Bác Hồ với nhân sĩ Cao Triều Phát

NDO -

Sau ngày đình chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mời nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát ra bắc. Từ Cà Mau cụ Cao đi Phụng Hiệp, đáp máy bay lên Sài Gòn rồi ra Hà Nội. Sau đó, theo đường bộ lên Thái Nguyên. Một ngày thu năm 1954, giữa núi rừng Đại Từ, hai nhà yêu nước vui mừng gặp nhau lần đầu, cùng uống rượu đào ngâm thơ chào mừng kháng chiến thắng lợi...

Nhân sĩ Cao Triều Phát tại chiến khu Đồng Tháp Mười. Ảnh tư liệu
Nhân sĩ Cao Triều Phát tại chiến khu Đồng Tháp Mười. Ảnh tư liệu

Địa linh Bạc Liêu sinh ra một nhân kiệt mà vào đầu thế kỷ 20 đã nổi danh khắp Nam Bộ, đó là nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát.

Cụ Cao Triều Phát sinh năm 1889 tại Bạc Liêu, mất năm 1956 tại Hà Nội. Cụ xuất thân trong một gia đình quan lại và đại điền chủ, thế lực và sự giàu có vào bậc nhất ở Bạc Liêu. Thế nhưng, tuổi thanh niên Cao Triều Phát không dựa vào tiền của, quyền lực của gia đình mà vinh thân, phục vụ cho thực dân Pháp; không trở thành công tử Bạc Liêu trong nhóm công tử Bạc Liêu đương thời, mà dành hết cả tuổi trẻ cho các hoạt động xã hội như gia nhập các tổ chức cánh tả, hội Tam Điền, các tổ chức nhân quyền..., để bênh vực cho quyền lợi công nhân và lao động người Việt ở Pháp quốc cũng như ở bản xứ đang bị bóc lột, bị chà đạp nhân phẩm.

Ngày 12-11-1926, Cao Triều Phát cùng một số bạn bè đồng chí hướng sáng lập tổ chức "Đông Dương lao động Đảng" và lấy hai tờ báo là Nhật Tân báo và Ere nouvellelàm cơ quan ngôn luận. Mục đích của đảng này và hai tờ báo nêu trên là chống Pháp, bênh vực quyền lợi cho người lao động và cổ xúy chủ nghĩa cộng sản.

Từ năm 1933, Cao Triều Phát nhập môn Phật giáo Cao Đài -một tôn giáo lớn của Nam Bộ, rồi trở thành giáo phẩm cao cấp và sau đó là lãnh tụ Cao Đài Hậu Giang. Trong thời gian này, cụ đã tập hợp, lãnh đạo tổ chức đạo Cao Đài theo đảng chống Pháp với hai câu nói nổi tiếng: "Bàn thờ tôn giáo thì nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một"; "Hành đạo là kháng chiến, kháng chiến là hành đạo". Vì thế mà người ta nhận định Cao Triều Phát là một hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc.

Sau đó, cụ tham gia cách mạng và rũ bỏ đời sống vàng son hiến cho cách mạng 5.000 ha ruộng để đi kháng chiến giải phóng tỉnh Bạc Liêu (làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh). Sau khi giặc Pháp tái chiếm Nam Bộ và tỉnh Bạc Liêu, Cao Triều Phát đã chỉ huy trận đánh tại Tòa thánh Ngọc Minh (Thất Giồng Bướm) nổi tiếng.

Tiếp đó, Cao Triều Phát lên Khu, đi bưng biền kháng chiến, rồi tập kết ra bắc và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Khu, ở Miền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội Việt Nam.

Tháng 9 năm 1947, lúc Cao Triều Phát làm Cố vấn Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ thì nhận được một bức thư Bác Hồ gửi cho. Bức thư có đoạn: "... dù xa cách, Chính phủ và tôi lúc nào cũng nghĩ đến công nghiệp của ông đối với Tổ quốc, đối với cuộc kháng chiến và rất mong có ngày được gặp ông.

Cuộc kháng chiến càng ngày càng gay go, sự đoàn kết của nhân dân càng ngày càng phải siết chặt, ông là một lãnh tụ của một tôn giáo lớn, một vị nghị sĩ, một bậc lão thành, nhiệm vụ của ông đối với sự đoàn kết ở Nam Bộ rất nặng nề. Chính phủ, Quốc hội cũng như đồng bào Trung, Bắc rất hâm mộ và tín nhiệm ông. Với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể quốc dân, ngày vinh quang của đất nước sẽ gần đây. Ngày ấy cùng ông uống một chung rượu đào, ngâm một bài thơ đắc thắng, là lòng mong mỏi của tôi.

Thay mặt cho Chính phủ, tôi chúc ông mạnh khỏe luôn để cùng toàn dân theo đuổi cuộc kháng chiến lâu dài, đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Theo bức thư này, tôi kính gửi tặng ông bức ảnh của tôi gọi là vật kỷ niệm mọn".

Hai kỷ vật thiêng liêng là tấm ảnh và bức thư cùng với chiếc áo Bác Hồ mà Cao Triều Phát vận động quyên góp ủng hộ thương binh, liệt sĩ đã theo ông suốt cuộc kháng chiến đến khi tập kết ra bắc. Nhà văn Thiếu Sơn viết bài "Bài học Cao Triều Phát" đăng trên Báo Đuốc nhà Nam ngày 22-6-1969 đã miêu tả những năm kháng chiến ở bưng biền gian khổ nhất lúc nào Cao Triều Phát cũng giữ những kỷ vật thiêng liêng của Bác Hồ trong túi ba-lô và đeo bên mình.

Tết năm 1955, Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng mời các nhân sĩ trí thức miền nam đến Phủ Chủ tịch dùng cơm. Mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Hôm nay, khách mời khá đông, tôi xin bắt tay người khách lớn tuổi nhất và người khách nhỏ tuổi nhất". Nói xong Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bắt tay cụ Cao Triều Phát và con trai út của cụ, năm đó mới lên 10 tuổi (theo Trần Quang Lê, nguyên Phó ban Dân vận Trung ương cục miền Nam).

Ngày 9-9-1956, Cao Triều Phát từ trần vì bạo bệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... đã đến tận giường bệnh thăm viếng chia buồn cùng gia đình.

Trong một bức thư đáp từ với Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9-1947, Cao Triều Phát nói rằng: "... Tôi cảm tạ Chủ tịch có tấm thịnh tình và một nghĩa cử cao quý...".

Vâng, chính tấm thịnh tình và nghĩa cử cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Cao Triều Phát đã rũ bỏ vàng son, hiến tất cả "để tham gia kháng chiến ngay từ đầu và đã kháng chiến tới già tới chết. Phần lớn sự nghiệp của cụ, cụ đã cống hiến cho Cách mạng" - như nhà văn Thiếu Sơn đã nói.

Cao Triều Phát là một hiện tượng đặc biệt nói lên cái khí chất trọng nghĩa khinh tài của người Nam Bộ.