 745 mét, điểm sâu nhất đạt tới hơn 1.600 mét. Theo các nhà khoa học, hồ Baikal được hình thành cách đây khoảng 20-30 triệu năm. Điều kỳ lạ là Baikal không có dấu hiệu lão hóa. Ngược lại, các nghiên cứu gần đây cho thấy các đứt gãy vẫn đang hoạt động, mở rộng khoảng 2cm mỗi năm, cho phép đặt ra giả thuyết rằng, Baikal là một đại dương non trẻ.

Baikal mùa đông yên ả, dễ chiều hơn. Sóng không còn điên cuồng "dâng lên tận mây", đập vào đá. Cây cối, bụi rậm ven hồ, rồi những tảng đá, những thứ nằm trong tầm với của những con sóng dữ dằn giờ đã được phủ những hoa văn họa tiết trắng xóa, hay những nhũ băng cả trăm sắc thái. Những tâm hồn khô khan nhất đến đây cũng cảm nhận như bước vào thế giới cổ tích, với vô số hình cây, con vật, mặt người. Những hang động trong mũi đá trên băng trông giống như miệng rồng, với những cột băng khổng lồ như những chiếc răng sắc nhọn. Đó là băng hình thành từ những cơn bão tháng 12, khi các đợt sóng đập vào và đóng băng trên những tảng đá.

Xe rong ruổi dọc đường, đưa chúng tôi ngắm nhìn những tuyệt tác tự nhiên tại các mũi đá của đảo Olkhon, hòn đảo lớn nhất trên hồ. Những cơn bão sóng đã giúp tạo ra những tảng băng đẹp lạ thường, xếp chồng lên nhau, đa mầu sắc. Nổi bật là mầu ngọc lam đậm, như bầu trời xanh phản chiếu. Nhưng kỳ lạ là băng Baikal phát sáng ngay cả trong ngày u ám, và bầu trời không liên quan gì đến thứ ánh sáng ngọc lam mê hồn ấy. Chiều về, khi mặt trời khuất sau đường chân trời, một tia sáng mầu tím hồng tràn ngập bề mặt băng giá vô tận. Ở phía xa trên các đỉnh núi, tuyết vẫn cố sáng lên rực rỡ. Những chân đồi, sườn dốc chuyển mầu tím hồng.

Baikal mùa đông: Lộng lẫy và kỳ bí ảnh 1

Những cột gỗ trên đảo Olkhon nơi các pháp sư thường làm lễ.

Vùng đất thiêng

Có nhiều truyền thuyết về Baikal, hồ có trữ lượng nước ngọt lớn nhất hành tinh, với khoảng 1/5 trữ lượng nước ngọt trên thế giới. Người dân địa phương tôn sùng, gọi đó là vùng biển thiêng, nơi của quyền lực, là cha, là trụ cột gia đình. Câu chuyện về biển hồ Baikal thiêng liêng đã chiếm lấy tâm trí chúng tôi ngay từ sự tích hòn đá Shaman nằm gần thị trấn Listvyanka ven hồ.

Một trong những truyền thuyết đẹp nhất kể rằng, Baikal tức giận đã ném viên đá này sau khi Angara, đứa con gái ngỗ nghịch của ông chạy trốn vì cô từ chối kết hôn với Irkut để đến bên Yenisei. Chính viên đá nằm im lìm trên mặt nước gợn sóng đã đánh dấu ngọn nguồn dòng Angara - dòng sông duy nhất chảy ra từ Baikal, trong khi có hàng trăm sông khác đổ vào hồ.

Điều kỳ lạ là mùa đông, nước tại ranh giới giữa sông Angara với hồ Baikal không đóng băng. Chỉ thường thấy những làn khói xám lơ lửng trên mặt nước. Chính hòn đá này là nơi người xưa tìm đến như một quan tòa phân xử. Nếu tội lỗi của một người không thể định đoạt được, họ để anh ta trên hòn đá suốt đêm. Đến sáng nếu còn sống, tức anh ta được xem là vô tội. Nếu dòng nước xoáy của sông Angara cuốn anh đi, thì là do anh ta mắc lỗi.

Biển hồ vô tận Baikal có nhiều cảnh quan níu chân du khách lưu lại dài ngày trên đảo Olkhon. Là trái tim của Baikal, Olkhon được biết đến bởi không ít truyền thuyết kỳ lạ, mang đậm màu sắc tâm linh. Nhiều người đến đây vì tin rằng hòn đảo có một nguồn năng lượng mạnh mẽ, khiến cơ thể cảm thấy hoạt bát hơn cũng như được gột tẩy sạch sẽ. Những ngư dân địa phương trước khi ra khơi, thường hướng về mặt hồ với lòng thành kính - một việc cần thiết để chuyến đi thành công.

Người Buryat sống trên đảo Olkhon hàng trăm năm qua cũng tin rằng, họ là hậu duệ của đại bàng Olkhon - loài chim mà họ tôn kính. Người dân ở đây không ai không biết bức tường Kurykan, được xem là nơi xây dựng pháo đài chống kẻ thù. Hay Mũi Khoboy, bề ngoài giống răng nanh của một con vật, mà nếu nhìn từ dưới nước, có thể tưởng tượng ra hình dáng một phụ nữ. Có truyền thuyết kể rằng một phụ nữ Buryat xấu xa và đố kỵ đã bị giam cầm trong hòn đá như một sự trừng phạt. Tảng đá tình yêu cũng là một tâm điểm hút khách, với câu chuyện các cặp vợ chồng Buryat đến để cầu xin những đứa con. Điểm cao nhất của đảo Olkhon là núi Zhima linh thiêng, dịch ra nghĩa là "chủ của khu vực", được cho là nơi cư ngụ của các vị thần.

Nếu Olkhon được xem là trái tim hồ Baikal, thì làng Khuzhir là trái tim của Olkhon. Trải rộng trên bờ hướng ra mặt hồ, người dân sống trong những ngôi nhà gỗ nhỏ. Trên con đường mòn phủ đầy tuyết, những quán hàng bằng gỗ nâu phẳng phiu, cửa kính sáng lóa. Khách sạn ở đây cũng chủ yếu làm bằng gỗ, do đảo Olkhon là một phần của công viên quốc gia Pribaikalsky được bảo vệ đặc biệt, có quy định chặt chẽ về việc cấm xây dựng các tòa nhà bê-tông lớn. Người dân sưởi ấm chủ yếu bằng củi mang từ đất liền hoặc lò sưởi điện. Nguồn thu nhập của cư dân trong vùng là từ du lịch.

Sự huyền bí trên đảo Olkhon còn nằm ở đạo Shaman, một hình thức tôn giáo cổ xưa. Đảo Olkhon vốn là một trung tâm của Shaman giáo, với hơn 140 di tích bằng đá, gỗ... Con người từ lâu đã thờ cúng các vị thần thông qua pháp sư là trung gian giữa thế giới của con người và các thần linh. Mọi người tìm đến các pháp sư để xoa dịu tổ tiên họ, cũng như các thần linh của khu vực, cầu xin sự an lành và tìm giải pháp cho các khúc mắc cuộc sống. Trên đảo Olkhon, các tín ngưỡng khác nhau chung sống hòa bình, cả Chính thống giáo, Phật giáo và Shaman giáo. Điều này với vị pháp sư trên đảo chẳng có gì là khó hiểu: "Nếu bạn tin vào nhà thờ, hãy đến với cha. Nếu bạn tin vào Shaman, hãy đến với pháp sư. Một người nên sống trong sạch, không nói dối, không trộm cắp, không sát sinh".

Vị pháp sư dẫn chúng tôi ra núi đá Shamanka, một nơi linh thiêng và đầy năng lượng. Đá Shamanka có hai đỉnh, được công nhận là di tích lịch sử và thiên nhiên cấp quốc gia. Thời cổ đại, đây được coi là nơi trú ẩn của một vị thần. Phụ nữ bị cấm vào trong và đàn ông chỉ có thể đến đây với những món quà. Trên đường từ làng dẫn ra đá Shamanka, có những chiếc cột cầu nguyện được quấn dải ruy băng sáng màu, như một cách để xoa dịu các vị thần địa phương và cầu an.

Một phép màu trần gian. Nhiều du khách đã phải thốt lên như vậy khi đến đây để được cảm thấy gần Baikal nhất có thể. Một ngày rong ruổi sẽ hoàn hảo với món súp cá Baikal trứ danh nấu trên bếp, món cá Omul xông khói nóng hổi hay chuyến xe trở về làng dọc theo những con đường, một bên là núi, bên kia là hồ đẹp như tranh. Trên con đường ấy, những vị khách nghêu ngao: Từ nhỏ, tôi đã mơ về Baikal, và bây giờ, tôi đã thấy Baikal…